50 năm Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

VOV.VN - 50 năm đã trôi qua, Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mãi là biểu tượng của khát vọng hòa bình.

Sau hiệp định Paris, vùng đất Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị là nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Lúc này, cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của quân và dân ta đang vô cùng khốc liệt. Giữa làn ranh vùng giải phóng và chiến trường lớn miền Nam, lá cờ cách mạng kiêu hãnh tung bay dưới mưa bom bão đạn.

50 năm đã trôi qua, Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mãi là biểu tượng của khát vọng hòa bình, trở thành di tích văn hoá, lịch sử hết sức quý giá, đón du khách khắp nơi đến tham quan. 

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1/1973, tỉnh Quảng Trị được giải phóng và trở thành nơi nối liền hậu phương lớn miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Thế nhưng, bản đồ chiến sự vẫn lốm đốm màu lông báo. Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được xây dựng ngay trong tầm pháo của địch, nhưng ngược lại địch cũng nằm trong tầm hỏa lực của ta.

Giữa làn ranh bom đạn, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã chọn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị để xây dựng trụ sở, tập hợp mọi lực lượng dân chủ yêu chuộng hòa bình. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tung bay ở nơi gần tiền tuyến lớn miền Nam, động viên tinh thần quân và dân tin tưởng vào đường lối cách mạng để đi đến ngày toàn thắng, thống nhất đất nước.

Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt tại huyện Cam Lộ chỉ vỏn vẹn 2 năm nhưng đã góp phần đưa cách mạng nước ta phát triển, có quan hệ với nhiều nước trên thế giới. Từ năm 1973 đến năm 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đón nhiều đoàn đại biểu quốc tế đến thăm, cũng như Đại sứ của hơn 40 nước đến trình Quốc thư đặt quan hệ ngoại giao hoặc làm việc. Đặc biệt, nơi này đã đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị, chuyến đi có một ý nghĩa hết sức đặc biệt, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của quân và dân miền Nam Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, người từng vinh dự đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm và làm việc tại trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kể lại, nơi đây được Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm lâu nhất, cùng với mọi người ngồi giao lưu, trò chuyện. Ông Nguyễn Minh Kỳ nhớ rất rõ những tình huống bất ngờ khi đón tiếp đoàn.

Lúc Chủ tịch Cuba Fidel Castro nghỉ lại ở đây, đội phục vụ đã chuẩn bị chiếc giường dài 1,8 mét, nhưng vóc dáng của ông Fidel Castro lại cao lớn hơn. Thế là đội phục vụ nhanh trí ghép 2 chiếc giường lại cho vừa vặn để Chủ tịch Cuba nghỉ lại.

Cũng tại đây, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã mời Chủ tịch Cuba Fidel Castro bữa cơm giản dị với những món ăn của người Việt. Sự đón tiếp chu đáo, an toàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời trong chuyến thăm đặc biệt của Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến Việt Nam, ở nơi gần vùng chiến sự căng thẳng, đã góp phần vun đắp thêm mối quan hệ tình cảm, hữu nghị của chính quyền và Nhân dân 2 nước Việt Nam - Cuba.

Theo ông Nguyễn Minh Kỳ, giờ đây Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một biểu tượng của khát khao hòa bình, di tích của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành thắng lợi hoàn toàn để thống nhất đất nước: “Chọn Cam Lộ để đặt trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thì Đảng bộ, Nhân dân rất phấn khởi và đó là điều vinh dự. Đón tiếp các đoàn nguyên thủ quốc gia của các nước đến trình quốc thư. Tổng Tư lệnh Fidel Castro vào thăm Quảng Trị đi rất nhiều nơi và đến thăm Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và trình quốc thư. Đây là 1 tình cảm, tiếp thêm sức mạnh rất lớn đối với Nhân dân Quảng Trị và đó là tình cảm rất lớn dành cho mình.”

50 năm đã trôi qua, Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mãi là biểu tượng của khát vọng hòa bình. Ông Nguyễn Công Đoàn, nguyên Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị trở lại thăm Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhớ lại, năm 1973, Cam Lộ một vùng đất ở Nam vĩ tuyến 17 vừa mới được giải phóng, vinh dự được chọn là nơi đóng trụ sở làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời, nhằm tạo ra bộ mặt mới về một trung tâm đầu não, đưa Chính phủ ra hoạt động công khai để thực hiện thuận lợi các hoạt động ngoại giao và tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam tiến tới thắng lợi hoàn toàn.

Việc đặt khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ có ý nghĩa to lớn, khẳng định được thế chủ động của ta, xây dựng niềm tin vững chắc cho quân và dân ta trên chiến trường.

Tâm trí ông Nguyễn Công Đoàn luôn nhớ về khoảnh khắc lịch sử khi Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra mắt vào ngày 6/6/1973, có sự chứng kiến của đông đảo cán bộ, người dân và bạn bè quốc tế: “Rất phấn khởi hào hứng vì khi thấy điểm lạ, đất nước thì chưa giải phóng hoàn toàn nhưng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thì đóng trên đất Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Sự kiện này lúc đó người ta phấn khởi lắm”.

Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nằm trong lòng thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ. Nơi đây, vào năm 1829, Vua Minh Mạng cho xây dựng thành Vĩnh Ninh - Lỵ Sở của Đạo Cam Lộ. Tại đây, từ năm 1973 đến năm 1975 Chính phủ Cách mạng lâm thời đã có nhiều hoạt động trên trường quốc tế như đón tiếp các Đại sứ đến đặt quan hệ ngoại giao, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc; Đi thăm các nước và tham gia phong trào tiến bộ trên thế giới, Ra tuyên bố vạch trần âm mưu của Mỹ giúp chính quyền tay sai vi phạm hiệp định Paris, gây nhiều tội ác với Nhân dân; Chính phủ cử các đoàn đại biểu, các đoàn thể đi dự các hội nghị quốc tế, vận động các nước tiếp tục ủng hộ Nhân dân Việt Nam…

Đặc biệt, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã lãnh đạo Nhân dân miền Nam tiếp tục đấu tranh tiến tới Tổng tấn công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước. Ông Đào Công Tường, 72 tuổi, trú phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị cho biết, tháng 11/1973, tức chỉ sau vài tháng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, ông được lệnh điều vào phụ trách công việc kế toán ở Khu Chính phủ lâm thời.

Trong khó khăn bộn bề, bằng tình cảm và mong ước miền Nam sớm ngày giải phóng, quân dân Cam Lộ cùng chia ngọt sẻ bùi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh, bảo vệ và hỗ trợ đưa các đoàn ngoại giao đi thăm vùng giải phóng khi đến căn cứ Chính phủ cách mạng lâm thời.

“Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời đóng tại Cam Lộ với chức năng nhiệm vụ là đón tiếp các đoàn ngoại giao phong viên báo chí các nước đến thăm và làm việc tại Quảng Trị, trong đó hàng tháng đón những đoàn Đại sứ đến trình Quốc thư. Ngày ra mắt khu Chính phủ nhân dân các vùng tập trung đến, dưới Đông Hà lên rồi các xã lân cận đến rất đông đúc và một không khí tự hào phấn khởi trong điều kiện vùng mới giải phóng chiến tranh đang xảy ra ác liệt trong đó có các nhà báo chí nước ngoài nữa”- ông Đào Công Tường kể lại.

Sau năm 1975, khi Chính phủ Cách mạng lâm thời kết thúc vai trò lịch sử của mình thì toàn bộ khu trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý. Tháng 9/1985, do cơn bão số 8 tàn phá nên công trình khu trụ sở bị hư hỏng nặng. Vào đầu năm 2007, Bộ Văn hóa Thông tin đầu tư tôn tạo nhiều hạng mục quan trọng: Phục dựng Nhà Chính phủ; một nhà nghỉ của các Đại sứ; Xây nền móng và đặt bia ghi dấu của các khu nhà Bộ Ngoại giao, dãy nhà B1, B2, B3, B4 trên nền các công trình cũ; Xây dựng Nhà bia di tích và các công trình phụ trợ khác...

Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mãi là bằng chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ, đầy đau thương, mất mát nhưng cũng rất đỗi oai hùng của quân và dân miền Nam. Đây không chỉ là biểu tượng của khát vọng hòa bình và lòng quyết tâm giành độc lập, thống nhất mà còn là nơi hội ngộ của bạn bè yêu chuộng hòa bình khắp thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khánh Hòa cần tiếp tục quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng
Khánh Hòa cần tiếp tục quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng

VOV.VN - Tới thăm huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân lưu ý lãnh đạo địa phương phát triển kinh tế xã hội cần có sự hài hòa, không chỉ tập trung vào vùng động lực mà cần đầu tư cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân để không vùng nào, không đối tượng nào có khoảng cách quá xa

Khánh Hòa cần tiếp tục quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng

Khánh Hòa cần tiếp tục quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng

VOV.VN - Tới thăm huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân lưu ý lãnh đạo địa phương phát triển kinh tế xã hội cần có sự hài hòa, không chỉ tập trung vào vùng động lực mà cần đầu tư cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân để không vùng nào, không đối tượng nào có khoảng cách quá xa

Đưa Tết đến vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông, Kon Tum
Đưa Tết đến vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông, Kon Tum

VOV.VN - Trong những ngày cận Tết này tại tỉnh Kon Tum nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn đang tiếp tục được tổ chức.

Đưa Tết đến vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông, Kon Tum

Đưa Tết đến vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông, Kon Tum

VOV.VN - Trong những ngày cận Tết này tại tỉnh Kon Tum nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn đang tiếp tục được tổ chức.