Thị trường ô tô đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Những ảnh hưởng của dịch COVID-19 năm 2021 có phần phức tạp và tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội cho các hãng ô tô tại Việt Nam.

Theo thống kê từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số ô tô 11 tháng của năm 2021 mới chỉ đạt 257.390 chiếc, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này chưa cho thấy sự hồi phục của thị trường ô tô Việt Nam.

Dù số lượng xe bán ra nửa đầu năm đã tăng 40% so với cùng kì năm ngoái, nhưng thị trường những tháng thuộc nửa cuối năm liên tục gặp những khó khăn do dịch COVID-19 đã khiến doanh số cả năm bị ảnh hưởng nặng nề, các đợt giãn cách xã hội liên tiếp ở nhiều thành phố lớn ở nước ta là nguyên nhân chính cho vấn đề này.

Trong khi đó, TC Motor cũng công bố đã đạt doanh số 60.711 xe Hyundai trong 11 tháng năm 2021, giảm tới 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, VinFast cũng công bố lượng xe bán ra đạt 32.676 chiếc, tăng so với năm 2020 nhờ những ưu đãi đặc biệt và đây cũng là các “bước chân” đầu tiên của hãng trong cuộc cạnh tranh tại thị trường ô tô Việt Nam.

Qua 11 tháng năm 2021, có không ít nhà sản xuất sụt giảm doanh số mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Honda (-14%), Mitsubishi (-8%), Toyota (-7%)... Điều đó cho thấy tác động của đại dịch COVID-19 đến ngành ô tô Việt Nam rất sâu sắc, thậm chí còn khiến nhiều thương hiệu xe lao đao hơn năm ngoái.

Tuy nhiên, thị trường đang dần về đúng quỹ đạo trong một số tháng cuối năm khi hoạt động của các đại lý không bị gián đoạn. Đồng thời, năm 2021 không có nhiều ưu đãi dành cho ô tô lắp ráp trong nước nên doanh số của loại xe này đang sụt giảm, kéo theo sự tăng trưởng trở lại của ô tô nhập khẩu.

Theo thống kê từ Tổng Cục Hải quan, tính đến hết tháng 11/2021, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu vào Việt Nam đã đạt 144.971 chiếc, tăng 56,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 101.193 chiếc, tăng 47,9%; và ô tô vận tải đạt 30.996 chiếc, tăng 71,4%.

Trong đó, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan vẫn dẫn đầu với số lượng 73.838 chiếc, đạt tổng giá trị 1,37 tỷ USD; Indonesia đứng thứ hai với 42.022 chiếc, có trị giá 530 triệu USD và Trung Quốc đạt 18.408 chiếc, trị giá lên tới 694,8 triệu USD.

Sự tăng trưởng đột biến này phù hợp với lượng xe nhập khẩu tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2021. Theo đó, thống kê của VAMA cho thấy doanh số ô tô nhập khẩu trong 11 tháng năm 2021 đạt mức 114.719 chiếc, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020.

Trái lại, lượng xe lắp ráp lại giảm mạnh do chính sách hỗ trợ của chính phủ cho loại ô tô này đã không xuất hiện trong hầu hết thời gian của năm 2020. Do đó, doanh số ô tô lắp ráp tại thị trường Việt Nam chỉ đạt mức 142.671 chiếc trong 11 tháng năm 2021, giảm tới 10% so với cùng kỳ năm trước đó.

Việc số lượng xe nhập khẩu tăng mạnh trong năm 2021 phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam sau khi ưu đãi phí trước bạ hết hiệu lực từ đầu năm, khiến sức hút của ô tô lắp ráp trong nước không còn tốt như trước đó.

Tuy nhiên, với chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ trở lại dành cho loại ô tô này từ tháng 12 năm nay đến hết tháng 5/2022, nhiều dự đoán cho rằng doanh số xe lắp ráp sẽ tăng trở lại trong khoảng thời gian tới, đồng thời áp đảo xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Không quá bất ngờ khi chính sách này được chính phủ nước ta đưa ra mới đây do nhiều thông tin về việc hỗ trợ lệ phí trước bạ đã liên tục xuất hiện từ giữa năm 2021. Tuy nhiên, chính phủ quyết định thực hiện ưu đãi cho ô tô lắp ráp trong nước kéo dài qua hai năm thay vì trọn vẹn nửa cuối năm như năm 2020.

Cụ thể, Nghị định số 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã được ban hành, quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ dành cho các loại ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ bằng 50% so với trước đây, áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Trên thực tế, không ít trường hợp “dở khóc dở cười” khi người tiêu dùng đặt cọc nhưng không chịu lấy xe sớm để đợi ưu đãi đã xảy ra dịp cuối năm nay, hầu hết mọi người mua xe mới đều muốn chờ động thái từ chính phủ. Tâm lý này vô tình khiến ngày 1/12 (ngày bắt đầu áp dụng chính sách hỗ trợ) trở thành ngày “đăng ký ô tô mới”, thậm chí việc xếp hàng tại các cơ sở đăng ký xe còn kéo dài nhiều ngày tiếp theo.

Nhờ hỗ trợ từ chính phủ, người mua ô tô lắp ráp trong nước tiết kiệm được hàng chục đến hàng trăm triệu đồng lệ phí đăng ký xe mới, đặc biệt là ô tô dưới 9 chỗ ngồi. Trước đây, lệ phí trước bạ cho dòng xe này tại hầu hết các tỉnh, thành ở Việt Nam là 10% và cao nhất ở một số nơi như Hà Nội lên tới 12%. Sau khi áp dụng mức thu mới, khách hàng sẽ chỉ phải nộp lệ phí trước bạ từ 5% đến 6%; nhờ đó, họ sẽ tiết kiệm được hàng chục đến hàng trăm triệu đồng tùy loại xe.

Chính sách này không chỉ giúp người mua ô tô lắp ráp trong nước nhận được lợi ích mà những khách hàng quan tâm đến ô tô nhập khẩu cũng có thể được hưởng khi nhiều hãng xe bắt buộc phải giảm giá và đưa ra thêm các chương trình khuyến mại để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, việc tiếp tục chỉ hỗ trợ lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước khiến nhóm các công ty chuyên nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cảm thấy không công bằng. Đại diện các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam (VIVA) gồm 11 hãng đã trình lên Chính phủ ý kiến góp ý trước khi nghị định chính thức được ban hành.

Theo VIVA, “sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên tầm quốc gia này vi phạm điều III.4 của GATT mà Việt Nam đã ký kết cũng như được hưởng các lợi ích to lớn tại nước ngoài khi tất cả các điều khoản FTA đã được thực thi”.

Đồng thời, các thành viên thuộc VIVA đã cùng kiến nghị: “Các hạn chế trong bối cảnh đại dịch Covid tại Việt Nam đang được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, do đó chúng tôi đề nghị việc giảm thuế trước bạ cũng cần phải áp dụng chung cho cả CKD và CBU mà đây cũng sẽ là sự hỗ trợ cho toàn cộng đồng”.

Đây là một động thái đã từng được VIVA thực hiện vào năm 2020 trước khi có thông tin chính sách ưu đãi về lệ phí trước bạ sẽ được ban hành vào tháng 6. Tuy nhiên, cũng như trước đây, ý kiến góp ý của VIVA cũng không cho thấy hiệu quả và việc áp dụng mức giảm 50% phí trước bạ tiếp tục chỉ dành cho ô tô lắp ráp và sản xuất trong nước.

Nhiều năm gần đây, số lượng sedan bán ra tại Việt Nam đã giảm đi đáng kể, đồng thời tỷ lệ giữa sedan và SUV/crossover cũng được thu hẹp dần khoảng cách. Tuy nhiên, thống kê của VAMA cho thấy doanh số SUV/crossover tại Việt Nam đã vượt qua sedan trong 11 tháng của năm 2021, và chắc chắn sẽ tiếp tục giữ mức này cho đến khi kết thúc năm nay.

Theo đó, tổng doanh số SUV và crossover tại Việt Nam (theo thống kê của VAMA) là 74.042 chiếc, cao hơn hẳn so với con số 63.402 chiếc tổng số sedan tại Việt Nam trong 11 tháng của năm 2021.

Sự ưu ái của người tiêu dùng Việt Nam dành cho các mẫu xe SUV và crossover cũng được thể hiện qua danh sách xe bán chạy từng tháng của năm nay. Trong danh sách đó thường sẽ xuất hiện ít nhất 5 mẫu SUV/crossover với kích thước từ nhỏ đến lớn, trong khi sedan chỉ còn lại 2 hoặc 3 mẫu.

Nắm bắt được điều này, các nhà sản xuất cũng liên tục tung ra nhiều mẫu SUV và crossover cho thị trường Việt Nam. Đồng thời, họ cũng cố gắng giới thiệu thêm các mẫu xe thuộc những phân khúc nhỏ hơn để phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng Việt Nam kể cả đối với người mua xe lần đầu.

Những mẫu xe nổi bật nhất được giới thiệu trong năm 2021 này cũng là SUV cỡ nhỏ, đó chính là Kia Sonet và Toyota Raize, hai đối thủ trực tiếp, với doanh số tháng 11 vừa qua lần lượt là 189 và 829 chiếc.

Cùng với đó, các mẫu SUV vừa ra mắt năm 2020 cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ với việc liên tiếp có thứ hạng cao trong danh sách xe bán chạy qua từng tháng tại Việt Nam. Cụ thể, đó vẫn là hai đối thủ Kia Seltos và Toyota Corolla Cross, được định vị ở phân khúc ngay phía trên của Sonet và Raize.

Từ cách đây rất lâu, người tiêu dùng Việt Nam đã quá quen với việc nhìn thấy Toyota Vios đứng đầu danh sách bán chạy qua từng năm. Điều này minh chứng cho sức hút nổi bật của mẫu sedan phân khúc B với độ bền, độ tin cậy cũng như tính thanh khoản cao.

Tuy nhiên, tận dụng tốt sự chuyển dịch thị trường Việt Nam trong năm 2021 đầy khó khăn bởi COVID-19, VinFast Fadil đã liên tục ghi dấu ấn với doanh số đứng đầu top xe bán chạy hàng tháng. Và qua 11 tháng của năm 2021, có thể khẳng định chắc chắn mẫu hatchback này sẽ leo lên đứng đầu thay thế cho Toyota Vios ở bảng xếp hạng lượng xe bán ra năm nay.

Theo đó, trong 11 tháng qua, VinFast đã ghi nhận 22.375 chiếc Fadil được bán ra thị trường Việt Nam, vượt trội so với mẫu xe đứng tiếp theo, chính là Toyota Vios, với doanh số 17.133 chiếc. Việc tái chiếm vị trí dẫn đầu dường như là “nhiệm vụ bất khả thi” cho sedan của Toyota.

Để có được vị trí dẫn đầu với doanh số khủng, VinFast Fadil đã được hãng xe Việt tung rất nhiều ưu đãi lớn cho khách hàng trong giai đoạn dịch COVID-19 đang hoành hành, cùng với đó là việc hướng doanh số chủ đạo của mẫu xe này đến những thành phố ít bị ảnh hưởng bởi những đợt giãn cách xã hội liên tiếp.

Dự kiến, với chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước, chắc chắn VinFast Fadil sẽ tiếp tục thống trị bảng xếp hạng doanh số ô tô tại thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm 2022, tạo nền móng vững chắc cho các mẫu xe mới tiếp theo của VinFast.

Vào cuối tháng 3, VinFast đã chính thức mở bán mẫu xe điện đầu tiên của mình – VF e34 – tại Việt Nam, đánh dấu bước tiến mới cho ngành ô tô nước ta khi chính thức mang xu thế xe điện trên toàn cầu về Việt Nam. Và đến ngày 25/12 vừa qua, VinFast đã chính thức giao lô xe VF e34 đầu tiên đến tay khách hàng đặt trước.

Cùng với đó, hãng xe điện Việt Nam cũng hứa hẹn sẽ tung ra nhiều mẫu xe khác thuộc các phân khúc cao hơn. Ngoài ra, VinFast đã và đang “cắm cờ” sang các thị trường ô tô hàng đầu như Mỹ và châu Âu với những mẫu xe điện VF e35 và VF e36 với việc liên tiếp ra mắt và trưng bày xe tại các triển lãm như Los Angeles và CES.

Phát biểu tại buổi ra mắt hai mẫu xe trên, ông Michael Lohscheller – nguyên Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu, cho biết: “Chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng cho khách hàng cùng bứt phá giới hạn và chung tay vào cuộc cách mạng xe điện, để đẩy nhanh các giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. VinFast tin tưởng rằng ‘Tương lai của di chuyển’ sẽ là những chiếc xe điện thông minh có tính cá nhân hoá cao và được tích hợp những công nghệ vì cuộc sống, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, tạo ra trải nghiệm cầm lái vượt trội và thoải mái”.

Đối với thị trường xe điện non trẻ của Việt Nam, con đường phát triển chắc chắn còn nhiều chông gai phía trước cho VinFast. Nhằm phát triển dòng xe xanh mới này, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam nên chuẩn bị những chính sách hỗ trợ tốt nhất.

Trong một buổi hội thảo trực tuyến về vấn đề phát triển xe điện tại Việt Nam, ông Đào Công Quyết - đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nêu quan điểm: "Theo tôi, giai đoạn đầu là giai đoạn khuyến khích người sử dụng để tạo ra thị trường; đề xuất ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt cho các dòng xe HEV, BEV".

Đồng thời, ông cũng khẳng định: "VAMA có đề xuất miễn luôn toàn bộ lệ phí trước bạ càng sớm càng tốt; Đồng thời chúng tôi cũng đề xuất miễn luôn cả phí đậu xe".

Cũng trong buổi hội thảo này, bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin VinFast, cho biết: "VinFast đang tiên phong trong việc kiến tạo hệ sinh thái di chuyển xanh, thông minh và sẵn sàng vươn ra toàn cầu. VinFast cũng chuẩn bị ra mắt dòng xe VF e34, e35 và e36 như đã truyền thông. Và tiếp sau sẽ là các dòng xe VF e33, e32. Chúng tôi cũng đồng thời có các xe bus điện, bắt đầu chạy trên thị trường Việt Nam từ tháng 4/2021. Song song với việc phát triển phương tiện, chúng tôi cũng đã phát triển hệ thống trạm sạc, xưởng dịch vụ và trong đó có dịch vụ mới là cho thuê pin xe điện".

Những bước tiến vững chắc của VinFast trong ngành xe điện giúp cụ thể hóa ước mơ làm chủ công nghệ của Việt Nam trong ngành ô tô, đồng thời tạo dựng nên những nền tảng vững chắc để vươn ra toàn cầu. Trong năm 2022, chắc chắn VinFast sẽ còn đưa ra nhiều chiến lược mới cũng như bước tiến mạnh mẽ để phát triển dòng xe xanh tại nước ta./.

Thứ Hai, 07:00, 03/01/2022