Thăng Long - Hà Nội trong trái tim tôi

Tôi không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Song tôi yêu Thăng Long-Hà Nội với một tình yêu khó lý giải

Thăng Long - Hà Nội là đất ngàn năm văn vật, thủ đô của nước Việt Nam. Nơi đây đã sớm trở thành một trung tâm chính trị và tôn giáo ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam.

Theo truyền thuyết, năm 1010, Vua Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của nhà Lý, quyết định dời đô từ Ninh Bình ra đất mới vì đất cũ chật hẹp. Khi đến sông Hồng, nhà vua thấy Rồng từ mặt nước bay lên trời nên vùng đất này được đặt tên là Thăng Long.

Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, kinh thành Thăng Long là nơi buôn bán sầm uất, là trung tâm văn hóa, giáo dục. Thăng Long xưa có 13 trại, 61 phường thời Lý-Trần, 36 phố phường thời Lê-Nguyễn. Khi nhà Nguyễn lên nắm quyền, kinh đô được di chuyển về Huế, bỏ lại Thăng Long, nên có bài thơ tả cảnh tiêu điều về vùng đất thiêng này. Năm 1831, vua Minh Mạng đổi tên Bắc Thành thành Hà Nội.

Hà Nội xưa

Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương và được người Pháp xây dựng lại. Trải qua hai cuộc chiến tranh, Hà Nội vẫn là thủ đô của nước Việt Nam thống nhất.

Hà Nội ngày xưa với những thiếu nữ yêu kiều diễm lệ, thùy mị trong chiếc áo dài tha thướt, đặc trưng của Việt Nam. Người Hà Nội thừa hưởng nền lễ giáo, gia phong, lịch lãm, khi giao tiếp, họ nói với nhau lời lẽ thanh lịch biết thưa gửi, dạ vâng.

Đặc điểm chung của người Hà Nội, họ đều có một giọng nói đặc biệt không thể lẫn lộn với người ở các tỉnh khác. Đó là chữ “có”, phát âm không hẳn giữ nguyên dấu sắc mà lẫn cả dấu nặng. Lúc vui hay lúc giận họ cũng không quá biểu lộ trên nét mặt, nhưng luôn tao nhã trong lời nói, cử chỉ luôn thanh thoát nhẹ nhàng. Nét thanh lịch của người Hà Nội được bảo tồn từ xa xưa cho đến tận ngày hôm nay.

Tình yêu duyên nợ

Nếu hỏi vì sao tôi yêu Thăng Long - Hà Nội? Chắc tôi khó mà trả lời cho suôn sẻ. Vì thật ra, tôi không phải là người được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Tôi cũng không biết mình yêu Thăng Long - Hà Nội từ bao giờ? Có lẽ đây là mối duyên xưa mà tôi không thể lý giải nổi.

Nhớ năm xưa, lúc lên 8, tôi được dẫn ra thăm đất Hà thành, nhưng tôi chỉ nhớ có hồ Gươm và phố hàng Đào. Còn những điểm khác của Hà Nội, tôi chỉ biết qua sách vở và phim ảnh. Đến khi đất nước thống nhất tôi mới có cơ hội về thăm Hà Nội nhiều lần và từ đấy tôi có nhiều kỷ niệm với Hà Nội.

Có năm, tôi may mắn được hưởng những ngày xuân tại Hà Nội. Đó là những ngày thật tuyệt vời; tôi được thấy những cành đào hồng rực cả một góc trời, được đi dưới mưa phùn se lạnh và được tỏ bày tâm sự về quãng đời đã qua với người thân yêu. Bỗng dưng tôi thấy mình trẻ lại…

Nhưng có lẽ, tôi đã yêu Hà Nội từ khi tôi biết xúc cảm trước giọng nói ấm áp, truyền cảm của cô xướng ngôn viên Đài Phát thanh với câu mở đầu dịu dàng rất đỗi Hà Nội mà tôi không bao giờ quên được: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Tiếng nói trìu mến ấy đã lay động con tim của bao người con thân yêu xa Tổ quốc, nhưng luôn hướng về quê hương yêu dấu của mình.

Hơn 60 năm trước tiếng súng nổ, bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, Hà Nội đặc biệt ghi dấu ấn bởi tinh thần chiến đấu hào hùng của Trung đoàn Thủ Đô. Tôi yêu Hà Nội qua những lời ca, tiếng nhạc hùng dũng, sục sôi bầu nhiệt huyết của bài hát “Người Hà Nội” (tác giả Nguyễn Đình Thi):

Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây.

Đây lắng hồn núi sông ngàn năm.

Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu!

Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời.

Hà Nội hồng ầm ầm rung,

Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo Hà Nội vùng

đứng lên!

Hà Nội đẹp sao! Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng.

Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng .

Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn ngàn nguồn sống tràn đầy dâng.

Hà Nội đẹp sao. Những cửa đầu ô.

Tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu Hà Nội tươi

thắm.
Sống vui phố hè. Bồi hồi chàng trai, những đôi mắt nào.

Quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ.

Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai.

Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu! Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi

Là thủ đô, Hà Nội còn là một trung tâm văn hóa, giáo dục với các nhà hát, bảo tàng, các làng nghề truyền thống, những cơ quan truyền thông cấp quốc gia và các trường đại học lớn.

Hà Nội là thành phố có nhiều hồ và có nhiểu ngõ phố. Có thể nói, không có thành phố nào trên thế giới có nhiều hồ và nhiều ngõ phố bằng Hà Nội. Đó là Hồ Gươm, Hồ Trúc Bạch, Hồ Tây, Hồ Thiền Quang, Hồ Bảy Mẫu... Quanh các bờ Hồ, bạn sẽ thấy những cặp tình nhân… ngồi bên nhau, tay trong tay, mắt nhìn nhau thật âu yếm, họ đang hạnh phúc đấy! Nhất là những ngày vào thu, không khí Hà Nội thật êm đềm thì bờ Hồ là nơi thơ mộng và lãng mạn nhất.

Hồ Gươm- trái tim của Hà Nội (Ảnh: Quang Trung)

Hà Nội ngày nay, từ khi đô thị hóa đã có nhiều nhà cao tầng. Ngoài đường phố, xe hơi xe gắn máy đầy đường. Dù Hà Nội có thay đổi từng ngày, dù sau này đô thị có phát triển thì Thăng Long - Hà Nội vẫn là Thăng Long - Hà Nội.

Hồn riêng Thăng Long - Hà Nội

Thăng Long - Hà Nội mùa nào cũng  tươi đẹp, nhất là có nắng thu vàng. Hơn nữa, Hà Nội có vị trí địa lý, có chiều sâu lịch sử và nét tinh hoa truyền thống Dân tộc. Nói đến Thăng Long - Hà Nội là phải kể đến văn hóa và con người của đất ngàn năm văn vật.

Tôi thích và yêu đất Thăng Long - Hà Nội vì nó có  bốn mùa: Xuân thì hoa Lan nở, Hạ thì Sen nở, Thu thì Cúc trổ bông, Đông thì có Mai nở. Buổi sáng mùa thu sớm đi bộ trên đường Nguyễn Du hít được mùi hoa sữa phảng phất, dịu dàng thật dễ chịu.

Món ngon Hà-Nội thật là phong phú như chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì, Phở Thìn Bờ Hồ, Cháo Trai Trần Xuân Soạn, Bún Ốc Tây Hồ, Bánh Đúc thịt Phố Lê Ngọc Hân, Chả cua Nguyễn Hữu Xuân, Cơm chay An Lạc... Còn làng nghề cũng nhiều như: sơn mài Đông Mỹ, nón lá Đại Áng, giấy sắc Nghĩa Đô, giấy dó Vân Canh, đúc đồng Ngũ Xá, tre mây Ninh Sở ....

Xuân Thăng Long Hà Nội rất hữu tình, có mưa phùn, gió bấc, có hoa Đào đua sắc thắm, quất và bông cúc vàng tươi. Tôi thích cả những bài hát và bài thơ nói về Thăng Long - Hà Nội. Nhưng có điều tôi thích nhất là đi đến đâu, ở bất kỳ chỗ nào Hà Nội cũng có hoa, cả một rừng hoa. Từ làng hoa Quảng Bá đến những cô thiếu nữ chở hoa trên xe đạp đi bán dạo ở khắp phố phường. Tôi đã từng đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa thấy thành phố nào yêu hoa như thành phố Hà Nội.

Cho dù thời thế có đổi thay thì Thăng Long - Hà Nội vẫn còn 36 phố phường, vẫn còn Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, chùa Một Cột, Văn Miếu…. Tất cả vẫn còn đó là những tinh hoa và hồn của Thăng Long - Hà Nội.

Hoa chở trên xe đạp đi bán dạo ở khắp phố phường

Đối với người ngọai quốc thì Hồ Gươm và các phố cũ như Hàng Đào, Hàng Ngang được họ nhớ nhiều hơn các nơi khác. Sắp tới đây làm thế nào giáo dục cho dân Hà Nội đừng xả rác, biết giữ vệ sinh quanh các đường phố và bờ Hồ. Vì hồ Gươm là trung tâm, là nơi ấn tượng của Hà Nội, cảnh đẹp tuyệt vời. Khách du lịch ở phương xa đến đều tấm tắc khen Hổ Gươm đẹp, Hồ Gươm có hàng liễu rủ, có tháp Rùa cổ kính rêu phong. Vào mùa hè, Hồ Gươm có hoa phượng đỏ tô thêm cảnh sắc cho Hồ. Còn Hồ Tây rộng lớn, long lanh sóng nước, ẩn hiện  bầu trời xanh với tiếng chim hót ríu rít quanh ta… Nói chung, những hồ ở Thăng Long - Hà Nội là những báu vật trời cho, chúng ta nên cùng nhau gìn giữ!

Phải nói thật, Thăng Long - Hà Nội có cái gì quyến rũ như người tình chung, đi xa thì lưu luyến nhớ, về lại thì tràn trề thương!

Và bây giờ, nếu hỏi vì sao tôi yêu Thăng Long - Hà Nội? Tôi chỉ biết trả lời  đơn giản: “Tôi yêu Thăng Long - Hà Nội vì rằng đây là đất ngàn năm văn vật, là thủ đô của nước Việt Nam mến yêu, có chiếu dài lịch sử và đã cho tôi nhiều kỷ niệm thân thương…

Và “Thăng Long - Hà Nội luôn ở trong trái tim tôi”!/.
                                                                      California, trung tuần tháng Giêng 2010

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên