Giải pháp nào để tinh giản biên chế hiệu quả?
VOV.VN - Nếu không cơ cấu lại tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức thì không tinh giản được biên chế.
Không giảm cơ học
Thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu, đến năm 2020, giảm ít nhất 10%, hoàn thành trước một năm theo lộ trình chung. Đích đến là tinh giản biên chế song hành với nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Đến nay, các cơ quan, đơn vị cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối; tiếp tục hoàn thiện đề án vị trí việc làm làm căn cứ tinh giản biên chế...
Ảnh minh họa. |
Sau sắp xếp, kiện toàn, thành phố Hà Nội đã giảm 59 phòng, ban; 39 trưởng phòng, ban và 143 phó trưởng phòng, ban tương ứng; giảm 130 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, 27 Ban quản lý dự án, 2 quỹ và tương ứng giảm 30 vị trí cấp trưởng và 69 vị trí cấp phó. Dự kiến khi hoàn thành, tại cấp quận, huyện giảm thêm 128 đầu mối đơn vị.
Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội cho rằng: kinh nghiệm của Hà Nội không giảm cơ học mà giảm nơi thừa, người có năng lực yếu, sáp nhập những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ gần nhau; tăng thêm cho nơi thiếu dựa vào khung vị trí việc làm đã duyệt, đồng thời ủng hộ chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, trong quá trình tổ chức thực hiện các đơn vị này phát huy rất nhiều hiệu quả. Tự chủ tài chính, tự chủ kinh phí, biên chế và nhà nước không phải bao cấp nữa.
“Với kinh nghiệm này, năm 2017 Hà Nội chủ trương mở rộng các đơn vị, các lĩnh vực. Tinh thần sẽ tập trung kiên quyết chỉ bao cấp những đơn vị hành chính, quản lý nhà nước, còn lại những đơn vị có thể xã hội hóa được, có thể tạo tự chủ thì chúng tôi kiên quyết tập trung chỉ đạo làm sao đây chính là mấu chốt của tinh giản biên chế và số lượng công chức, viên chức tinh giản ở lĩnh vực này sẽ nhiều, nhanh và hiệu quả” – ông Vũ Đức Bảo nói.
Thực tiễn và cách làm tại Hà Nội cho thấy, tinh giản biên chế phải gắn với việc giản đầu mối. Phải cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chứ không đơn thuần là giảm số người làm việc trong các cơ quan. Kết hợp tinh giản biên chế các Bộ, ngành, địa phương phải xây dựng đề án tinh giản biên chế từ nay đến năm 2021 và hàng năm phải có kế hoạch cụ thể theo lộ trình để tinh giản.
Trên cơ sở đó, những đơn vị, địa phương tinh giản chưa đạt tỷ lệ quy định trong thời gian qua thì sắp tới phải nâng tỷ lệ tinh giản biên chế 1,5 -2% mỗi năm, để đến năm 2021, trong toàn hệ thống chính trị tinh giản biên chế phải đạt tối thiểu 10%. Tránh tình trạng 86,25% đối tượng tinh giản thuộc diện cán bộ chỉ còn 2 -3 năm công tác là nghỉ hưu, khiến chủ trương tinh giản bị nhầm đối tượng.
Trung ương chỉ đạo giảm biên chế sao bộ máy vẫn “phình” ra?
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, tinh giản biên chế là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của hơn 3.574.000 công chức, viên chức hiện nay. Để quá trình này đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, tạo động lực trong công việc. Quá trình đó không thể thiếu sự công tâm, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, của lãnh đạo cơ quan trong nhận xét đánh giá cán bộ.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, vì vấn đề chỉ tiêu nên có hiện tượng“vơ bèo vạt tép”, ai nghỉ hưu cũng tính là tinh giản biên chế. Vì vậy phải xác định lại nhiệm vụ, hiệu quả công việc, tăng cường khoán công việc thì thu nhập tăng lên, công chức, viên chức sẽ tự cân đối. Đồng thời tinh giản từ trên xuống để làm gương, mạnh dạn triển khai đề án vị trí việc làm.
Trên thực tế, biên chế trong khối đơn vị sự nghiệp công lập từ năm 2011 - 2016 tăng 165.000 người. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết 39, một số đơn vị sự nghiệp công lập tại địa phương được sắp xếp lại theo hướng thu gọn đầu mối. Nhân lực của hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập được kiện toàn về số lượng, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề và sự nghiệp y tế.
Đội ngũ công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn được giao và từng bước nâng cao; các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trong chi trả tiền lương, thu nhập, qua đó thu hút được đội ngũ lao động có trình độ cao. Bởi vậy, giải pháp lâu dài cần đẩy mạnh xã hội hóa, giảm số hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tạo thêm việc làm cho lao động xã hội là vấn đề nên khuyến khích.
Tinh giản biên chế phải gắn với việc giảm đầu mối
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong đó, đẩy mạnh phân cấp về quản lý và tài chính; đề xuất chuyển từ phí qua giá để các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; nghiên cứu từng bước xóa bao cấp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; đối xử bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp tư để khuyến khích cạnh tranh. Đồng thời có quy hoạch định hướng phát triển đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng quy hoạch về tiêu chuẩn, điều kiện để phát triển và theo hướng Nhà nước giảm dần chi cho đơn vị sự nghiệp công lập, tiến tới xã hội hóa và giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ông Phạm Minh Chính: “Càng tinh giản biên chế, bộ máy càng phình to“
Mới đây, làm việc với Bộ Nội vụ về Đề án này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu việc sắp xếp hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập cần tránh phân tán, dàn trải, chồng chéo nhằm giảm mạnh đầu mối, giảm được biên chế lao động, gắn quyền được tuyển dụng với sử dụng lao động.
“Quan điểm trong đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công phải theo nguyên tắc thị trường, có vai trò dẫn dắt của nhà nước; quán triệt chủ trương, Nghị quyết của Đảng. Khuyến khích xã hội hóa, rành mạch công tư. Tăng cường phân công, phân cấp. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Mục đích chung là nâng cao chất lượng dịch vụ công nhưng cũng nâng cao đời sống cho viên chức, lao động trong khu vực sự nghiệp công lập, cơ cấu lại thu chi ngân sách tạo nguồn cải cách tiền lương” – Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Như vậy, tinh giản biên chế phải gắn với việc giảm đầu mối. Nếu không cơ cấu lại tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức thì không tinh giản được biên chế. Chủ trương đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập rất quan trọng. Bên cạnh đó cũng khuyến khích xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài các giải pháp căn cơ như vậy thì cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tinh giản biên chế, sử dụng cán bộ, hay nói cách khác là việc “dùng người” cho hiệu quả phải được coi là giải pháp đặc biệt quan trọng.
Người đứng đầu cần được giao quyền nhiều hơn trong việc tuyển dụng, đồng thời cũng chịu trách nhiệm nhiều hơn nếu cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ. Có như vậy mới thực hiện có hiệu quả chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, đây là yếu tố quan trọng để nền kinh tế đất nước phát triển ổn định và bền vững./.