Tết thời Covid-19 của người Việt tại Séc
VOV.VN - Đối với người Việt xa quê, khi không thể trở về quê hương để đón Tết thì những bữa cơm cuối năm càng có giá trị to lớn hơn, để họ cùng quây quần bên nhau và ôn lại những giá trị truyền thống.
Trong tâm thức mỗi người dân Việt, bữa cơm tất niên là bữa cơm đoàn viên, là dịp để cả gia đình quây quần bên mâm cơm cuối năm với nhiều cảm xúc và thưởng thức những món ăn truyền thống. Đối với người Việt xa quê, khi không thể trở về quê hương để đón Tết thì những bữa cơm cuối năm càng có giá trị to lớn hơn, để họ cùng quây quần bên nhau và ôn lại những giá trị truyền thống.
Nếu như mọi năm vào thời điểm này thì không khí chuẩn bị Tết nguyên đán của bà con người Việt ở Cộng hòa Séc rất nhộn nhịp, tuy nhiên năm nay do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các lệnh hạn chế tụ tập của chính phủ Séc cũng khiến không khí đón Tết của bà con có phần trầm lắng hơn, nhưng các gia đình người Việt luôn cố gắng sắm sửa và chuẩn bị cho ngày Tết được trọn vẹn và an toàn nhất.
Đây là năm thứ hai anh Nguyễn Văn Bên sinh sống và làm việc tại thị trấn Rokycany, Cộng hòa Séc không có dịp trở về quê hương đón Tết. Năm nay, gia đình anh đã lên kế hoạch từ sớm, sắm sửa quà bánh để về biếu bố mẹ và anh chị em trong gia đình. Nhưng dịch bệnh bùng phát trở lại, các lệnh hạn chế được thực hiện quyết liệt, các chuyến bay hồi hương không thể thực hiện, gia đình anh tiếp tục đón một cái Tết xa nhà.
Anh chia sẻ dù sinh sống và làm việc nhiều năm ở Cộng hòa Séc nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, anh và gia đình vẫn luôn cố gắng thu xếp trở về quê hương đón Tết bên người thân.
Năm nay cũng là một năm khó khăn khi gia đình anh nhận được tin người thân mất chỉ vài tuần trước dịp Tết. Chia sẻ với phóng viên VOV, anh cho biết năm nay là năm thực sự khó khăn đối với gia đình khi vừa qua bố vợ mất, vợ chồng và các cháu không về được khiến nỗi nhớ Tết và gia đình ngày càng trở nên da diết. Thông thường như mọi năm, mỗi lần về Việt Nam, anh đều cho các cháu về thăm ông bà, họ hàng nội ngoại. Bố mẹ thì cũng tuổi cao sức yếu nên với những người con xa quê như vợ chồng anh rất muốn được về Việt Nam vào dịp Tết như thế này để được thăm nom bố mẹ hai bên nội ngoại và anh chị em, con cháu trong gia đình.
Cũng như mọi năm, dù gia đình có chuyện buồn nhưng anh chị vẫn cố gắng sửa soạn mâm cỗ tất niên theo đúng phong tục truyền thống người Việt và mong chờ sớm có cơ hội được đoàn tụ với gia đình.
Chị Lê Thị Thêm chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng dù năm nay có dịch đi chăng nữa thì mâm cơm của ngày tất niên vẫn phải đủ đầy. Ở Việt Nam nhiều người nghĩ rằng ở bên này thiếu thốn nên không thể chuẩn bị được các món truyền thống như ở nhà nhưng chúng tôi vẫn cố gắng mua nguyên vật liệu để nấu các món như bánh chưng, hành muối, xôi, gà giò… và mâm ngũ quả để cúng gia tiên, thần linh”.
Với những người con xa quê, được trở về sum họp với gia đình ngày cuối năm, chuẩn bị cho cái Tết rộn ràng có lẽ là điều thiêng liêng nhất. Nhưng vì khoảng cách địa lý, những công việc còn dang dở và trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp … thì mong ước đó càng khó thực hiện hơn bao giờ hết. Có lẽ không chỉ có gia đình của anh Bên chị Thêm mà còn nhiều gia đình người Việt ở khắp nơi trên thế giới cũng gặp phải hoàn cảnh khó khăn tương tự.
Tuy nhiên, dù cách xa hàng nghìn cây số, nhưng nỗi nhớ nhà sẽ vơi bớt phần nào khi họ vẫn có thể trò chuyện với người thân qua mạng xã hội và gửi những lời chúc mừng đầu xuân khiến cho khoảng cách địa lý như được kéo gần lại trong thời khắc thiêng liêng này.
Thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới đã cận kề. Năm nay cũng là một năm khó quên với nhiều bà con cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Séc bởi không có cơ hội trở về đón Tết ở quê hương. Tuy nhiên, có lẽ trong mỗi gia đình, mọi người vẫn thể gặp mặt và có thể gửi lời chúc an lành đối với người thân qua các nền mạng xã hội để cùng động viên nhau vượt qua thời điểm khó khăn này và đón chào một năm Tân Sửu với nhiều hy vọng tốt đẹp./.