Bà Tôn Nữ Thị Ninh:

'Quá trình bổ nhiệm Giám đốc Sở 30 tuổi ở Quảng Nam không bình thường'

VOV.VN - Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng việc bổ nhiệm Giám đốc Sở 30 tuổi ở Quảng Nam vấn đề không phải ở tuổi tác mà là quy trình, quá trình không bình thường.

Phóng viên VOV phỏng vấn bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Đại sứ tại Liên Minh Châu Âu và nay là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP Hồ Chí Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội & Giáo dục Trí Việt.

Nghe nội dung cuộc phỏng vấn:

PV: Thưa bà, dư luận xôn xao về chuyện một cán bộ trẻ 30 tuổi được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Đây không phải là trường hợp cá biệt khi gần đây có những người rất trẻ được bổ nhiệm vào một số vị trí lãnh đạo quan trọng. Bà nghĩ sao về câu chuyện này?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi nghĩ không phải là chuyện một Giám đốc Sở 30 tuổi là một vấn đề. Thậm chí có ngày sẽ có một thanh niên 30 tuổi làm Cục trưởng, Thứ trưởng…Vấn đề nằm ở chỗ có sự công nhận của cơ quan, của xã hội, của mọi người. Nếu đường đi lên của người trẻ tuổi đó là minh bạch, không dựa dẫm vào “thế” nào bên ngoài ngoài năng lực và phấn đấu của bản thân thì tôi nghĩ chúng ta không nên có ý kiến gì cả.

Mấu chốt vấn đề ở Quảng Nam không phải là tuổi của người đó mà là quy trình, quá trình không bình thường - bị thúc đẩy từ bên ngoài chứ không phải là tự thân vận động vươn lên của người thanh niên đó. Người thanh niên đó phải vươn lên bằng chính năng lực bản lĩnh của mình, bằng sự phấn đấu của chính mình để tạo được một hiệu ứng được đón nhận và công nhận bởi đồng nghiệp và xã hội.

PV: Giả sử một cán bộ trẻ thực sự tài năng mà gia đình họ có điều kiện, bố mẹ làm cán bộ có chức vụ cao, có thế lực và họ được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo quan trọng thì bà suy nghĩ gì về trường hợp này?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Trường hợp này nếu cha mẹ và gia đình đứng ngoài, người thanh niên đó tự thân vận động thì hoàn toàn xứng đáng, có thể nói đùa một chút là người thanh niên đó hoàn toàn may mắn. Thông thường với một gia thế như vậy chuyện học hành hay thực tập thì có thể sẽ thuận lợi hơn.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh (trái) trả lời trực tiếp trên sóng phát thanh VOV1. Ảnh: Bá Hiếu

Nhưng nếu như chị vừa nói, người ta đã thể hiện năng lực và bản lĩnh phẩm chất mà được công nhận rộng rãi thì họ hoàn toàn không có tội vì họ là con của một cán bộ lãnh đạo. Cho nên tôi nói là xứng đáng và may mắn. Nói cách khác là không nên phân biệt đối xử ngược lại.

Hiện giờ đặt ra một câu hỏi những người không xuất thân từ gia thế như vậy thì họ có được may mắn như người thanh niên này hay không? Chứ không nên phân biệt đối xử ngược lại. Và tôi nghĩ một thanh niên xuất thân từ một gia đình thuận lợi như vậy mà có bản lĩnh thì sẽ rất ngại cái việc họ nhắc tới thế lực của cha mẹ. Thậm chí, người ta sẽ phật lòng và nói rằng tôi lên vị trí này không phải là vì bố tôi là ông A, hay ông B.

Tôi nghĩ là sự soi sáng của công luận và các phương tiện truyền thông thời gian qua là một điều kịp thời trong một thời điểm mà ai cũng quan tâm sắp tới nhân sự của đất nước sẽ như thế nào để người dân yên tâm và tin tưởng. Thành thử nếu phát hiện ra có những điều gì đi ngược lại với lợi ích của đất nước và xã hội, tôi cho rằng đấy là một điều lành mạnh.

Và khi công luận và truyền thông họ đưa ra nhận xét gì thì họ phải chịu trách nhiệm về điều đó. Nhưng nếu những sự việc đưa ra là chính xác thì công luận có quyền được biết và tự đưa ra nhận định của mình và bản thân các phương tiện truyền thông cũng thế. Thành ra việc ra những vụ việc như thế là rất cần thiết trong thời điểm này của đời sống chính trị, xã hội của đất nước.

Còn câu chuyện “cả họ làm quan” nó nhấn vào một điều mà cả xã hội Việt Nam quan tâm. Chúng ta là một xã hội Á đông, chính xã hội Á đông mới có hiện tượng đó. Chứ còn có những tiêu cực ở các nước phát triển, ở phương Tây chẳng hạn thì sẽ là những tiêu cực khác chứ không tiêu cực kiểu “cả họ làm quan”.

PV: Xin nêu ra một ví dụ thế này. Giả sử hai thanh niên A và B cùng giỏi như nhau, cùng xuất sắc như nhau, nhưng người B lại không có chỗ dựa gia đình thuận lợi như người A. Khi ấy, B có cơ hội thăng tiến được như A hay không? Từ câu chuyện giữa A và B, theo bà, phải làm gì để cơ hội thăng tiến được phân bổ công bằng và được trao cho cả những người trẻ không có gia thế?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Trong hiểu biết của thế giới về công bằng và bình đẳng thì ý trung tâm là cơ hội ngang nhau. Cho nên khi mình xem xét 2 thanh niên, một thanh niên có gia thế thuận lợi và một thanh niên có gia thế và điều kiện không thuận lợi, mấu chốt của vấn đề là phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thanh niên có gia thế không thuận lợi. Điều đó trong tư duy về quyền con người hiện đại người ta gọi là “phân biệt đối xử tích cực”, nghĩa là cũng có lúc cái ở Việt Nam ta gọi là chính sách ưu tiên chế độ, trên thế giới người ta cũng áp dụng cái đó.

Nhưng khi mình nói về những thành phần thiệt thòi cần được tạo điều kiện nhiều hơn thì cách làm phải chính xác, phải thích hợp. Cái này khi chuẩn bị tổ chức bầu cử Quốc hội năm 2016 cũng đã đặt ra vấn đề giữa chính sách và tiêu chuẩn. Nhưng ở đây chúng ta đang bàn chuyện 2 thanh niên thể hiện trình độ năng lực bản lĩnh ngang nhau, trong trường hợp đó nếu một ứng cử viên là nữ, một ứng cử viên là nam đạt tiêu chuẩn ngang nhau, thì về chính sách nên chọn người nữ. Tức là phải có bình đẳng về cơ hội. Khi cơ hội đã đến và thể hiện như nhau thì phải ưu tiên cho thành phần thiệt thòi về mặt xã hội hơn.

Trong trường hợp như vậy, người thanh niên có gia thế sẽ có cơ hội chỗ khác vì anh ta vừa có năng lực vừa có lợi về gia thế.

PV: Ở nước ta khi lựa chọn cán bộ đều đã làm đúng quy trình nhưng vẫn không chọn được cán bộ giỏi như mong muốn. Đây chính là điểm khiến người dân băn khoăn. Và chuyện người dân xôn xao về trường hợp cán bộ 30 tuổi được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc Sở khi thời gian thử thách và các điều kiện chưa thực sự đầy đủ là một ví dụ. Vậy thì cần gỡ rối nút thắt này ra sao, thưa bà?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Vừa qua chính sách đưa cử nhân trẻ về làm lãnh đạo ở cấp xã là mộ chủ trương rất hay. Nhưng nếu cử xong thì ta phải theo dõi, đánh giá, giám sát. Để như vậy cứ 10 người sẽ có thể phát hiện 1-2 người rất xuất sắc. 8 người còn lại xuất sắc vừa vừa thì sẽ lên một cách tiệm tiến.

2 người xuất sắc kia thì có thể cho thử sức sớm hơn một chút hoặc chuyển địa bàn để có thử thách đa dạng hơn. Nhưng không phải là lợi thế gia đình mà phải là một cơ chế công khai, minh bạch tạo điều kiện cho những “hạt giống đỏ” được phát hiện rất tiềm năng, rất hứa hẹn. Tôi cho nếu làm một cách bài bản như vậy thì sẽ là bước đầu để tháo gỡ.

Thứ hai là ở Việt Nam ta, những người ứng viên vào các vị trí đặc biệt là thanh niên thì ít cơ hội quá để xuất hiện trước công chúng. Ý tôi muốn nói phải có những cơ hội được tạo ra một cách chủ động và thường xuyên để chính những thanh niên được “lọt vào mắt xanh” của cơ chế, được thể hiện năng lực và tranh luận công khai qua những bài thuyết trình, trình bày.

PV: Việt Nam có rất nhiều nhân tài trẻ, nhưng số nhân tài con nhà nông dân hiếm khi được bổ nhiệm vào vị trí cao trong xã hội. Thực trạng này cần nhìn nhận ra sao, thưa bà?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi nghĩ rằng điều chúng ta cần tránh là sự bất công. Một thanh niên mà nhờ gia thế lên như “hỏa tiễn” thì đương nhiên xã hội băn khoăn hoặc bức xúc. Còn chuyện phải tạo điều kiện cho những người có điều kiện không thuận lợi thì tạo điều kiện như thế nào?

Tôi thấy như thế này. Hiện giờ một số thí sinh đậu thủ khoa ở một số trường rất nhiều từ các tỉnh lẻ. Đó là những hạt giống mà chúng ta muốn “bình dân hóa” đội ngũ lãnh đạo các cấp thì Nhà nước phải chủ động đi tìm những hạt giống đó tạo điều kiện cho họ, phải có học bổng đặc biệt. Phải chủ động nâng đỡ họ bằng học bổng bằng phương tiện bằng vật chất và cả sự quan tâm của thầy cô và xã hội.

PV: Chúng ta nhất trí rằng tuổi trẻ tài cao được chọn thì không sao, nhưng chọn nhân tài thế nào cho chính xác luôn là bài toán khó, phải không thưa bà?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Câu chuyện ở huyện Mỹ Đức không chỉ ở riêng địa phương ấy mà còn xuất hiện ở đâu đó. Để ngăn chặn nó, tôi nghĩ rằng Đảng và Nhà nước nên có quy định tránh cha và con làm cùng một địa phương. Người con phải đi thử sức ở những địa bàn nơi không bị sức ép của người nhà lãnh đạo. Nếu ta có những quy định thân nhân trực tiếp không được bố trí cùng địa phương hoặc cơ quan đó thì mới chỉ là bước đầu.

Việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (bìa phải) làm Giám đốc sở ở tuổi 30 khiến dư luận rất quan tâm. Ảnh: Sở KH-ĐT Quảng Nam

Khi tôi đọc trên báo về quy trình của vị giám đốc trẻ ở Quảng Nam đi đâu cũng được 100% phiếu, tất cả đều đúng quy trình, tôi xin đặt câu hỏi thế này: Khi người ta không nói ra mà biết rằng đây là con của Bí thư Tỉnh ủy được cả bộ máy đẩy lên. Khi bỏ phiếu, nếu bỏ phiếu công khai thì không ai là không dám không giơ tay?

Bình thường tôi rất ủng hộ mọi thứ công khai nhưng trong những trường hợp như vậy ta phải bỏ phiếu kín thì nó sẽ bộc lộ nhiều hơn. Nói thế thôi chứ tôi cho rằng chuyện bỏ phiếu không quan trọng lắm. Quan trọng là công luận sẽ nhìn nhận như thế nào và cũng cần phải có cơ chế giám sát thường xuyên.

PV: Chủ trương trẻ hoá cán bộ là đúng đắn nhưng theo bà quy trình hiện nay như thế nào là phù hợp?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Quay trở lại câu chuyện cử nhân trẻ xuống công tác tại các xã. Đó là một chủ trương rất đúng đắn, có chiều dài và chiều sâu. Chính công tác quy hoạch nằm ở chỗ đó.

Bắt đầu chọn lọc từ cơ sở, chọn lọc rồi có kênh bình thường và kênh đi nhanh. Kênh đi nhanh ở đây không phải là kênh được gia đình đẩy lên như đã nói mà kênh đi nhanh ở đây chính là những người đã sớm bộc lộ năng lực và bản lĩnh. Nhờ kênh đó, ta sẽ có những Giám đốc, Cục trưởng hay Thứ trưởng ở tuổi 30.

PV: Xin cảm ơn bà Tôn Nữ Thị Ninh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên