Nhiều cách bảo vệ ô tô độc đáo trong mùa lũ lụt
Người dân ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam có những cách tự cứu lấy chiếc xe của mình trước sự đe dọa từ thiên tai.
Ngập nước là nguy hiểm nhất đối với ôtô bởi nó gây ra sự hư hại khó lường. Vì vậy, người dùng đã nghĩ ra nhiều hình thức phòng ngập lụt cho xe, từ đơn giản đến phức tạp, thậm chí siêu độc.
Di tản xe đến nơi an toàn
Đây là phương pháp truyền thống và hiệu quả nhất mà bất cứ chủ ô tô nào cũng có thể làm được. Chỉ cần tìm hiểu kỹ về dự báo ngập lụt và phạm vi ảnh hưởng, chủ xe có thể tự lái xe đến nơi khô ráo hoặc thuê dịch vụ cứu hộ đến chở xe đi cất.
Nhược điểm của phương pháp này là chi phí cao (tiền thuê cứu hộ, càng đi xa càng tốn kém), chưa kể thời gian di chuyển cũng khiến chủ xe vất vả tính toán. Bù lại, xác xuất xe bị ảnh hưởng bởi mưa lũ giảm đi rất nhiều nhờ sự chủ động.
Kê kích xe lên vị trí cao
Sử dụng kích nâng gầm rồi kê các vật chống ở cả 4 góc để nâng chiếc ô tô lên khỏi mực nước ngập là phương pháp được nhiều người sử dụng. Tại Việt Nam, cách làm này đã được ghi nhận ở nhiều địa phương trong thời gian qua.
Để thực hiện, chủ xe sẽ phải kích nâng gầm ở từng vị trí và từ từ chêm vào đó vật đỡ như gạch, ghế đá, gỗ, sắt. Càng lên cao đòi hỏi người thực hiện phải khéo léo để kê thiết bị kích gầm với khoảng cách phù hợp.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là chỉ cứu được xe ở vùng ngập nước lặng. Còn nếu xảy ra lũ quét, nơi có sóng nước mạnh sẽ có nguy cơ sập bộ đỡ.
Làm bè phao cho ôtô
Áp dụng phương pháp “nước lên thì bèo lên”, nhiều chủ xe đã dùng thùng phuy nhựa hoặc sắt nối lại với nhau bằng thanh giằng gỗ hoặc sắt để làm thành một chiếc bè nổi. Khi đưa được chiếc ôtô lên bè nổi này, việc còn lại là chằng buộc dây như mỏ neo để chiếc xe không bị trôi đi.
Nhược điểm của phương pháp này là chi phí, nhân lực thực hiện khá tốn kém và không phải chủ xe nào cũng tự làm được bè nổi mà cần người có tay nghề cơ khí.
Bọc ôtô trong túi nylon, bạt nhựa
Túi nylon, bạt nhựa có đặc điểm chống nước rất tốt nên thường được người dân vùng lũ bọc đồ đạc để bảo quản qua mùa lũ. Và đây cũng là cách làm để cứu ôtô thoát khỏi việc ngập chìm trong nước với loại túi nylon “khổng lồ”.
Phương pháp trên khá phổ biến ở Philippines - nơi đầu tiên luôn phải hứng các cơn bão hình thành từ Thái Bình Dương. Ở Philippines, loại phụ kiện có tên “CarbagFloody”, là một cái túi nhựa lớn cỡ lớn có thể bao bọc toàn bộ một chiếc xe, và có đủ cỡ dành cho các loại xe khác nhau, từ sedan đến SUV, pickup… Chất liệu có thể là nylon trong hoặc bạt nhựa nhiều màu sắc. Sau khi bọc kín chiếc xe, người chủ chỉ việc cột dây để phòng trường hợp xe bị trôi đi đâu đó.
Hiện nay loại phụ kiện này đã được sản xuất và bán ở nhiều nước như Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, với giá từ 300 USD đến hơn 500 USD tùy thương hiệu. Nhược điểm duy nhất của cách làm này là nếu chẳng may bị vật sắc nhọn đâm vào vỏ bao, thì mọi công sức đều đổ đi.
Lập hàng rào chống lụt
Đây là phương pháp được ghi nhận thành công ở Đức và đã từng áp dụng tại Mỹ trong một số trận lụt lịch sử. Điển hình tại ngôi làng Diesbach ở Glarus Süd, Thụy Sỹ, nơi người dân sống gần con sông Diesbach bình thường êm đềm nhưng đến mùa tuyết tan thì biến thành “con quái vật” gây ngập lụt nhà cửa, phương tiện.
Hồi đầu tháng 10 vừa qua, với sự can thiệp của các chuyên gia chống ngập, một rào chắn bằng các tấm đan kim loại xuất hiện ở những vị trí xung yếu đã nhanh chóng ngăn nước xâm nhập vào làng.
Tại Mỹ, nhiều gia đình giàu có ở Mississippi đã từng thiết lập các tường chắn nước quanh nhà như một cách để bảo vệ đồ đạc, xe cộ khỏi ngập trong biển nước.
Tất nhiên, phương pháp này khá tốn kém và khó khả thi với hộ gia đình ở Việt Nam, với mật độ xây dựng dày đặc, không có khoảng trống tạo “đê” ngăn nước.
“Treo” xe lên cây
Hãy treo chiếc xe của bạn lên cao nếu có thể. Điều này tưởng chừng là chuyện hài hước nhưng đã xảy ra ở Mỹ. Vào trận lụt tháng 3/2016, người xem truyền hình Mỹ khá ngạc nhiên khi thấy hình ảnh một chiếc Polaris General được treo lủng lẳng trên cây, phía dưới là nước ngập một phần đuôi.
Người chủ chiếc xe đã dùng chính chiếc tời điện gắn ở đầu xe rồi móc phần móc cáp lên thân cây trên cao, sau đó kích hoạt tời cáp để “treo” xe lên cây với hy vọng vượt qua tình cảnh ngập lụt.
Thực tế phương pháp treo xe có thể áp dụng phổ biến với xe máy, nhưng ôtô thì khó với xe có khối lượng lớn. Như chiếc Polaris General chỉ nặng khoảng 842 kg có thể dễ treo lên bằng tời bởi sức kéo của tời điện có thể lên vài tấn./.