Tinh gọn, sắp xếp bộ máy đơn vị sự nghiệp ở Đồng Nai vẫn còn cơ học
VOV.VN - Một trong những nội dung quan trọng của việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy là việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
Việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết 19 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” tại Đồng Nai đã triển khai được gần 2 năm, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều vướng mắc.
Đầu năm 2019, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai (thuộc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai) được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị là Trung tâm Tư vấn Công nghiệp và Trung tâm Khuyến công (đều thuộc Sở Công thương). Đây là một trong những đơn vị thí điểm của Đồng Nai thực hiện Nghị quyết 19 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đồng Nai Tạ Quang Trường. |
Bà Nguyễn Ngọc Diệu trước đây là Chánh Văn phòng Sở Công thương Đồng Nai, khi thí điểm hợp nhất, bà Diệu được điều động về nhận nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương). Việc này khiến bà Diệu khá lo lắng vì ngoài việc tăng gấp đôi nhiệm vụ công việc, thì người đứng đầu còn phải giải quyết những khúc mắc về tâm tư, tình cảm của cấp dưới. Bởi khi hợp nhất, 2 giám đốc trung tâm trước đây sẽ xuống làm cấp phó, chưa kể 2 trung tâm, 1 là đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ 100%, còn 1 đơn vị do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên nên có những khác biệt.
Dẫu vậy, việc hợp nhất bước đầu đã mang đến những kết quả nhất định, đó là nhập 2 trung tâm thành 1 giúp giảm đầu mối, giảm số phòng, giảm bộ phận gián tiếp như hành chính, kế toán, văn thư…
Trước khi tiến hành sáp nhập, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh là chuyên viên của Trung tâm Tư vấn công nghiệp. Sau khi hợp nhất, ngoài công việc của một chuyên viên tư vấn thì chị Hạnh còn tham gia vào hoạt động trong công tác khuyến công.
Công việc nhiều hơn, vất vả hơn, chị Hạnh cho biết: "Khi mình hoạt động ở tất cả các địa bàn thì mình được gặp nhiều đối tượng khác nhau, cách tiếp cận cũng hoàn toàn mới. Khi đó mình sẽ có thêm những kinh nghiệm cho bản thân cũng như công việc mình xử lý. Nếu mình tiếp cận tốt, có hướng đầu tư cho công việc thì hiệu quả công việc cao hơn, mình linh hoạt hơn".
Ông Tạ Quang Trường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai đánh giá, việc triển khai công tác tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy tại Đồng Nai vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Việc tinh gọn hiện mới chủ yếu thực hiện ở việc sáp nhập cơ học, giảm đầu mối, giảm bộ phần gián tiếp chứ chưa thể đánh giá ngay được hiệu quả theo nhiệm vụ, chức năng của từng đơn vị.
Một trong những nội dung quan trọng của việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy là việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công lập. Đây sẽ là cơ sở để các đơn vị sự nghiệp hướng tới mục tiêu tự chủ tài chính thay vì vẫn theo cơ chế Nhà nước “bao cấp”.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đồng Nai Tạ Quang Trường phân tích, cơ chế như hiện nay khiến tình trạng “nhiều người – ít việc” khá phổ biển, nghĩa là chỉ một hoặc một vài đầu công việc nhưng nhiều người làm và hưởng lương ngân sách. Tức là bộ máy nhân sự cồng kềnh, còn ngân sách thì nặng gánh. Chỉ khi nào đơn vị sự nghiệp tự chủ và hoạt động theo cơ chế giá dịch vụ thì sẽ tự chủ được nguồn thu và tự chủ bộ máy nhân sự. Khi đó, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp có thể quyết định phân bổ đầu công việc hợp lý, thay vì một việc nhiều người làm thì sẽ là một người làm nhiều việc. Hiệu quả công việc tăng lên, thu nhập của cán bộ viên chức cũng tăng lên tùy theo khối lượng và hiệu quả công việc thay vì chỉ hưởng lương “cứng” từ ngân sách. Có như vậy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy mới thực sự đạt hiệu quả, vừa giúp giảm biên chế, vừa nâng cao thu nhập của viên chức, người lao động.
Hiện ở Đồng Nai, mới chỉ có các bệnh viện tuyến tỉnh xây dựng được đơn giá dịch vụ. Theo đó, các bệnh viện có nguồn thu từ dịch vụ y tế sẽ tự cân đối để có tiền trả lương cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên thay vì được Nhà nước trả lương như trước. Khối lượng công việc tăng lên, nguồn thu cũng lớn lên, từ đó đơn vị có thể tự chủ về các mặt tài chính, nhân sự, tổ chức…
Nhưng những đơn vị làm được như vậy không nhiều. Ngoài y tế, thì đa số các đơn vị ở các lĩnh vực khác, việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công lập vẫn chưa thể triển khai do chưa có có hướng dẫn cụ thể. Nên việc chuyển đổi mô hình cơ chế tài chính từ ngân sách sang tự chủ vẫn chưa thể làm đại trà./.
“Không phải vì tinh giản biên chế mà giảm bớt 1 Phó Chủ tịch HĐND”