Những dấu hiệu bất thường trong công tác cán bộ ở Quảng Ngãi
VOV.VN - Dư luận trong tỉnh Quảng Ngãi rất quan tâm theo dõi việc xử lý kỷ luật đối với Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ và Chủ tịch tỉnh Trần Ngọc Căng.
Trong 2 ngày hôm qua và hôm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã họp, tiến hành kiểm điểm, xem xét và đề nghị xử lý về những sai phạm liên quan đến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Dư luận trong tỉnh Quảng Ngãi rất quan tâm theo dõi việc xử lý kỷ luật đối với Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng.
Trước đó, trong hai ngày 27 và 28/4, tại kỳ họp 44, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, giải quyết tố cáo đối với ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Ngọc Căng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, ông Lê Viết Chữ và Trần Ngọc Căng đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Thực tế cho thấy, trong thời gian dài, tại tỉnh Quảng Ngãi, nhiều cán bộ, đảng viên bất bình về công tác cán bộ ở địa phương này.
Ông Phan Văn Hiếu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi |
Ông Phan Văn Hiếu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2017, ông được luân chuyển về làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Hành. Khi thực hiện nhiệm vụ mới, ông phát hiện nơi đây xảy ra rất nhiều vấn đề "nóng" cần được xử lý. Từ công tác cán bộ đến đầu tư xây dựng cơ bản đều có dấu hiệu sai phạm. Nổi cộm là một số sai phạm liên quan đến ông Phan Bình, Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện.
Ông Bình ưu ái giao nhiều công trình, dự án cho doanh nghiệp do em ruột mình đứng tên, chất lượng xây dựng công trình không đảm bảo, gây bất bình trong dư luận nhân dân. Những vụ việc này được ông Hiếu đưa ra tại các cuộc họp ở địa phương nhưng đều bị bỏ qua. Sau đó, ông Hiếu làm báo cáo những việc sai phạm xảy ra ở huyện Nghĩa Hành gửi đến Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và nhiều lần đăng ký làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nhưng Bí thư Tỉnh ủy cũng không chỉ đạo xử lý rốt ráo.
Ngày 10/1/2019, Huyện ủy Nghĩa Hành tổ chức lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy. Tại Hội nghị này, Phó Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành Phan Văn Hiếu nhận 23/33 phiếu tín nhiệm thấp. Căn cứ kết quả phiếu tín nhiệm này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định điều động ông Phan Văn Hiếu về Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh, bầu làm Phó Chủ tịch Liên hiệp hội. Ông Phan Văn Hiếu nhiều lần đề đạt nguyện vọng ở lại huyện Nghĩa Hành cho đến khi kết thúc việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm của Ban Thường vụ Huyện ủy nhưng không được chấp nhận.
Từ sự việc của mình, ông Phan Văn Hiếu cho rằng, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy và các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có những sai phạm trong công tác cán bộ.
"Sai sót của đồng chí Bí thư theo Nghị quyết Trung ương 4 là đồng chí không sâu sát cơ sở. Khi tôi đã báo cáo rồi nhưng cũng không quan tâm, không chỉ đạo xử lý những vấn đề ở cơ sở. Thứ hai, có dấu hiệu bao che. Vi phạm quy định 105 của Trung ương, nếu có điều chuyển tôi thì điều chuyển về công chức Đảng hoặc chính quyền chứ không thể đưa tôi ra hội đoàn thể. Khi đang kiểm tra dấu hiệu vi phạm thì không được điều chuyển. Làm công tác cán bộ thì ít nhất, đồng chí Bí thư, Ban Tổ chức cũng phải nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ. Tôi không có sở trường, năng khiếu về Liên hiệp hội, tâm tư, tình cảm của tôi để tôi về trường Chính trị", ông Hiếu chia sẻ.
Dư luận cho rằng, trong khi cán bộ đấu tranh chống tiêu cực có dấu hiệu bị trù dập thì một số cán bộ khác được ưu ái trong đề bạt, bổ nhiệm. Trường hợp ông Võ Đình Trà, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn không đảm bảo tiêu chuẩn trình độ chuyên môn và đang bị kiểm tra dấu hiệu vi phạm nhưng được điều động về tỉnh làm Giám đốc Sở Công thương hiện nay, gây nhiều bất bình.
Ông Nguyễn Viết Vy, Thư ký ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy được điều động làm Bí thư Huyện ủy Lý Sơn; ông Nguyễn Văn Huy, Thư ký của ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh cũng gây ra nhiều hoài nghi trong nội bộ.
Ông Phạm Đình Khối, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vừa rồi đã quá rõ, phải xem xét và xử lý đúng mức những sai phạm của các tập thể, cá nhân liên quan.
"Công tác cán bộ là bài toán rất khó mà không ai khác là cấp ủy, từng cấp và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Trường hợp ở Lý Sơn thì lâu rồi. Dư luận cho rằng, trường hợp này làm nhanh quá. Tôi nghĩ làm nhanh, không đúng quy trình, không khách quan, những anh đó đang phát huy tác dụng nhưng khi kiểm tra lại quy trình không khéo lại trở thành nạn nhân. Tổ chức cần phải soát xét lại toàn bộ công tác cán bộ. Khâu nào đúng, khâu nào cần phải rút kinh nghiệm. Điều quan trọng, bản thân tổ chức phải tự sửa mình, điều chỉnh cho đúng chính sách và quy trình cán bộ", ông Khối nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi |
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận những sai phạm của lãnh đạo tỉnh, bản thân ông cũng như những người theo dõi tình hình Quảng Ngãi không bất ngờ. Lâu nay, dư luận râm ran quá nhiều về những bất thường trong công tác cán bộ.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng, bất kỳ cán bộ ở cương vị nào, chức vụ gì, ở đâu, đã sai thì phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, phải xử lý cho đúng với những sai phạm đó. Cán bộ và nhân dân địa phương đã nhiều lần lên tiếng về việc bổ nhiệm, điều động cán bộ có dấu hiệu nâng đỡ, thân quen. Ông Sơn đề nghị, nếu bổ nhiệm cán bộ sai mà cán bộ đó có năng lực tốt thì phải làm lại cho đảm bảo quy trình. Nếu cán bộ không có năng lực, vì thân cận, đồng hương, chạy chọt thì nên xem xét bãi miễn chức vụ đó, đưa về vị trí cũ hoặc là điều chuyển nơi khác.
Xem xét kỷ luật Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi
Ông Vũ Tùng Vy, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi thành lập năm 1930 nhưng chưa bao giờ mà 2 vị lãnh đạo cao nhất tỉnh lại có những vi phạm đến mức phải kỷ luật. Cán bộ, đảng viên trong tỉnh rất buồn.
Hiện nay, cán bộ, đảng viên trong tỉnh Quảng Ngãi mong muốn Trung ương xử lý nghiêm khắc những sai phạm đối với Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này. Dư luận cho rằng, những cán bộ liên quan đến sai phạm cũng cần được làm rõ để phục vụ cho công tác chuẩn bị nhân sự hướng tới Đại hội bộ Đảng của tỉnh sắp khai mạc./.