“Chúng tôi mong muốn Trung ương sẽ mạnh tay hơn nữa“
VOV.VN - Việc xử lý cán bộ trẻ như trường hợp Bí thư Thành ủy Đà Nẵng là một bài học để những địa phương khác rút kinh nghiệm trong công tác cán bộ.
Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng vì những sai phạm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Xuân Anh. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Những sai phạm của cán bộ, đảng viên cấp cao đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng ta. Do vậy, việc xử lý cương quyết những trường hợp sai phạm, cho dù đó là ai, không có bất kỳ vùng cấm nào, thực sự mang lại luồng gió mới trong nội bộ Đảng.
“Tôi cảm thấy vừa qua Trung ương đã có nhiều động thái rất mạnh mẽ đối với những cán bộ chủ chốt, trong đó có những vị đứng đầu cao nhất Thành ủy TPHCM và Đà Nẵng đã bị Trung ương xử lý kỷ luật. Sắp tới đây, chúng tôi mong muốn Trung ương sẽ mạnh tay hơn nữa, xử lý những sai phạm triệt để. Qua đó giúp trong sạch hơn bộ máy và giữ vững thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng” – ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Hùng, người dân phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tin tưởng sự quyết liệt của Đảng trong việc xử lý cán bộ sai phạm như câu nói ví von của Tổng Bí thư: Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cho vào cũng phải cháy. Ông cũng hy vọng trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước quyết tâm chống tham nhũng hơn nữa để đem lại niềm tin cho nhân dân.
Từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Lê Khắc Sơn – nguyên đại tá Công an nhân dân cho rằng, việc xử kỷ luật cán bộ sai phạm đang được Đảng ta thực hiện rất nghiêm minh, chính xác và kịp thời.
Việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng là tấm gương cho những cán bộ trẻ, đòi hỏi cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Đồng thời đây cũng là dịp để xem xét lại quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt.
“Qua vụ việc này, cần phải xem xét lại quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo từ cơ sở trở lên chứ không phải chỉ mỗi Trung ương. Khi cân nhắc để bổ nhiệm một cán bộ cần có sự nhất trí cao trong Đảng chứ không phải làm nóng vội và phải xem xét quá trình của đồng chí đó đã đủ năng lực, đủ phẩm chất đạo đức chưa để gánh vác công việc Đảng, nhà nước giao cho” – ông Lê Khắc Sơn nói.
Dư luận cũng đồng thuận với quan điểm Đảng là phải trẻ hóa cán bộ, tuy nhiên cán bộ giữ những vị trí quan trọng thì phải có đạo đức và năng lực. Việc xử lý cán bộ trẻ như trường hợp Bí thư Đà Nẵng là một bài học để những địa phương khác rút kinh nghiệm trong công tác cán bộ.
Bài học cho các đảng viên có chức quyền
Xem kết luận kỷ luật cán bộ ở Đà Nẵng trên báo chí, ông Đào Vũ Bằng, cựu chiến binh xã Tân Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cho rằng đây là một điều đáng tiếc khi phải thi hành kỷ luật một cán bộ trẻ, có nhiều triển vọng.
Song, theo ông, Nguyễn Xuân Anh là một cán bộ sinh ra trong một gia đình có truyền thống, lại được học bài bản, kỹ lưỡng, nhưng để xảy ra vi phạm nghiêm trọng do thiếu rèn luyện, thiếu kỷ luật và thiếu bản lĩnh trong công tác thực hiện nhiệm vụ của mình. Do đó, việc cách chức Bí thư là cần thiết, để làm thức tỉnh những cán bộ, đảng viên có chức có quyền.
Kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh và hàng loạt cán bộ là việc phải làm!
Ông Nay Nô, số 56 Lê Thánh Tông, thành phố Pleiku nêu ý kiến: “Việc thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh là hợp lý và cũng là bài học cho thấy chuyện cất nhắc cán bộ, tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa, kế cận,… phải chín muồi, không nên chín ép. Vì cán bộ phẩm chất chính trị không vững vàng thì rất dễ sa ngã. Nghĩa là người cách mạng có thể không gục ngã trước viên đạn đồng của kẻ thù, nhưng dễ dàng ngã bởi viên kẹo bọc đường của giai cấp tư sản”.
Hoan nghênh chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương đã kịp thời kiểm điểm, kỉ luật những cán bộ có những sai phạm nghiêm trọng để đem lại lòng tin cho nhân dân, ông Nguyễn Lương Tuấn ở tổ 4, phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông bày tỏ đây cũng là bài học đối với các vị lãnh đạo đang đương nhiệm phải nâng cao trách nhiệm của bản thân, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của người dân nhiều hơn, thực hiện đúng các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tốt hơn để đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Trả giá cho những sai phạm
Ông Trần Quang Tăng, Trưởng khu phố tại phường 3, quận Bình Thạnh, TPHCM đồng tình với kết luận và cho biết trên cương vị Bí thư Thành uỷ nhưng ông Xuân Anh đã ở nhờ nhà của doanh nghiệp và đi xe của doanh nghiệp tặng thì sẽ tạo dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân. Và nếu những người đó còn ở trên cương vị lãnh đạo thì nhân dân sẽ không “tâm phục, khẩu phục”.
Theo ông Đỗ Thanh Hải, đảng viên tại TPHCM để đưa ra kết luận kỷ luật một cán bộ, Trung ương đã phải cân nhắc và xem xét rất nhiều để lấy lại niềm tin của nhân dân.
“Ông Xuân Anh đã trả giá và đó cũng là bài học để các tỉnh, thành khác nhìn vào đấy để chỉnh đốn lại” – ông Hải bày tỏ.
“Việc cách chức ông Nguyễn Xuân Anh là một quyết định kỷ luật rất sáng suốt, nghiêm khắc và kịp thời của Đảng. Qua đây, cho thấy sự rất nghiêm khắc trong công tác xử lý cán bộ sai phạm. Mong rằng, đây sẽ là bài học cho nhiều người, nhiều cán bộ, để họ rút kinh nghiệm, không lầm đường lạc lối, không tham ô, cậy quyền trong quá trình đương chức” - ông Hoàng Văn Nam, ở phường 11, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nêu ý kiến./.
Kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh là hợp với tính Đảng và lòng dân
Người dân Đà Nẵng nói gì sau kết luận kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh