EU - Mỹ bàn cách tháo gỡ phân biệt đối xử ô tô điện của châu Âu
VOV.VN - Các nhà sản xuất ô tô điện châu Âu bất bình với "Đạo luật Giảm lạm phát" của Mỹ trị giá 430 tỷ USD công bố hồi tháng 8/2022 nhằm chống lại biến đổi khí hậu và đưa nước Mỹ đi đầu thế giới trong thị trường xe điện.
Mới đây, các Bộ trưởng Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) và Đại diện Thương mại Mỹ - Katherine Tai đã tiến hành hội đàm tại Praha (Séc), thảo luận về cách đối phó với đạo luật của Mỹ mà EU coi là phân biệt đối xử đối với các nhà sản xuất ô tô điện của châu Âu.
Các nhà sản xuất ô tô bất bình với "Đạo luật Giảm lạm phát" của Mỹ trị giá 430 tỷ USD công bố hồi tháng 8/2022 nhằm chống lại biến đổi khí hậu và đưa nước Mỹ đi đầu thế giới trong thị trường xe điện.
Đạo luật này quy định xe điện phải được lắp ráp ở Bắc Mỹ mới đủ điều kiện miễn một phần thuế. EU cho biết điều này là phân biệt đối xử đối với ô tô do EU sản xuất và xe của Mỹ bán ở châu Âu được giảm thuế tương tự như ở châu Âu.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Valdis Dombrovskis phụ trách thương mại cho biết: "Tất cả chúng ta đều đang trên đà phát triển tích cực và điều quan trọng là chúng ta đang hợp tác chặt chẽ giữa EU và Mỹ với tư cách là các đồng minh chiến lược, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Cũng có những lo ngại liên quan đến Đạo luật Giảm lạm phát và các điều khoản phân biệt đối xử. Về vấn đề này, chúng tôi đã thành lập nhóm chuyên trách EU- Mỹ để giải quyết những vấn đề này".
Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Séc Jozef Sikela cho rằng, không có thời hạn chót cho các cuộc đàm phán nhưng tình hình hiện tại là không thể chấp nhận được đối với châu Âu. Giới chức EU cho biết ôtô điện, pin và các sản phẩm năng lượng tái tạo của châu Âu cần được tiếp cận thị trường Mỹ giống như các sản phẩm của Canađa và Mê-hi-cô được hưởng tại thị trường Mỹ./.