Cần làm gì với xe máy "đắp chiếu" lâu ngày?
VOV.VN - Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, hoặc sau một thời gian dài không sử dụng, nhiều người sử dụng xe máy sẽ thường gặp phải hiện tượng không thể khởi động được.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên trong thời gian qua, nhiều địa phương đã phải áp dụng lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để kiểm soạt dịch bệnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu đi lại và sử dụng các phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô… của người dân giảm đi. Có nhiều gia đình chia sẻ, họ để xe máy cả tháng nay không đi tới.
Tuy nhiên, điều này vô tình đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến cơ chế hoạt động và các chi tiết của xe, đặc biệt là phần máy. Và tình trạng mà nhiều người gặp phải là chiếc xe máy của mình không thể khởi động lại.
Anh Nguyễn Trung Hiếu – thợ sửa xe máy lâu năm ở Hà Nội cho biết, xe máy cũng như ô tô, mọi thứ đều cần phải được chăm sóc, bảo dưỡng và hoạt động thường xuyên thì mới bền và ổn định.
Vì vậy, dù đi hay không đi tới thì bạn cũng phải thường xuyên kiểm tra, khởi động xe và bảo dưỡng định kỳ giúp xe có được tình trạng ổn định. Còn trong trường hợp không may, xe không thể khởi động được sau nhiều ngày không đi thì chúng ta hãy bình tĩnh và tìm cách khắc phục.
Cụ thể, theo anh Hiếu chia sẻ, những xe để lâu ngày không thể khởi động được thường là do xăng lắng đọng trong kim phun hoặc chế hòa khí, buồng đốt động cơ không có đủ không khí, bơm xăng bị hụt, hết ắc-quy… Thường thì bộ chế hòa khí chiếm đến 80% nguyên nhân gây ra hiện tượng này và chủ yếu là ở các loại xe sử dụng bộ chế hòa khí cũ. Đối với các dòng xe đời mới sử dụng bộ phun xăng điện tử thì ít bị tình trạng này hơn.
Vậy để khắc phục tình trạng này thì anh Đào Anh Tuấn – kỹ thuật viên của một đại lý xe Honda (Hà Nội) cho biết, nếu xe bạn là xe số, sử dụng chế hòa khí và có cần đạp thì chỉ cần kiểm tra các công tắc đèn, xi nhan đều tắt hết, nhằm tiết kiệm điện cho ắc quy khi khởi động.
Sau đó để chìa khóa ở vị trí tắt (off), kéo cần gạt gió (air gió hoặc le gió) sang trái hết cỡ rồi đạp cần khởi động khoảng 5 - 10 lần giúp đưa thêm không khí vào buồng đốt vừa khuấy dầu bôi trơn lắng dưới các-te bôi trơn các chi tiết bên trong động cơ.
Sau khi đã đạp khởi động như vậy, chúng ta bắt đầu đóng cần gạt gió lại và mở chìa khóa điện rồi đạp khởi động là tốt nhất hoặc đề nổ. Nếu vẫn khó nổ, bạn có thể mở cần gạt gió và khởi động để tạo hỗn hợp hòa khí (không khí và nhiên liệu) có tỷ lệ xăng nhiều hơn, giúp động cơ dễ khởi động hơn.
Còn đối với những mẫu xe tay ga sử dụng kim phun xăng điện tử chỉ còn cách là đạp cần khởi động thay vì đề. Dựng chân chống giữa lên rồi hãy đạp khởi động, vì nếu bạn để chân chống nghiêng sẽ có nguy cơ bị mất kiểm soát khi xe nổ được máy.
Còn đối với những mẫu xe ga không có cần đạp khởi động thì bạn hãy bật chìa khóa điện lên và đợi đèn check engine bật sáng rồi tắt (đây là lúc xăng được bơm vào kim phun trước khi khởi động). Mọi người nên thực hiện thao tác này vài lần rồi hãy đề để đảm bảo hiệu quả hơn.
Lưu ý, khi đề nổ hay đạp nổ chúng ta chỉ vặn ga vừa phải để xăng xuống vừa đủ. Nhiều người không biết, cứ vặn kịch ga, xăng xuống nhiều lại gây hiện tượng ngộp xăng và càng khó nổ hơn. Đồng thời, thời gian tối đa cho mỗi lần đề là 2 giây và giữa 2 lần đề liên tiếp là 10 giây, nếu bạn giữ đề lâu sẽ có thể gây chập củ đề và hỏng ắc quy.
Ngoài ra, để tăng hiệu quả hơn cho việc khởi động xe thì chúng ta có thể xả xăng cũ và cặn trong bộ chế hòa khí trước khi khởi động.
Cụ thể, ở bình xăng con có một cái khóa, gạt nó về vị trí off (khóa). Khóa xăng để đảm bảo xăng từ bình xăng lớn không tiếp tục chảy xuống bình xăng con nữa. Sau đó chúng ta dùng tuốc-nơ-vít vặn ốc xả xăng trên bình xăng con ra (ốc này nằm ở vị trí thấp nhất). Mục đích của tháo xăng sẽ giúp loại bỏ xăng thừa, bị cặn ra khỏi bình xăng con. Sau đó mở lại khóa để xăng mới có chất lượng tốt hơn từ bình lớn chảy xuống bình xăng con.
Trong trường hợp thử các cách trên thì ta có thể kiểm tra bu-gi và ắc-quy. Vì để lâu, bu-gi bị ẩm ướt cũng sẽ khiến xe khó khởi động; và ắc quy bị yếu hay hết điện cũng không thể khởi động.
Cách kiểm tra đơn giản nhất để xem ắc-quy có bị yếu hay không là qua đèn, còi xe… Nếu trường hợp xe bị yếu hay hết ắc-quy thì chúng ta có thể mượn bộ sạc để tự sạc hoặc mượn tạm một chiếc bình ắc-quy của xe khác có cùng dòng điện lắp vào xe của mình đề nổ. Sau khi nổ được máy hãy tháo bình ắc-quy mượn ra và lắp lại bình cũ của mình để nạp điện trong lúc xe nổ máy.
Tuy nhiên, theo anh Đào Tuấn Anh - kỹ thuật viên của một đại lý xe Honda (Hà Nội), sau khi đã khởi động được xe, thì bạn nên để xe hoạt động không tải một lúc rồi hãy đi để giúp các chi tiết máy được bôi trơn và làm nóng. Sau đó, khi có điều kiện, thời gian chúng ta cũng nên đem xe đi kiểm tra và bảo dưỡng tại các cửa hàng để đảm bảo mọi bộ phận, chi tiết hoạt động ở tình trạng tốt nhất.
Ngoài ra, trong trường hợp bạn phải để xe lâu ngày không sử dụng, thì kỹ thuật viên Tuấn Anh khuyên mọi người hãy đổ đầy xăng trước khi cất xe để tránh không khí, hơi ẩm làm gỉ sét bình xăng. Khóa xăng lại để tránh xăng không chảy vào bộ chế hòa khí. Bạn cũng có thể xả xăng trong bộ chế hòa khí ra để tránh bị cặn sau này.
Đồng thời bạn nên kiểm tra đã tắt hết các công tắc điện – đèn, xi nhan…, và nên nổ máy xe 1 lần/tuần, rồi cho xe hoạt động một lúc để các chi tiết được bôi trơn và ngăn đóng cặn, rỉ sét. Nếu cẩn thận hơn, mọi người cũng có thể tháo bình ắc quy và cất đi khi nào sử dụng trở lại thì lắp vào./.