Thanh Hóa: Kiên quyết xử lý việc “ngâm” hồ sơ, sách nhiễu, phiền hà
VOV.VN - Sách nhiễu, phiền hà… không chỉ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, sâu xa còn kéo lùi sự phát triển của địa phương.
Năm 2018, tỉnh Thanh Hóa có gần 4000 hồ sơ quá hạn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu các sở ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố... phải công khai xin lỗi người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi “ngâm” hồ sơ, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, đảng viên cần phải xử lý kỷ luật chứ không đơn thuẩn là xin lỗi xuề xòa bỏ qua.
Dư luận tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp, người dân hết sức bất bình trước tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức tỉnh này gây phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính. Mới đây, theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, năm 2018, tỉnh Thanh Hóa có gần 4.000 hồ sơ quá hạn…
UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Câu chuyện chậm trả hồ sơ, gây phiền hà, sách nhiễu không phải mới mà trở thành nỗi ám ảnh đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư mỗi khi đi “gõ cửa” từng phòng, ban, sở, ngành, để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Nhiều đại diện doanh nghiệp, người dân kiến nghị cần phải nghiêm trị, xử lý hành vi cố tinh gây phiền hà của một bộ phận cán bộ của cơ quan nhà quản lý Nhà nước ở tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, Thanh tra Nhà nước tỉnh Thanh Hóa đã có yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm Giám đốc và nhiều lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư vì gây khó khăn cho một doanh nghiệp triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Ngọc Lặc. Không những thế, Sở này còn phải gửi các phiếu xin lỗi gửi tới 8 doanh nghiệp và trong đó thừa nhận: sự chậm trễ đã gây phiền hà, tốn kém chi phí, công sức của công ty”… Rõ ràng, tệ quan liêu, vô cảm, thiếu ý thức trách nhiệm vẫn tồn tại ở không ít cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính của tỉnh Thanh Hóa.
Sách nhiễu, phiền hà… không chỉ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, sâu xa còn kéo lùi sự phát triển của địa phương. Câu hỏi đặt ra là, vì sao quy định, chế tài đã có nhưng khó thực thi, sau nhiều năm cải cách thủ tục hành chính nhưng số cán bộ, đảng viên tại Thanh Hóa bị xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay? Ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng ban Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho rằng, người đứng đầu phải gương mẫu, chịu trách nhiệm.
Ông Thi nói: "Nghiêm túc thực hiện đổi mới thái độ phục vụ xây dựng cơ quan văn hóa trong giao tiếp với tổ chức cá nhân, cán bộ vi phạm sẽ bị xử lý; yêu cầu cán bộ ký cam kết không gây phiền hà đối với tổ chức cá nhân, nếu vi phạm sẽ làm đơn thôi việc, người đứng đầu phải gương mẫu, chịu trách nhiệm".
Tại buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định, phải loại bỏ những cán bộ vi phạm đạo đức công vụ ra khỏi bộ máy hành chính.
Ông Xứng nói: "Không làm công tác cán bộ là không tạo chuyển biến được, không cải cách hành chính được. Đối với những cán bộ liên quan nhiều đến thủ tục hành chính của các sở thì phải chọn những người có năng lực, đặc biệt là đạo đức, có cái tâm đối với doanh nghiệp, đối với công nghiệp thì mới chuyển biến được. Nếu chúng ta muốn sở không mang tiếng là phiền hà, hành doanh nghiệp thì các đồng chí phải làm ngay công tác cán bộ".
Thanh Hóa là địa phương đang được nhiều nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước quan tâm. Thế nhưng, để giữ được chân nhà đầu tư, với mục tiêu trở thành điểm sáng kinh tế vùng Bắc Trung bộ, tỉnh Thanh Hóa còn nhiều việc phải làm, trong đó cải cách thủ tục hành chính đóng vai trò quan trọng./.