Vì sao Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà Lê Đức Vinh sẽ bị kỷ luật?
VOV.VN -Khi làm các dự án BT, các khu đất này được giao với giá thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vừa đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và một số cá nhân liên quan đến những sai phạm trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa các nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021 và ông Nguyễn Chiến Thắng, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Nhiều sai phạm liên quan đến ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa từ năm 2016 đến nay. |
Trong số những dự án gây thất thoát liên quan tới trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, có các dự án ở khu trung tâm đô thị - thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang. Đây là khu vực sân bay Nha Trang cũ, được Bộ Quốc phòng bàn giao đất cho tỉnh Khánh Hòa để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tháng 10/2016, tỉnh Khánh Hòa đã giao 62,3 ha đất cho Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Sơn. Sau đó 1 năm, UBND tỉnh mới ủy quyền cho các Ban quản lý dự án của tỉnh ký hợp đồng với Công ty Phúc Sơn nhằm hoàn vốn cho 3 dự án giao thông. UBND tỉnh Khánh Hòa sử dụng 20,14ha đất trong sân bay với tổng giá trị tạm tính hơn 3.261 tỉ đồng để hoàn vốn.
Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết, các dự án BT này đang gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ: "Số ký trên hợp đồng ước tính dựa trên tổng mức đầu tư; vì vướng giá đất chính thức chưa có nên không có thể làm công tác thanh toán được, mặc dù sản lượng họ làm cũng có rồi. Thực ra thì thanh tra, kiểm tra dự án nào cũng làm, không phải ảnh hưởng đến tiến độ. Ảnh hưởng tiến độ do bàn giao mặt bằng, công việc vẫn triển khai bình thường"
Giao khu đất vàng ở trung tâm Nha Trang nhưng không đủ tiền để xây trường Chính trị ở xã Phước Đồng |
Ngoài 3 dự án BT đổi đất tại sân bay Nha Trang cũ còn nhiều dự án BT khác thực hiện không đúng quy định của pháp luật, gây nhiều bức xúc trong dư luận. UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao và cho thuê hơn 9.800 mét vuông đất tại khu vực Vĩnh Hòa để làm dự án BT mở rộng, nâng cấp đường Mai Xuân Thưởng. Điều đáng nói là tuyến đường này làm xong từ giữa năm 2014 nhưng đến gần 1 năm sau, UBND tỉnh Khánh Hòa mới ký hợp đồng BT.
Trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa thực hiện nhiều dự án BT xây dựng trường học, trụ sở như: Trường Cao đẳng y tế; Trường Cao đẳng nghề; Trường Chính trị; … Trụ sở của những đơn vị này nằm ở khu vực trung tâm thành phố, gần biển. Khi làm BT, các khu đất này được giao với giá thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường.
Về việc này, ông Nguyễn Chiến Thắng, Nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa lý giải: "Vì muốn cho Nha Trang phát triển, tạo công ăn việc làm cho dân là quan trọng lắm. Cái giá trước đây nó khác, bây giờ làm sao mình thấy được, khó lắm. Có ai nói gì thì nói nhưng tôi thấy trường mới vẫn có, rộng rãi hơn. Còn đây, chỗ này vẫn có công trình, để có công ăn việc làm, tất cả các thứ".
Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa ở xã Phước Đồng, cách xa trung tâm thành phố 7km |
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã Kết luận, Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong 2 nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021 mắc những sai phạm rất nghiêm trọng. Đã có hàng chục dự án Ban cán sự đảng không xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy. Trong khi đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã cho chủ trương để UBND tỉnh triển khai hàng chục dự án không đúng quy định và thẩm quyền. Và chỉ riêng vi phạm về đất đai ở Khánh Hòa đã gây thất thoát rất lớn cho ngân sách của Nhà nước.
Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Nha Trang được xây dựng tại ngoại thành Nha Trang |
Ông Phạm Văn Chi, Nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc thất thoát tài sản của Nhà nước chủ yếu thông qua việc giao đất, giao dự án BT không qua đấu thầu, đấu giá. Đây là những sai phạm kéo dài qua 2 nhiệm kỳ. Ông Phạm Văn Chi đề nghị các cơ quan chức năng xác định đúng mức độ sai phạm của từng tập thể, cá nhân để có hình thức xử lý phù hợp.
"Cán bộ và nhân dân rất bức xúc, tất cả những mảnh đất vàng cứ đội nón ra đi. Còn giá cả thì người ta không thống nhất với cái giá như thế. Trước đây, chưa có Nghị định bắt đấu thầu thì mình có cả đấu thầu và giao thầu. Giao thầu sau đó muốn giao đất thì phải đấu giá cái đất đó giá bao nhiêu, thế để mình giao đất trừ tiền. Nhưng với điều kiện là công trình đã được làm xong. Nếu đã là BT phải làm xong mới giao đất, ngược lại mình giao công trình đồng thời mình giao đất luôn, không phải là BT"- ông Chi cho biết. /.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận kiểm tra tại Khánh Hòa
Đề nghị kỷ luật Ban Thường vụ, Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa