“Trừng trị nghiêm người lợi dụng, khai man để bổ nhiệm người nhà”
VOV.VN - GS.TS Phan Xuân Sơn cho rằng cần phải trừng trị nghiêm những người lợi dụng quy trình, khai man quy trình để bổ nhiệm người nhà, cánh hẩu...
Điệp khúc "đúng quy trình"
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ ở Thanh Hóa, Quảng Nam được kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đã thu hút được sự quan tâm và hoan nghênh đặc biệt của dư luận, cán bộ đảng viên và nhân dân cả nước.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những gì dư luận nhắc đến trong tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ là có cơ sở, như việc lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm theo quan hệ, tiền tệ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa công tâm, thiếu khách quan, có yếu tố lợi ích nhóm, mang tính chất áp đặt, bố trí không đúng năng lực, sở trường, bổ nhiệm không đủ điều kiện, tiêu chuẩn xảy ra ở nhiều nơi…
Theo GS.TSKH Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), hiện tượng bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm “thần tốc”, coi thường quy trình hoặc bỏ lọt quy trình diễn ra trong thời gian qua khá nhiều. Đó là hiện tượng tham nhũng chính trị mà dư luận hay nói là tham nhũng quyền lực. Song, biện minh cho những hành động này vẫn là điệp khúc “đúng quy định”, “đúng quy trình” của những người có trách nhiệm.
GS.TSKH Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). |
Như quy trình lấy phiếu tín nhiệm, phải trên 50% mới được tín nhiệm, nhưng quá trình lấy phiếu như thế nào thì không ai kiểm soát được. Người bỏ phiếu có thể bị tác động bởi lợi ích, tình cảm, họ hàng, đồng hương…thậm chí người ta có thể bỏ tiền ra mua phiếu tín nhiệm.
“Quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay mặc dù khá chặt chẽ, nhưng không có nghĩa là không có hạn chế, vẫn có “đất” cho sự tùy tiện, và có thể bỏ sót những tài năng” – ông Phan Xuân Sơn nói và cho biết cần phải trừng trị nghiêm những người lợi dụng quy trình, khai man quy trình để bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm cánh hẩu, bổ nhiệm do việc mua bán chức vụ. Việc này cần phải làm đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, bộ ngành.
Cùng bàn về vấn đề này, bà Bùi Thị An – đại biểu Quốc hội khoá XIII cho rằng, nhiều cán bộ lãnh đạo thời gian qua đã vi phạm nguyên tắc, thiếu rèn luyện tu dưỡng cho nên mới đặt quyền lợi của bản thân, gia đình, họ hàng lên trên quyền lợi của địa phương, tổ chức, cộng đồng, không chọn đúng người có tâm, có tầm mà đưa họ hàng, con em không đủ điều kiện vào bộ máy, làm ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của địa phương, của lĩnh vực mà mình phụ trách.
Tình trạng trên đã làm giảm niềm tin của nhân dân, đặc biệt ảnh hưởng đến sự phấn đấu, làm giảm ý chí của thế hệ trẻ.
Tại sao đảng viên không đấu tranh với cái xấu, cái sai?
Nhìn lại những quyết định mạnh mẽ của Đảng trong xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao từ Trung ương tới địa phương từ sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đến nay, bà Bùi Thị An thấy rõ sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy quản lý. Quyết tâm này cũng xóa tan những nghi ngờ, băn khoăn của dư luận từ trước nay cho rằng việc xử lý cán bộ vi phạm chỉ theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, hoặc chỉ đơn thuần là kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, những vi phạm khuyết điểm trên chỉ được kết luận rõ ràng, đúng người đúng tội khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc làm rõ, trong khi có vụ việc trước đó đã được thanh tra nhưng không phát hiện.
“Cần xem lại vai trò, trách nhiệm của các cơ sở Đảng nơi có cán bộ mắc khuyết điểm, sai phạm thời gian qua. Tại sao trong một thời gian dài không phát hiện ra, tinh thần phê và tự phê như thế nào mà không đấu tranh với cái xấu, cái sai, trong khi kết quả đánh giá ai cũng hoàn thành nhiệm vụ? Nếu tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh thì sẽ phát hiện ra ngay, phê bình, kỷ luật ngay thì có khi mức độ kỷ luật sẽ không nặng nề như vậy” - bà Bùi Thị An nói.
Phó Chủ tịch Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn và các sai phạm nghiêm trọng
Bà Bùi Thị An nêu quan điểm cho rằng, để dẹp được những tiêu cực trong công tác cán bộ thì trước hết những người làm công tác này phải gương mẫu, công tâm, đặt lợi ích của Đảng, đất nước lên trên hết; phải minh bạch từ khâu phát hiện, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ.
Việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý cần được thực hiện qua hình thức thi tuyển một cách công khai, minh bạch với những tiêu chuẩn, yêu cầu rõ ràng và phải có hội đồng thi tuyển chuẩn. Mỗi chức danh thi tuyển nên có nhiều ứng viên tham gia thi để chọn lọc, chọn trúng người có năng lực.
Việc thi tuyển sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng khép kín cục bộ trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ cũng như khắc phục được tình trạng thao túng, lạm quyền, lợi ích nhóm và tham nhũng trong công tác cán bộ.
“Sau khi cán bộ trúng tuyển phải có quá trình theo dõi và kiểm nghiệm, đánh giá thực tiễn, nếu cán bộ mới bổ nhiệm không đảm đương được công việc thì cho thôi. Việc đánh giá cán bộ không chỉ trong nội bộ cơ quan mà phải có cộng đồng giám sát, đánh giá nhằm đảm bảo khách quan, công bằng” – bà Bùi Thị An nêu ý kiến./.
Những vụ bổ nhiệm cán bộ “thần tốc” gây xôn xao dư luận
Quy định về bổ nhiệm cán bộ: Phải quyết liệt, tránh hình thức
Bổ nhiệm cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải qua 5 bước