Bổ nhiệm “thần tốc” ở Thanh Hóa và vấn đề kiểm soát quyền lực
VOV.VN - Vụ bổ nhiệm “thần tốc” một Trưởng phòng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa lộ ra những điểm yếu trong quá trình giám sát, kiểm soát quyền lực.
Từ chuyện chỉ ra nhiều cái sai về quy định, quy trình trong việc bổ nhiệm “thần tốc” một Trưởng phòng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, đến một số cán bộ ở tỉnh Hải Dương bị kỷ luật trong việc ra quyết định trái pháp luật, bổ nhiệm con ruột làm lãnh đạo không qua thi tuyển; bổ nhiệm 44 người giữ chức danh lãnh đạo trong một đơn vị chỉ có 46 người; rồi Hội Nông dân tỉnh Thái Bình có 21 cán bộ, chuyên viên, nhân viên, thì có đến 14 người làm lãnh đạo. Thực trạng ấy cho thấy có nhiều bất ổn trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và cũng lộ ra những điểm yếu trong quá trình giám sát, kiểm soát quyền lực.
Nhiều cái sai về quy định, quy trình trong việc bổ nhiệm “thần tốc” một Trưởng phòng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. |
Bởi thế, mới có nhiều trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, “siêu thần tốc” cán bộ theo kiểu “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” , theo kiểu “con ông, cháu cha” hoặc cả nhà làm quan, cả họ làm quan. Bởi thế, xuất hiện ngày càng nhiều dự án thua lỗ nghiêm trọng kéo dài, tới khi phát hiện thì không còn khả năng cứu vãn. Bởi thế, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa biết đến bao giờ mới có kết quả; công tác cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là những hệ quả tất yếu của tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong hệ thống công quyền hiện nay.
Ai cũng rõ hành vi lạm dụng quyền lực tác động xấu đối với sự phát triển của đất nước, với niềm tin của người dân, với chế độ chính trị ra sao. Sau những vụ lợi dụng, lạm dụng quyền lực vun vén lợi ích cho cá nhân, phe nhóm gây thất thoát ngân sách, làm thiệt hại nghiêm trọng tới nền kinh tế; sau những việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ một cách bất thường, trái quy định của pháp luật, đã có chỉ đạo xử lý ngay; đã có những tiếng nói, chỉ đích danh “đồng chí ấy là con đồng chí nào” và, vì sao “đồng chí ấy được bổ nhiệm, vì sao đồng chí ấy sở hữu khối tài sản mà một cán bộ bình thường chẳng bao giờ có được”.
Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, cái đúng-sai của câu chuyện quy định, quy trình này vẫn chưa hoàn toàn minh bạch, chưa công bằng, chưa đủ sức thuyết phục, chưa thỏa mãn sự mong đợi của người dân. Khâu xử lý mới ở phần ngọn, chưa đi đến tận cùng vấn đề, chưa giải quyết được cái gốc, đó là: Nguyên nhân của thực trạng và điểm yếu trong công tác giám sát, kiểm soát quyền lực hiện nay.
Vụ bổ nhiệm “thần tốc” bà Quỳnh Anh: Phải tìm ra đằng sau đó là ai?
Điểm yếu ấy thể hiện ngay trong hệ thống pháp luật. Từ các văn bản quy phạm pháp luật đến việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan hành pháp, tư pháp. Vì sao đã nhìn ra việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tham ô, tham nhũng tài sản của Nhà nước, tiền thuế của dân mà không có chế tài đủ mạnh để siết chặt, xử lý? Vì sao thấy lỗ hổng của việc kê khai tài sản của quan chức mà vẫn tiếp tục duy trì cách làm hình thức, không hiệu quả, không quy định cụ thể kê khai tài sản đối với người thân của quan chức?
Vì sao cứ dùng dằng, thiếu nghiêm túc khi xử lý những vi phạm trong công tác cán bộ, gây hoài nghi trong dư luận? Vì sao không đặt ra trách nhiệm giám sát, kiểm soát quyền lực lẫn nhau, không tăng cường sự tham gia trực tiếp của người dân vào quá trình kiểm soát quyền lực? Vì sao thấy được cơ chế kiểm soát quyền lực đang có vấn đề, chưa phù hợp mà chưa dũng cảm thay đổi nó?
Chỉ khi nào những điểm yếu, những nút thắt ấy được gỡ bỏ, chỉ khi nào “quyền lực được nhốt trong lồng quy chế”, cộng hưởng sự quyết tâm cao của những người đứng đầu thì quyền lực mới được kiểm soát; mới không còn những mối quan hệ chằng chịt, chi phối lẫn nhau; mới hạn chế những cán bộ, đảng viên “tự diễn biến, tự chuyển hóa” chỉ vì lợi ích cá nhân, vì lợi ích nhóm, vì những “sân sau” của nhóm, của gia đình mà lũng đoạn chính sách, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có như vậy công tác cán bộ của Đảng mới thực sự làm dân yên lòng; mới xây dựng được một chính quyền liêm chính-kiến tạo-phục vụ./.