Đà Nẵng bàn về mô hình "chính quyền không HĐND cấp xã, huyện"
VOV.VN - Tại hội thảo diễn ra ngày 3/1, đa số ý kiến đồng tình việc thí điểm xây dựng chính quyền đô thị ở Đà Nẵng.
Cần có cơ chế giám sát quyền lực, làm sao chính quyền không bị lạm quyền khi triển khai chính quyền đô thị, không còn Hội đồng Nhân dân cấp quận, huyện, xã phường. Đó là nội dung được các đại biểu nêu lên tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo “Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị” do Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng nay (3/1).
Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng; phân cấp, phân quyền trên một số lĩnh vực quản lý và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố.
Hội thảo góp ý dự thảo "Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị" tại Đà Nẵng. |
Trên cơ sở đó, thành phố Đà Nẵng xây dựng “Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị” đưa ra 2 phương án.
Phương án 1 là chính quyền địa phương ở thành phố gồm có Hội đồng nhân dân và UBND; chính quyền địa phương ở các quận, huyện, phường, xã là UBND (tổ chức 1 cấp chính quyền thành phố và 2 cấp hành chính quận, huyện và phường, xã). Khi triển khai thí điểm phương án 1 không còn Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, xã, phường. Phương án 2 là chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng, quận, huyện, và xã là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và UBND; chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận tại thành phố Đà Nẵng là UBND phường.
Tại hội thảo, đa số ý kiến đồng tình việc thí điểm xây dựng chính quyền đô thị ở Đà Nẵng và ủng hộ phương án 1. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần có cơ chế giám sát quyền lực, làm sao chính quyền không bị lạm quyền khi không còn HĐND giám sát.
Tham dự Hội thảo này, ông Trương Trọng Nghĩa, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay hoạt động Hội đồng nhân dân cấp xã phường, quận huyện không hiệu quả. Việc xây dựng chính quyền đô thị không có HĐND cấp quận, phường là cần thiết, tuy nhiên cần tăng cường các bộ phận thường xuyên tiếp dân, làm cầu nối của dân với chính quyền khi không còn HĐND.
Ông Trương Trọng Nghĩa cho biết: "Khi bỏ HĐND cấp quận huyện, xã phường thì chúng ta phải bảo đảm thiết lập các kênh để người dân các xã phường, tổ dân phố có thể tiếp cận đại biểu HĐND cấp thành phố mà họ đã bầu. Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp thành phố giờ đây phải có sự sâu sát, thiết kế làm sao có điểm tiếp dân bao phủ các xã phường".
Ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. |
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phường của Bộ Nội vụ cho rằng, xây dựng chính quyền đô thị phải khác xa với việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, xã, phường như trước đây thành phố Đà Nẵng và một số địa phường khác đã làm. Đề án mà thành phố Đà Nẵng xây dựng lần này gần giống với đề án không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, xã, phường trước đây. Ông Thành đề nghị thành phố nên cụ thể hóa về mô hình, cơ cấu tổ chức bên trong khi xây dựng chính quyền đô thị.
Ông Nguyễn Hữu Thành cho biết: "Đề án này khác rất nhiều với đề án thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, xã phường. Cho nên trong mô hình tổ chức, về cơ cấu tổ chức đơn vị, phòng ban chưa đề cập. Vì chúng ta đã bỏ không tổ chức HĐND quận, huyện xã phường thì đương nhiên là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sẽ thay đổi. Tôi cho rằng, càng cụ thể thì sau này khi triển khai thực hiện càng tốt".
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh. Tuy nhiên, mô hình quản lý hiện hành của thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra để có thể giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập ở đô thị.
Đà Nẵng tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo "Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị". |
Từ thực tế này, thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện mô hình chính quyền đô thị đảm bảo tinh gọn, hiệu 1ực, hiệu quả phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị và khu vực nông thôn đang đô thị hóa; Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp; Đổi mới cơ chế, phương thức quản lý của chính quyền các cấp; Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, phù hợp với quản lý đô thị thống nhất, tập trung, nhanh nhạy; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, giữ vững vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trạn Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, phát huy các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã từng thí điểm có kết quả về mô hình chính quyền địa phương không Hội đồng nhân dân.
"Hiện nay, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác cũng sẽ nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị. Nhưng Đà Nẵng có sự khác biệt vì đô thị Đà Nẵng khác về không gian đô thị, quy mô dân số. Xây dựng mô hình chính quyền đô thị khác xa với 10 năm trước tổ chức không Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường. Bây giờ, mô hình chính quyền đô thị toàn diện hơn, là phức hợp hoàn chỉnh."- Ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh./.
Hà Nội đề xuất thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị