Tăng lương tối thiểu vùng 2024

75% người lao động có lương và thu nhập không đáp ứng được sinh hoạt

VOV.VN - Qua khảo sát, hơn 75% người lao động họ nói rằng, tiền lương và thu nhập không đáp ứng được nhu cầu chi phí sinh hoạt cơ bản hàng tháng của họ và nhiều người phải vay tiền để trang trải các chi phí.

 

Mới đây, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp phiên đầu tiên điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Dự kiến, mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 sẽ được thương lượng cụ thể vào phiên họp tiếp theo vào tháng 11/2023.

Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về nội dung này.

PV: Được biết, gần đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn đi khảo sát, đánh giá tình hình việc làm, thu nhập, đời sống cũng như tâm tư nguyện vọng của người lao động. Vậy bà có thể phác họa về bức tranh cuộc sống của người lao động ở các tỉnh, thành phố hiện nay qua kết quả của các cuộc nghiên cứu, khảo sát này?

Bà Phạm Thị Thu Lan: Hằng năm, đến các đợt để thương lượng tiền lương tối thiểu, Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đều có tiến hành khảo sát về đời sống, việc làm rồi tâm tư nguyện vọng của người lao động để có những thông tin hỗ trợ cho thương lượng tiền lương tối thiểu. Năm nay, chúng tôi khảo sát vào tháng 4, với khoảng gần 3.000 người lao động và cũng đủ các ngành khác nhau và trong các loại hình doanh nghiệp khác nhau.

Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, đời sống của người lao động rất là khó khăn. Sau các năm COVID-19 và đến thời điểm hiện nay thì rất khó khăn. Mức lương cơ bản trung bình của người lao động hiện nay theo khảo sát là khoảng hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức lương mà đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, chưa kể làm thêm và chưa tính các khoản phụ cấp. Mức lương cơ bản này nó cũng đã cao hơn lương tối thiểu rồi. Cao hơn từ 37 đến 51, 52% so với cả lương tối thiểu. Tùy theo doanh nghiệp, tùy theo vùng lương.

Còn về thu nhập trung bình của người lao động, tức là bao gồm cả tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp thì khoảng hơn 7,8 triệu đồng/ tháng. Mức thu nhập này thực tế khảo sát là cao hơn mức thu nhập của người lao động năm ngoái rồi, cao hơn khoảng 8,4%. Thế nhưng mà chi tiêu của người lao động cho cuộc sống thì cũng lại tăng. Theo khảo sát là tăng hơn so với năm ngoái là 19%, bởi vì do lạm phát, rồi do các yếu tố khác.

Qua khảo sát, hơn 75% người lao động họ nói rằng, tiền lương và thu nhập là không đáp ứng được nhu cầu chi phí sinh hoạt cơ bản hàng tháng của họ và nhiều người phải vay tiền để trang trải các chi phí. Con số chúng tôi khảo sát là khoảng 17% họ nói là phải vay tiền và hơn 11% nói là ngoài các công việc họ phải làm hằng ngày ra, trong nhà máy ra thì họ phải làm thêm các công việc khác nữa để có thêm thu nhập. Ví dụ như là bán hàng online hay là chạy xe ôm công nghệ ngoài giờ làm việc. Và nhiều người vẫn phải dùng đến giải pháp là rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải chi tiêu. Cụ thể, hơn 12% họ nói là họ phải rút bảo hiểm xã hội một lần. Ngoài ra, rất nhiều người - hơn một nửa số người lao động mà trả lời chúng tôi thì nói rằng: Tiền lương không đủ sống, cho nên cũng ảnh hưởng tới quyết định lập gia đình và sinh con của họ.

Khi khảo sát, chúng tôi cũng khảo sát xem vấn đề ăn uống của người lao động như thế nào và thịt cá là món ăn mà thông thường người Việt Nam hay sử dụng trong các bữa hằng ngày. Nó rất thông dụng và phổ biến thì chúng tôi cũng hỏi người lao động là họ có sử dụng thịt cá trong các bữa ăn hằng ngày không, nhưng chỉ có hơn 26% họ nói rằng họ có điều kiện để mà có thể ăn thịt cá trong các bữa ăn hằng ngày. Còn lại thì rất là nhiều người họ không ăn thịt khá thường xuyên trong tất cả các bữa ăn hằng ngày, có khi chỉ một vài lần trong 1 tuần thôi. Buổi sáng thì nhiều khi họ ăn gói xôi, chiều về có khi chỉ là gói mì tôm thôi. Thế còn cũng có bữa thì tôm tép rồi trứng đậu thứ thay thế. Ở đây chúng tôi cũng hỏi về sức khỏe người lao động thì nhiều người họ cũng nói rằng, họ không có chi phí cho khám chữa bệnh hoặc là nếu có thì cũng không đủ để mà khám chữa bệnh và thuốc men. Nhiều người thì họ nói rằng là họ bị bệnh họ để cho tự khỏi hoặc không đi khám.

PV: Vậy theo bà, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 có ý nghĩa như thế nào đối với người lao động?

Bà Phạm Thị Thu Lan: Nó có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động. Bởi nó giúp cho người lao động vượt qua khó khăn, vượt qua cái chi tiêu hằng ngày. Chúng tôi biết rằng trong giai đoạn hiện nay thì cả doanh nghiệp khó khăn và người lao động cũng khó khăn, nhưng mà cảm nghĩ của chúng tôi khi chúng tôi đi khảo sát doanh nghiệp cũng như là người lao động thì chúng tôi thấy rằng: Doanh nghiệp khó khăn 1 thì người lao động khó khăn 2.

Bởi vì đối với doanh nghiệp họ còn có vốn, có tài sản, nhưng mà đối với người lao động thì gần như họ không có gì ngoài đồng lương. Cho nên, vấn đề về tăng lương nó có ý nghĩa rất nhiều đối với người lao động, bởi vì nếu không đảm bảo được cuộc sống thì không thể nghĩ đến cái gì khác cả. Ngay cả đi làm cũng cảm thấy không yên tâm làm việc. Chúng tôi nghĩ tăng lương còn đóng góp cho việc tăng năng suất lao động từ phía người lao động khi mà doanh nghiệp phục hồi sản xuất hay là ngay cả bây giờ, để mà hiệu quả hơn đối với doanh nghiệp thì việc tăng lương nó cũng đóng góp cho điều đó nữa. Bởi vì tiền lương rõ ràng là động lực rất lớn đối với người lao động. Rồi chúng tôi cũng nghĩ rằng, tăng lương hiện nay thì sẽ giúp cho vấn đề giảm việc người lao động phải vay nợ, rồi là tín dụng đen. Hiện nay là đây là một vấn đề rất là đau đầu. Nhiều người lao động họ phải vay nợ, họ luôn luôn trọng tình trạng lo lắng, bất an. Thế rồi, nhất là những người vướng vào tín dụng đen thì họ còn bị đe dọa nữa. Cho nên cũng rất là căng thẳng.

Rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề mà chúng ta đang quan tâm rất nhiều. Thì việc tăng lương cũng sẽ giúp cho giải quyết vấn đề đó. Bên cạnh đó thì tôi còn nghĩ, vấn đề tăng lương nó còn có ý nghĩa chính trị xã hội rất lớn. Lớn hơn nữa ở chỗ là hiện nay chúng ta cũng biết là vấn đề về bất bình đẳng xã hội hiện nay, nó sẽ làm gia tăng chuyện đó. Bởi vì hiện nay chúng ta đang thấy bất bình đẳng xã hội nó có nguy cơ gia tăng, mặc dù chưa đến mức báo động và hiện nay thì khoảng cách về giàu nghèo giữa người thu nhập thấp nhất với thu nhập cao nhất Việt Nam nó chưa phải là vấn đề lớn so với xã hội, chỉ khoảng từ 8 đến 20 lần thôi. Thế nhưng mà rõ ràng có chuyện bất bình đẳng xã hội gia tăng.

Thực tế trong những thời gian qua, tăng trưởng GDP cũng chưa có sự chia sẻ cho người lao động. Mức tăng lương từ năm 2017 đến 2018 là tương đương với mức tăng GDP, nhưng mà kể từ năm 2019 là tăng lương thấp hơn và việc  chưa có sự chia sẻ của tăng trưởng GDP đó thì cũng đóng góp cho bất bình đẳng xã hội. Và khi bất bình đẳng xã hội nảy sinh thì sẽ dẫn đến là phân tầng xã hội, rồi mâu thuẫn xã hội hội, rồi dẫn đến cả mất ổn định về chính trị xã hội. Nếu như điều này xảy ra, mà do biện pháp của chính sách, hệ quả của chính sách thì đáng tiếc.

Chúng tôi cũng nghĩ rằng, vấn đề tăng lương tối thiểu này cũng sẽ đóng góp cho doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp có tư duy rằng, bây giờ không nên dựa vào sức lao động nữa, mà nên là chuyển đổi số, xu hướng là như vậy, chuyển đổi số, rồi chuyển đổi công nghệ, xanh hóa sản xuất, thế rồi phát triển ra các ngành mới như: Những ngành tiềm năng rất lớn như năng lượng tái tạo hay là tái chế rác thải hay là kinh tế tuần hoàn là những ngành rất có tiềm năng. Thậm chí tăng lương chúng tôi cũng nghĩ là nó tạo điều kiện cho người lao động họ yên tâm, họ còn dành thời gian học tập để nâng cao trình độ.

PV: Vâng, trước nguyện vọng chính đáng của người lao động là mong muốn được điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng tiên lương quốc gia mới đây thì Tổng liên đoàn lao động Việt Nam - cơ quan bảo vệ quyền lợi của người lao động đã đưa ra quan điểm như thế nào và đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2024 là bao nhiêu, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thu Lan: Quan điểm của công đoàn là tăng lương cho người lao động và chúng tôi cũng rất mừng là ở phiên một - phiên họp đầu tiên mặc dù là chưa thống nhất được mức tăng là bao nhiêu. Thế nhưng cũng đã thống nhất là phải tăng lương cho người lao động và mức tăng nó phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động bù lạm phát và đảm bảo mức sống của người lao động. Tuy nhiên, mức cụ thể thì Hội đồng tiền lương quốc gia cũng thống nhất là cần phải tính toán mức sống tối thiểu để xem mức cụ thể là như thế nào để có phương án tăng lương cho đáp ứng và sẽ thương lượng lại vào tháng 11 năm 2013. Còn công đoàn rất mong muốn là nguyện vọng của người lao động được đáp ứng.

Khi chúng tôi phỏng vấn với người lao động thì nguyện vọng của họ là tùy theo người lao động, nhưng nguyện vọng của họ là muốn tăng từ 6% cho đến 11%. Thế thì trong thương lượng chúng tôi là công đoàn đã bày tỏ những khó khăn của người lao động để thấy rằng, mức tăng lương cần thiết là như thế nào. Doanh nghiệp thì cũng sẽ luôn nêu những khó khăn của doanh nghiệp. Từ phía công đoàn, chúng tôi thấy rằng, người lao động họ luôn luôn chia sẻ với cả doanh nghiệp trong những lúc khó khăn. Thế nhưng người lao động họ cần lương để sống. Sống thì mới làm việc được. Cho nên mong muốn của công đoàn chúng tôi là tăng lương và nếu trong lúc khó khăn như thế này mà giữ được mức tăng lương như của năm ngoái thì là phù hợp.

PV: Vậy theo bà, nếu lương tối thiểu vùng năm 2024 được điều chỉnh tăng ở mức 5 đến 6% theo đề xuất của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, thì mức này sẽ đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động?

Bà Phạm Thị Thu Lan: Nói về nhu cầu sống tối thiểu hay là mức sống tối thiểu thì chúng ta phải cân nhắc trong thời điểm cụ thể. Theo như tôi thấy thì hiện nay cách tính mức sống tối thiểu của Việt Nam đang dựa trên chuẩn nghèo của một nước thu nhập thấp. Tức là chúng ta áp dụng tính mức sống tối thiểu cách đây 10 năm rồi. Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đã thành lập được 10 năm rồi. Bây giờ Việt Nam chúng ta đã là nước thu nhập trung bình rồi. Cho nên mức sống tối thiểu cũng cần có sự thay đổi cho nó phù hợp, làm sao để đảm bảo được cuộc sống thực sự là sống chứ không phải là tồn tại.

Thứ hai cũng phải đảm bảo các chi phí sinh hoạt cơ bản nhất cho người lao động. Trước đây, mức sống tối thiểu chúng ta chỉ quan tâm tới nghèo về ăn - mặc - ở. Thế nhưng bây giờ, ở cũng phải có chất lượng, đảm bảo hơn. Ngoài ra còn phải có các yếu tố về cơ hội nữa. Ví dụ, về giáo dục, y tế. Bây giờ không có tiền thì chất lượng giáo dục cũng không thể được, đảm bảo y tế cũng thế thôi. Cho nên bây giờ mức sống tối thiểu nói về giải quyết bài toán phải là nghèo đa chiều. Nếu như mức sống tối thiểu hiện nay chúng ta áp dụng là dựa trên chuẩn nghèo cũ thì nếu tăng như chị nói thì nó có thể đáp ứng 100%, nếu tăng được như vậy. Thế nhưng, nếu với mức sống tối thiểu mà đa chiều vẫn rất là khó. Có lẽ chăng chỉ mới được một nửa thôi. Vẫn còn là khoảng cách, vẫn còn sự nỗ lực của rất nhiều bên.

