Giải thể 3 Ban chỉ đạo: Nhiều Thứ trưởng đang chờ việc

 Bảy phó ban và ủy viên chuyên trách (tương đương cấp thứ trưởng, tổng cục trưởng) của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ trước đây chưa bố trí được công việc.

Các ban chỉ đạo (BCĐ) “ba Tây” (Tây Bắc, Tây Nam và Tây Nguyên) đã kết thúc hoạt động từ cuối năm 2017 và theo yêu cầu của Bộ Chính trị trong quý I-2018 phải hoàn tất bàn giao tài sản, bố trí công việc mới cho các cán bộ ở đây. Tuy nhiên, qua thời hạn này, nhiều người, kể cả cỡ thứ trưởng, tổng cục trưởng, vụ trưởng vẫn chưa được bố trí công việc.

Trụ sở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Sơn Minh Thắng (Phó Trưởng ban thường trực BCĐ Tây Nam bộ) cho biết cơ quan này còn bảy phó ban và ủy viên chuyên trách, tương đương cấp thứ trưởng, tổng cục trưởng, chưa bố trí được công việc. Ngoài ra, có khoảng 15 nhân viên hợp đồng cũng đang tìm công việc mới.

“Cơ sở vật chất, hồ sơ, tài liệu và tài chính thì đã kiểm kê hết rồi. Chờ Văn phòng Chính phủ cử người vào là bàn giao ngay. Khó nhất hiện nay là giải quyết bố trí cho cán bộ. Chúng tôi tích cực cùng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ phối hợp với các địa phương để sắp xếp” - ông Sơn Minh Thắng cho biết.

Cũng theo ông Thắng, hiện nay mọi hoạt động của BCĐ Tây Nam bộ đã ngưng toàn bộ. Công việc duy nhất là phối hợp với các đầu mối để bố trí công việc cho anh em. Cá nhân ông Thắng đã được Bộ Chính trị điều động làm bí thư Đảng ủy khối các cơ quan trung ương.

Tương tự, BCĐ Tây Bắc đã họp lần cuối cùng hôm 30-3 để chia tay 18 cán bộ về nhận vị trí công tác mới tại tỉnh Yên Bái, nơi ban đóng trụ sở 14 năm qua. Đây là số cán bộ có gia đình tại chỗ nên có nguyện vọng cá nhân ở lại tỉnh nhà. Ngoài số này, một số trường hợp khác thời gian qua đã tự liên hệ được công tác. Giờ còn 31 trường hợp, gồm cả cấp thứ trưởng, vụ trưởng đang đợi trung ương sắp xếp công việc. Trước đó, Phó trưởng ban Hầu A Lềnh đã được chỉ định giữ chức phó bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019.

“Hồ sơ, tài liệu thì bàn giao Văn phòng Trung ương rồi. Tài sản thì nguyên đó, sẽ chuyển cho Văn phòng Chính phủ. Kinh phí hiện tại vẫn do Văn phòng Chính phủ cấp. Tâm tư nhất là các công chức, lao động hợp đồng. Tôi ở lại sau cùng, lo hết cho anh em rồi đi cũng không sao” - bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Trưởng ban, chia sẻ.

Nhẹ nhàng nhất là BCĐ Tây Nguyên, trụ sở tại Đắk Lắk. Ngoài Phó ban thường trực Điểu Kre đã được điều động ra Hà Nội làm phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, ở đây không còn phó ban nào nữa.

“Tôi là công an biệt phái thì trở về Bộ Công an, còn một anh ủy viên, hệ số chức vụ 1,25 thì đang đợi Ban Tổ chức Trung ương sắp xếp. Gần 10 người khác thì đã tự liên hệ công việc. Còn khoảng 20 trường hợp còn lại hầu hết đều xin về Đắk Lắk. Tỉnh đồng ý rồi nhưng còn đợi Bộ Nội vụ cho thêm biên chế thì mới nhận được” - ông Trần Đình Thu, Ủy viên chuyên trách BCĐ Tây Nguyên, cho hay.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên