Bổ nhiệm cấp phó tràn lan, không đạt chuẩn là điều đáng lo
VOV.VN - Việc nhiều địa phương, đơn vị “thừa” cán bộ, nhất là cấp phòng không còn là cá biệt đặt ra những dấu hỏi trong công tác cán bộ ở cơ sở.
Đại biểu Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ của Quốc hội nhấn mạnh điều này khi trả lời phóng viên VOV.VN.
PV: Các kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ vừa qua cho thấy gần như tất cả địa phương, đơn vị được thanh tra đều có vi phạm trong công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ ở mức độ khác nhau. Điều này cho thấy vấn đề gì, thưa ông?
Ông Phạm Tất Thắng: Kết quả thanh tra đó nói lên hai vấn đề. Thứ nhất, các quy định đã thể hiện rõ mỗi một cấp thì có bao nhiêu cấp phó, bao nhiêu cán bộ quản lý nên bố trí thừa là thể hiện sự không thượng tôn pháp luật và kỷ cương, kỷ luật công vụ không nghiêm.
Thứ hai, nơi nào đã không thực hiện đúng quy định như vậy chắc chắc trong việc bố trí, đề bạt cán bộ nơi đó có chuyện nể nang, quan hệ, quen biết.
Điều đáng lưu ý, hiện tượng này thời gian qua báo chí phản ánh cũng như kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy không còn là cá biệt, mà lại xuất hiện ở khá nhiều nơi thì đây là tình trạng đáng lo. Cũng có thể đặt vấn đề rằng, trong kỷ luật công vụ của chúng ta liệu có chuyện “trên bảo dưới không nghe”, không thực hiện hay không?!
Đại biểu Phạm Tất Thắng: "Chưa chứng minh rõ năng lực đặc biệt lại “thăng tiến kiểu Thánh Gióng” là bất bình thường" |
PV: Như ông nói, quy định thì đã có. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đúng quy định lại chỉ “bung” ra khi báo chí và cơ quan chức năng cấp trên vào cuộc. Rõ ràng cần đặt vấn đề về vai trò của cấp ủy và cơ quan được giao thẩm quyền ở địa phương, đơn vị đó?
Ông Phạm Tất Thắng: Cũng có thể đặt vấn đề như vậy. Nơi nào có hiện tượng đó thì cấp ủy, cơ quan thanh tra, kiểm tra ở cơ sở không phát huy được vai trò. Bên cạnh đó là sự xuê xoa, nể nang, quan hệ gì đó trong việc này.
PV: Các kiến nghị xử lý thường vẫn là kiểm điểm, rút kinh nghiệm hay“mạnh tay” hơn là thu hồi quyết định bổ nhiệm. Theo ông, điều này liệuđã đủ sức răn đe, đặc biệt là gắn trách nhiệm người đứng đầu hay chưa?
Ông Phạm Tất Thắng: Tôi cho là chưa. Bởi vì nếu xét theo góc độ pháp luật thì là làm như vậy là anh đã thực hiện sai luật, nhưng chỉ xử lý ở mức nhắc nhở, thu hồi quyết định thì chưa đủ tính răn đe. Những người đưa ra những quyết định đó cũng chưa phải chịu trách nhiệm cụ thể.
Theo tôi, những vụ chúng ta đã phát hiện thì cần làm rõ nguyên nhân để xem mức độ sai phạm và nếu sai phạm nhiều, có hệ thống thì phải quy trách nhiệm để xử lý.
Cán bộ là công tác của Đảng nên tập thể cấp ủy ở đó cũng phải có trách nhiệm.
PV: Qua nhiều trường hợp “thừa” cán bộ, hay cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì thì việc dư luận đặt dấu hỏi về việc có hay không những tiêu cực trong bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ là có cơ sở, thưa ông?
PV: Câu “đúng quy trình” lâu nay thường được nhắc đến. Vậy theo ông, những trường hợp như các kết luận thanh tra đã chỉ rõ thì có đúng quy trình hay không?
Ông Phạm Tất Thắng: Ít nhất không thể nói là đúng khi số lượng thừa so với quy định mà không lý giải được một cách thuyết phục. Người ký quyết định bổ nhiệm phải cho thấy rõ rằng do yêu cầu đặc biệt gì đó của công việc nên nơi đó cần nhiều công chức, viên chức, cán bộ quản lý hơn và phải được cấp có thẩm quyền cho phép.
Bên cạnh đó là tiêu chuẩn, điều kiện lại không đủ thì càng không thể nói là đúng quy trình được.
Do đó, theo tôi phải quy trách nhiệm cụ thể, xử lý nghiêm nếu có việc cố tình vi phạm, tránh kiểu xử lý khiến “sợi dây kinh nghiệm rút mãi không hết” như lời Chủ tịch Quốc hội từng đề cập.
PV:Vâng, xin cảm ơn ông!./.