PV: Vâng, rõ ràng trong bối cảnh chúng ta thấy được cuộc sống của người lao động là vô cùng khó khăn và đề xuất của công đoàn là cần thiết. Tuy nhiên, trong phiên họp đầu tiên của hội đồng tiên lương quốc gia, thì bà có thể cho biết quan điểm của Bộ LĐTBXH với vai trò là Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia thì như thế nào và phía đại diện Chủ sử dụng lao động thì phương án mà họ đưa ra tại phiên họp điều chỉnh tiền lương này ra sao, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thu Lan: Về phía người sử dụng lao động thì đề xuất ban đầu họ đưa ra là: Chưa tăng lương. Việc này thì chúng tôi hiểu thôi, bởi vì chúng tôi cũng thấy rằng, kể từ khi tham gia vào bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương từ 2017- 2018 đến nay, thì gần như cuộc họp Hội đồng tiền lương nào chúng tôi cũng thấy phía người sử dụng lao động họ đề xuất là: Không tăng lương. Có vẻ như với quan điểm khá là xuyên suốt và nhất quán. Thế nhưng sau đó, khi mà họ có nghe các ý kiến chia sẻ về đời sống của người lao động, phân tích tình hình cũng như là cần kích thích để tác động cho tăng năng suất lao động, phục hồi nền kinh tế, và lắng nghe ý kiến của công đoàn chia sẻ, thì chúng tôi thấy người sử dụng lao động họ cũng đã có những cái thống nhất là cần phải tăng lương cho người lao động. Tuy nhiên, mức tăng là bao nhiêu, rồi thời điểm tăng như thế nào thì cũng đàm phán trong phiên sau.

Còn về phía Nhà nước - Bộ LĐTBXH, Nhà nước luôn luôn có quan điểm là làm sao để hài hòa ổn định được quan hệ lao động, ổn định được nền kinh tế và mong muốn là nguyện vọng của cả hai bên đều được đáp ứng. Về phía Bộ LĐTBXH cân nhắc cả các yếu tố từ người lao động, cân nhắc các yếu tố của doanh nghiệp và cũng đã thống nhất ý kiến là: Sẽ tăng lương cho người lao động, còn mức tăng cũng như là thời điểm tăng thì sẽ tiếp tục thương lượng.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sẽ thương lượng cụ thể mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024
Sẽ thương lượng cụ thể mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024

VOV.VN - Trong bối cảnh cả doanh nghiệp và người lao động đều gặp rất nhiều khó khăn thì việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là một bài toán khó. Vì vậy, các bên cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng để đảm bảo hài hòa. Dự kiến, mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 sẽ được Hội đồng tiền lương quốc gia thương lượng cụ thể vào phiên họp tháng 11 tới.

Sẽ thương lượng cụ thể mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024

Sẽ thương lượng cụ thể mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024

VOV.VN - Trong bối cảnh cả doanh nghiệp và người lao động đều gặp rất nhiều khó khăn thì việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là một bài toán khó. Vì vậy, các bên cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng để đảm bảo hài hòa. Dự kiến, mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 sẽ được Hội đồng tiền lương quốc gia thương lượng cụ thể vào phiên họp tháng 11 tới.

Lương tăng, phụ cấp tăng, lý do gì nhiều giáo viên vẫn "dứt áo" ra đi?
Lương tăng, phụ cấp tăng, lý do gì nhiều giáo viên vẫn "dứt áo" ra đi?

VOV.VN - Sau nhiều năm "đấu tranh", lương, phụ cấp của giáo viên đã tăng nhưng nhiều thầy cô vẫn quyết định dứt áo ra đi vì nhiều lý do.

Lương tăng, phụ cấp tăng, lý do gì nhiều giáo viên vẫn "dứt áo" ra đi?

Lương tăng, phụ cấp tăng, lý do gì nhiều giáo viên vẫn "dứt áo" ra đi?

VOV.VN - Sau nhiều năm "đấu tranh", lương, phụ cấp của giáo viên đã tăng nhưng nhiều thầy cô vẫn quyết định dứt áo ra đi vì nhiều lý do.

Lương tối thiểu vùng 2024: Điều chỉnh thế nào để hài hòa lợi ích các bên?
Lương tối thiểu vùng 2024: Điều chỉnh thế nào để hài hòa lợi ích các bên?

VOV.VN - Khi khảo sát, người lao động mong muốn mức lương tối thiểu vùng năm 2024 tăng 11%. Trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị mức tăng từ 5-6%, trong khi đó, giới chủ - VCCI đề nghị chưa tăng lương ở thời điểm này.

Lương tối thiểu vùng 2024: Điều chỉnh thế nào để hài hòa lợi ích các bên?

Lương tối thiểu vùng 2024: Điều chỉnh thế nào để hài hòa lợi ích các bên?

VOV.VN - Khi khảo sát, người lao động mong muốn mức lương tối thiểu vùng năm 2024 tăng 11%. Trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị mức tăng từ 5-6%, trong khi đó, giới chủ - VCCI đề nghị chưa tăng lương ở thời điểm này.