Tiệm phở Việt Nam ở Nepal

Tiệm Sài Gòn Phở tọa lạc tại vị trí rất đắc địa: mặt tiền đường Lazimpat, đối diện khách sạn 5 sao Shangrila. Đây cũng được xem là khu ngoại giao bởi nó tập trung hầu hết các đại sứ quán nước ngoài ở thủ đô Kathmandu.

Tại đây, tiệm ăn Sài Gòn Phở là một villa 3 tầng sơn màu ngói đậm trông rất ấm cúng, có sân rộng rãi để đậu cùng lúc khoảng 4 - 5 chiếc xe hơi và vài chục chiếc xe gắn máy (cần lưu ý rằng giá đất ở Kathmandu, thủ đô của Nepal khá đắt đỏ, các quán ăn, nhà hàng thường không có chỗ đậu xe hơi!).

Tiệm ăn Sài Gòn Phở ở thủ đô Kathmandu
Chủ nhân của tiệm Sài Gòn Phở này có cái tên thật giản dị là Nguyễn Thị Út, gốc gác ở quận 11, thành phố Hồ Chí Minh. Nghe nói trước đó cả gia đình bố mẹ chị đã từng đi lập nghiệp ở Phnom Penh (Campuchia) nhiều chục năm. Riêng chị Út lớn lên ở Pháp, rồi lập gia đình với một sinh viên Nepal, sau đó theo chồng sang sinh sống ở Mỹ khoảng 6 năm, chỉ mới vừa về quê chồng chừng 2 năm nay.

Chị Út cho biết: trong vòng năm đầu tiên chị khá khổ sở vì chuyện ăn uống không hợp khẩu vị. (Người dân Nepal không ăn các loại động vật hoang dã, các loại thịt lạ mang tính sơn hào hải vị. Chính vì thế món ăn Nepal rất giản dị, không có gì đặc biệt). Ở đây có các nhà hàng Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng thường nêm nếm theo kiểu Nepal (không dùng đường, bột ngọt, bột nêm, chỉ có muối). Vốn con nhà nghề (gia đình chị Út có mấy nhà hàng ở Phnom Penh), chị đã bàn bạc với chồng kế hoạch mở một nhà hàng ăn Việt Nam, vừa kinh doanh nhưng nhất là được ăn món Việt thoải mái. Chồng chị Út là anh Naveen Saru, từng tốt nghiệp kỹ sư ngành công nghệ thông tin ở Mỹ nhưng cũng có máu kinh doanh nên lập tức đồng ý, thậm chí anh còn bỏ cả bằng cấp chuyên môn để ở nhà làm Managing Director (Giám đốc điều hành) giúp vợ. Anh Naveen Saru hiện còn là thành viên chủ chốt trong Ban vận động thành lập Hiệp hội Thương mại Nepal - Vietnam (Nepal - Vietnam Commerce Chamber). Có lần anh tâm sự rằng lần đầu thưởng thức món phở Việt Nam anh không thích cho thêm các loại rau thơm, nhưng sau đó "mãi rồi nghiện!”

Chủ tiệm "Sài Gòn Phở"  Nguyễn Thị Út
Nhìn lướt qua bảng thực đơn của tiệm ăn Sài Gòn Phở, điều thú vị ở chỗ tên món ăn thường được ghi bằng tiếng Việt trước rồi mới dịch hay giải thích bằng tiếng Anh. Hầu như có đầy đủ các món ăn đặc trưng của người Việt như nem rán, gỏi cuốn, gỏi đu đủ, thịt lợi quay, thịt kho trứng, cá lóc kho tộ... và dĩ nhiên khỏi phải nói là món phở. Càng độc đáo hơn nữa khi Sài Gòn Phở còn phục vụ thực khách nhiều món tráng miệng cũng mang đậm bản sắc Việt như chè chuối, chè bắp và chè đậu đen. Tuy phần lớn người dân Nepal cũng có các món ăn ngọt nhưng thường là kẹo, bánh chứ chưa bao giờ họ biết đến các món chè như của người Việt Nam. Chị Út cười và nói thêm: "Ngoài phở bò, phở gà, tiệm chúng tôi còn có cả món phở bò kho nữa!

Được biết, tiệm ăn Sài Gòn Phở không phải là nhà hàng đầu tiên của vợ chồng chị Út. Năm ngoái họ đã từng thử nghiệm một nhà hàng Việt nhỏ mang tên Upstairs Café tọa lạc sát  Đại sứ quán Mỹ ở Kathmandu. Nhà hàng này chỉ nằm ở tầng một của một căn nhà mặt tiền nên có tên Upstairs, chỉ có chừng 8 bàn nhưng xem ra cũng đủ sức thu hút các nhân viên đại sứ quán đến ăn. Cảm thấy bước đầu tương đối thành công, thế là hai vợ chồng chị bèn "thừa thắng xông lên” mở ngay tiệm ăn Sài Gòn Phở. Tiệm ăn mới mở vài tháng nay đã dần trở thành địa chỉ hàng đầu về ẩm thưc của người dân ở Kathmandu và thậm chí còn được giới thiệu trang trọng ở một số tờ báo địa phương./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên