Sáp nhập đơn vị hành chính ở Quảng Trị: Băn khoăn chuyện đặt tên xã
VOV.VN - Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị vừa thông qua “Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện giai đoạn 2019-2021”.
Xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong là một trong 24 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Trị thuộc diện phải sắp xếp lại. Theo đó, 2 xã Triệu Đông và Triệu Thành sáp nhập thành một đơn vị mới và lấy tên là Triệu Thành. Rồi đây, cái tên Triệu Đông chỉ còn lại trong ký ức. Ông Võ Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong cho biết, lúc triển khai lấy ý kiến toàn dân, không chỉ người dân mà cán bộ ai cũng băn khoăn, nảy sinh nhiều luồng ý kiến.
HĐND tỉnh Quảng Trị thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện 2019-2021.
|
Đa số người dân đồng tình sáp nhập nhưng không ai muốn xoá đi tên làng, tên xã của mình. Theo ông Võ Văn Bắc, người Triệu Đông chấp nhận tên gọi xã mới là Triệu Thành thì trụ sở Ủy ban xã mới phải đặt tại quê hương Triệu Đông. Như vậy, sẽ đảm bảo sự hài hòa giữa 2 địa phương, giữ được sự đoàn kết thống nhất của cán bộ, đảng viên và nhân dân 2 xã sau khi sáp nhập.
Ông Võ Văn Bắc cho biết: "Về trụ sở làm việc, người dân ở đây rất băn khoăn. Họ nói nếu đã mất tên Triệu Đông rồi mà trụ sở lại đóng tại Triệu Thành nên họ đề nghị trụ sở phải đóng tại Triệu Đông. Nhiều người dân ở thôn Bích La, Nại Cửu nếu lên giao dịch hành chính tại Triệu Thành thì phải đi mất 8 cây số, trong khi đó người dân Triệu Thành về Triệu Đông gần hơn".
Theo các quy định mới về sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Quảng Trị có 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 32 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chí về diện tích và quy mô dân số. Tuy nhiên, xét các yếu tố đặc thù về truyền thống, lịch sử, điều kiện tự nhiên, quốc phòng, an ninh nên hiện nay chưa tiến hành sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Quảng Trị, huyện đảo Cồn Cỏ và 9 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn. Trước mắt, trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh Quảng Trị tiến hành sắp xếp 24 đơn vị cấp xã.
Sau khi sáp nhập xã, tỉnh Quảng Trị có 227 người hoạt động không chuyên trách phải nghỉ việc. |
Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh còn 125 xã, thị trấn, giảm 16 đơn vị so với hiện tại. Đa số người dân đồng tình việc sáp nhập, nhưng vẫn còn một số nơi chưa đồng thuận với tên gọi mới sau sáp nhập. Một số xã, thị trấn vốn có truyền thống, thành tích trong các cuộc kháng chiến và thời kỳ đổi mới, nhưng lại sáp nhập với xã khác ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Cầu, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị đề nghị chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để nhân dân hiểu được chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đề nghị ban hành chính sách hỗ trợ một lần đối với những người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính sáp nhập nếu không được tiếp tục bố trí công tác, đề nghị tối thiểu một năm công tác được hỗ trợ 1 tháng phụ cấp một lần.
Theo đề án vừa mới thông qua, tỉnh Quảng Trị sẽ giảm 16 xã so với hiện tại. Bây giờ, sáp nhập các xã lại với nhau, các trụ sở UBND xã dôi dư nếu không có phương án sử dụng hợp lý sẽ lãng phí. Chưa kể, một số xã mới cũng phải tính toán xây dựng lại trụ sở xã có vị trí phù hợp hơn.
Ông Lê Cảnh Biên, Bí thư Huyện uỷ Triệu Phong cho rằng, quá trình thực hiện sáp nhập cũng nảy sinh nhiều tâm tư trong nhân dân. |
Ông Lê Cảnh Biên, Bí thư Huyện uỷ Triệu Phong cho rằng: "Trong sáp nhập xã bây giờ cũng có những vấn đề đang đặt ra, 2 xã thì hiện nay đang có 2 trụ sở, sắp tới đây sau khi sáp nhập thì chỉ một trụ sở thôi. Nếu xử lý không khéo cái này, vì người dân muốn trụ sở xã phải đặt khu trung tâm của xã mới, trong khi đó hiện nay, 2 xã có 2 trụ sở riêng biệt rồi, cho nên đây cũng là vấn đề đang đặt ra".
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị khẳng định, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Cuộc sắp xếp này không thể không làm nhưng chọn cách làm để góp phần ổn định từng bước có lộ trình, làm đến đâu chắc đến đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
"Những khó khăn chúng ta đã lường trước như vấn đề sắp xếp lại bộ máy dôi dư, cơ sở vật chất cần được tính toán để sử dụng như thế nào. Những tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân khi phải đi lại khá xa trong khu vực hành chính mới. Để giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân, đòi hỏi các phải tích cực cải cách hành chính. Sáp nhập để mạnh hơn, sáp nhập để có điều kiện nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn chứ không phải sáp nhập chỉ là thuần tuý hành chính, đơn thuần một phép công cơ học", ông Nguyễn Văn Hùng cho biết./.
HĐND tỉnh Quảng Ninh tán thành sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ
Sáp nhập thôn, tổ dân phố Vĩnh Phúc: Lấy đồng thuận của dân làm gốc