Giải pháp nào ngăn chặn bổ nhiệm người nhà?
VOV.VN -Các quy trình quy hoạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ... rất chặt chẽ nhưng trên thực tế số trường hợp bổ nhiệm người nhà bị phát hiện ngày càng nhiều.
Thời gian gần đây, ở một số địa phương, Bộ, ngành phát hiện tình trạng “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan” mà báo chí đã phản ánh. Thậm chí có cán bộ còn được bổ nhiệm “thần tốc” đến mức mỗi năm lên một chức…
Nhiều đoàn công tác của Bộ Chính trị đã làm việc với Ban thường vụ tỉnh, thành ủy; các đoàn thanh tra công vụ của Bộ Nội vụ đã đi kiểm tra tại các địa phương trong cả nước bị phát hiện có tình trạng này.
Chuyện “cả họ làm quan” ở huyện Kim Thành, Hải Dương xôn xao dư luận thời gian qua.
Đối với những sai phạm trong công tác cán bộ, đặc biệt là bổ nhiệm người nhà cần kiên quyết đấu tranh, nếu sai phạm nghiêm trọng thì phải được xét xử nghiêm minh để răn đe bởi việc này có thể dẫn đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
“Đảng viên là phải phụng sự Tổ quốc, đặt lợi ích Tổ quốc, dân tộc lên trên hết. Nếu chúng ta không đặt lợi ích của Tổ quốc, dân tộc lên trên hết mà đặt lợi ích riêng của mình thì sẽ không bao giờ thực hiện tốt được vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Vì lợi ích cá nhân trong đó đè nén lợi ích của tập thể và của dân tộc, gây nguy hại cho sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta” – ông Đặng Xuân Định nói.
Vấn đề này trong Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm ghi rõ: Không được can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định… Không được chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các văn bản trái quy định. Tạo điều kiện hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi…
Là người có nhiều năm làm công tác nghiên cứu khoa học và từng tham gia công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, PGS.TS Phan Minh Tân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TPHCM cho rằng, việc bổ nhiệm người nhà cũng là một dạng của tham nhũng quyền lực. Tham nhũng trong công tác cán bộ mang lại nhiều lợi ích vật chất nhưng ít để lại dấu vết, dễ che giấu và khó bị phát hiện… Vì vậy cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực người đứng đầu trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.
Theo ông Phan Minh Tân để hạn chế tình trạng này, Đảng, Nhà nước cần thực hiện tốt chính sách thu hút đội ngũ trí thức khoa học công nghệ; tổ chức nghiêm túc việc thi tuyển ở những vị trí quan trọng để chọn lựa được người tài đóng góp vào sự phát triển của đất nước và mỗi địa phương.
PGS.TS Phan Minh Tân kiến nghị: “Nếu chúng ta có những chính sách tốt hơn, có những cơ chế giải phóng rào cản đối với lực lượng trí thức thì đất nước ta sẽ phát triển nhanh hơn. Tôi cho rằng, một trong những công tác của Đảng là phải quan tâm, chăm lo nhiều hơn tới đội ngũ trí thức. Bởi vì hiện nay, trong việc phát triển đất nước thì nguồn động lực chính, quan trọng phải là khoa học công nghệ, phải là kinh tế tri thức”.
Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ vụ “cả họ làm quan” ở Hải Dương, Hải Phòng
Năm nay gần 60 tuổi Đảng, ông Phạm Bá Lữ, Trưởng ban Liên lạc các chiến sỹ bị địch bắt và tù đày toàn quốc khẳng định, công tác cán bộ là rất quan trọng trong mọi thành công của Đảng và Nhà nước ta. Nếu con em cán bộ hay người nhà cán bộ mà có đức, có tài thì đó là điều rất đáng trân trọng. Nhân dân rất hoan nghênh những cán bộ có tài, có đức, có tầm nhìn, được đào tạo một cách căn bản và tâm huyết phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng.
Ông Phạm Bá Lữ cũng dẫn chứng một số trường hợp đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là người nhà có sai phạm tại Bộ Công thương, Bộ Tài chính, tại các tỉnh như Hải Dương, Hà Giang, Bình Định, Bắc Ninh… và cho rằng, nếu việc chọn những cán bộ không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí quy hoạch thì công tác cán bộ đã bị sai ngay từ đầu, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.
Theo ông Lữ, người làm công tác cán bộ phải có cái tâm hết sức trong sáng, không thiên vị, không vị nể, không vì gia đình hay bạn bè thân cận mà đề bạt. Người làm công tác cán bộ phải coi việc mình chọn những cán bộ tốt cho Đảng, cho Nhà nước, cho nhân dân.
Các quy trình trong việc đánh giá cán bộ, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của Đảng, Nhà nước rất chặt chẽ. Tuy nhiên trên thực tế số trường hợp bổ nhiệm người nhà bị phát hiện ngày càng nhiều. Đáng nói là khi bị phát hiện, nhiều vụ việc vẫn bị bao biện là “đúng quy trình”, là “ngẫu nhiên”… Vì vậy, ngăn chặn bổ nhiệm người nhà là góp phần vào công tác xây dựng Đảng, kiện toàn đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, làm động lực cho sự phát triển của đất nước./.