Hà Nội sáp nhập nhiều phòng ban, giảm hàng trăm biên chế
Chủ Nhật, 08:26, 20/08/2017
VOV.VN - Hà Nội đã giảm được 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, 27 ban quản lý dự án, tinh giảm biên chế 448 trường hợp.
Thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thời gian qua Hà Nội đã thực hiện hiệu quả việc sáp nhập, hợp nhất các phòng ban tại một số sở, ngành, quận, huyện.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình giao thông Hà Nội là một trong những đơn vị được thành lập mới theo chủ trương sáp nhập, tinh giảm biên chế của thành phố Hà Nội từ 12/2016. Đây là Ban mới trên cơ sở hợp nhất 7 đơn vị trước đó.
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng Công trình giao thông Hà Nội cho biết, việc sắp xếp tổ chức, đi vào vận hành bước đầu tuy có gặp khó khăn, nhưng đến nay đang đi vào nền nếp.
Thực hiện hợp nhất đã giảm được đầu mối, đơn vị hành chính cũng như số lượng phòng ban rất lớn. Rõ nét là tinh gọn được bộ máy tổ chức từ 48 phòng ban trước đây nay chỉ còn 8 phòng; Ban Giám đốc giảm từ 29 người xuống còn 7 người, đội ngũ Trưởng phòng, Phó phòng giảm từ 109 người xuống còn 32 người.
“Khi các Ban được hợp nhất lại, chúng tôi tập trung được nguồn lực từ các Ban cũ. Vì vậy, khi triển khai dự án cần đẩy nhanh tiến độ, nội dung trong quá trình đầu tư xây dựng, công việc dễ dàng hơn. Việc hợp nhất cũng dễ dàng hơn trong chuyên môn hóa các phòng nghiệp vụ theo các giai đoạn đầu tư” - ông Phạm Hoàng Tuấn cho biết.
Thời gian qua Hà Nội đã thực hiện hiệu quả việc sáp nhập, hợp nhất các phòng ban tại một số sở, ngành, quận, huyện.
Đối với cấp sở, chủ trương tinh giản, sắp xếp lại của Hà Nội là tập trung những tổ chức dịch vụ không thiết yếu, có tính chất công việc gần giống nhau. Đơn cử như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội giảm, hợp nhất 11 trung tâm, đơn vị như Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, Trung tâm phát triển chăn nuôi… Tại quận, huyện tiến hành hợp nhất ở khối văn hóa như Trung tâm văn hóa và Trung tâm thể dục thể thao.
Ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, việc sáp nhập các cơ quan nhằm thực hiện chủ trương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả” và một việc - một đầu mối xuyên suốt. Trong đó, tập trung vào các đơn vị sự nghiệp công.
Đánh giá của Ban Tổ chức thành ủy Hà Nội cho biết, đến nay công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 39 Bộ Chính trị cơ bản đã hoàn tất. Qua đó thành phố đã giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 ban quản lý dự án. Các đơn vị sau sáp nhập đều hoạt động hiệu quả, chất lượng, khối lượng công việc được cải thiện; phát huy được trình độ, ý thức trách nhiệm của đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Tại các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành phương án tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc. Sáu tháng đầu năm nay, Hà Nội cũng đã tinh giản biên chế 330 trường hợp (tổng số giảm biên chế từ năm 2015 đến nay là 448 trường hợp).
Ông Phan Chu Đức, Phó ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết: “Hà Nội thực hiện Nghị quyết 39 hết sức tập trung và đặc biệt công tác xây dựng, kể cả về mặt tổ chức, bộ máy rất đồng bộ. Đến nay thành phố đã tinh giảm biên chế trên 400 người, nhưng cơ quan thường trực cũng chưa nhận được thấy bất kỳ lá đơn nào phản ánh về việc bị ép nghỉ…”.
Những kết quả bước đầu về tinh giản biên chế, sắp xếp lại các phòng ban cho thấy sự quyết liệt của Hà Nội trong việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Những tháng cuối năm 2017, Hà Nội tiếp tục sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy, trọng tâm là các cơ quan báo chí. Cùng với đó là đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị y tế giáo dục, thương binh xã hội./.
VOV.VN - "Nói tinh giản biên chế ai cũng đồng tình nhưng khi nói tới cơ quan mình, địa phương, lĩnh vực mình thì ai cũng không đồng ý, thậm chí đòi tăng"
VOV.VN-GS Phạm Gia Khải: Nếu cán bộ nhân viên làm theo hợp đồng, người lãnh đạo ngành cũng phải làm theo hợp đồng. Chỉ những người ngang nhau mới có bình đẳng.
VOV.VN-GS Phạm Gia Khải: Nếu cán bộ nhân viên làm theo hợp đồng, người lãnh đạo ngành cũng phải làm theo hợp đồng. Chỉ những người ngang nhau mới có bình đẳng.