Đề xuất sáp nhập sở ngành: Còn quá sớm để nói phương án nào là tối ưu
VOV.VN - "Khi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy, chúng tôi nghĩ rằng, vẫn có thể sắp xếp, tinh gọn được".
Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Trong 3 phương án về khung số lượng sở, ngành, cơ quan này đề xuất chọn phương án 1. Theo đó, cả nước sẽ giảm tối thiểu 46 sở. Đề xuất này đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận.
Dự thảo Nghị định về sáp nhập sở ngành được dư luận quan tâm (Ảnh: Báo Giaothong) |
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng, Dự thảo nghị định của Bộ Nội vụ nằm trong một chuỗi những công việc phải làm để thực hiện Nghị quyết TW6 về tinh giảm bộ máy của hệ thống chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. “Rõ ràng, những đề xuất đó là hoàn toàn có căn cứ”, ông Lê Minh Thông bình luận.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông (Ảnh: TTXVN) |
Nhận định về những đề xuất cụ thể, ông Lê Minh Thông nhấn mạnh: Việc sắp xếp cơ quan nào với cơ quan nào đòi hỏi phải tiếp tục thảo luận, nghiên cứu để đảm bảo tính hợp lý của nó, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Bây giờ còn quá sớm để nói phương án nào là tối ưu, phương án nào là hạn chế. Bộ Nội vụ nên lấy ý kiến của các chuyên gia, ý kiến nhân dân, tổ chức các cuộc tọa đàm … theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó hoàn thiện văn bản và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
“Khi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy giai đoạn 2011-2016, chúng tôi nghĩ rằng, vẫn có thể sắp xếp, tinh gọn được nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Việc sắp xếp, tinh gọn không chỉ nhằm giảm bớt việc trùng lắp chức năng quản lý mà mục đích ở đây là tăng cường sự phối hợp liên ngành (đa ngành) trong khâu quản lý nhà nước, thích ứng với nhu cầu cải cách hành chính hiện nay. Một chính phủ kiến tạo là một chính phủ không can thiệp quá sâu, quá cụ thể vào các vấn đề của đời sống kinh tế- xã hội mà quan trọng là tạo lập hành lang pháp lý, tạo lập cơ hội cho xã hội phát triển trong khuôn khổ pháp luật. Thứ hai, việc kiểm tra, giám sát cũng có tính liên ngành rất lớn. Nếu ngành này tích cực, ngành kia không tích cực sẽ kéo theo sự trì trệ. Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải sắp xếp lại bộ máy cho hợp lý. Càng tinh gọn thì hiệu quả lại càng cao, trách nhiệm càng rõ”, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội chia sẻ.
Bình luận về một số ý kiến của ở địa phương khi cho rằng: “Trung ương cứ làm trước, rồi mới đến địa phương”, ông Thông cho khẳng định, thực hiện Nghị quyết TW6 thì tất cả các cơ quan ban ngành ở Trung ương và địa phương đều phải chủ động chứ không phải ai trước, ai sau. Những nơi nào có điều kiện thì triển khai ngay. “Chúng ta khuyến khích, thúc đẩy các cơ quan, tổ chức, các ngành, các địa phương… chủ động, sáng tạo trong tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, không nên đợi chờ nhau”, ông Lê Minh Thông nói.
Nhấn mạnh việc “tinh gọn bộ máy là cơ sở để tinh giản biên chế”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội thừa nhận: “Chúng ta không thể tinh giản ngay một lúc. Sau khi tổ chức bộ máy tinh gọn thì đương nhiên, chúng ta sẽ sắp xếp lại biên chế một cách hợp lý”./.
Giảm tối thiểu 46 sở trên cả nước nếu hợp nhất, sáp nhập
“Nghị quyết Trung ương 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh“
“Có thể giảm khoảng 10 tỉnh và 3 Bộ nếu sáp nhập“