Tiền Giang tích cực ứng phó với mưa to kéo dài
VOV.VN - Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra nhiều cơn mưa to và kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Công tác ứng phó, xử lý ngập úng sau các cơn mưa đang được người dân địa phương thực hiện khẩn trương.
Khoảng một tuần nay, tại tỉnh Tiền Giang thường xuyên xảy ra nhiều cơn mưa to. Có không ít cơn mưa đến hơn 100mm, gây ngập úng cục bộ, đe dọa nhiều diện tích hoa màu, vườn cây ăn trái và gây khó khăn cho công tác thu hoạch lúa Hè thu.
Theo bà con nông dân, mưa nhiều gây bất lợi đến sản xuất nông nghiệp, nhất là vườn cây ăn trái phát sinh sâu bệnh, giảm chất lượng đậu trái, chất lượng trái. Đối với nhà vườn trồng cây thanh long rất lo ngại vì bệnh thán thư, đốm trắng phát sinh trên diện rộng. Sau cơn mưa nhà vườn phải khẩn trương phun xịt thuốc trị bệnh cho cây.
Ông Đinh Văn Tảo, chủ vườn trồng cây thanh long tại ấp Long Hòa, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo nói: “Hôm qua mưa quá trời lớn, vườn ngập lụt hết, dưới đây nước mênh mông rồi. Cây phải bị ảnh hưởng rồi như bệnh đốm trắng, khán thư... Tháng mưa cây bệnh nhiều hơn tháng nắng,phải phun xịt ngừa nhưng cũng nhiễm bệnh, nắng dù tưới nhưng cây vẫn tốt hơn”.
Để chủ động hạn chế xảy ra ngập úng kéo dài, công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang chỉ đạo các tổ, trạm vận hành cống đập hợp lý, mở cửa cống cho nước từ kênh mương nội đồng chảy ra sông lớn khi triều thấp, và đóng ngăn không cho nước chảy vào khi triều cường dâng cao. Người dân cũng chủ động bơm tát nước mưa, gia cố bờ đê bao cục bộ để bảo vệ vườn cây, ao cá và khẩn trương thu hoạch diện tích rau màu.
Ông Võ Văn Thông, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Tiền Giang cho biết, mưa to kèm theo dông lốc còn tiếp tục diễn ra, mùa mưa năm nay đến cuối tháng 10 mới hết nên người dân cần chủ động ứng phó.
“Mưa này là do ảnh hưởng của dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam đang mạnh. Trong những ngày tới, khoảng 2-3 ngày nữa, ngày nay và mai có mưa to, khả năng chiều nay có nhiều chỗ cũng có mưa to. Mưa này cũng có dông lốc nên người dân cần cảnh giác, nhà yếu phải che chắn, nhiều khi có cây cối phải xử lý để dông lốc làm ngã cây, hay gãy nhánh”, ông Thông cho hay.
Tuy chưa có thống kê mức độ thiệt hại cụ thể do mưa to, kéo dài những ngày qua nhưng rõ ràng thời tiết đã gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, chi phí tăng cao, chất lượng nông sản giảm...
Theo ngành chuyên môn, từ nay đến cuối mùa mưa, tình hình mưa bão, áp thấp nhiệt đới còn diễn biến phức tạp, do đó người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động những biện pháp phòng ngừa rủi ro do thiên tai để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của mình.