Thay đèn, nâng cấp mặt ca-lăng ô tô được đăng kiểm bình thường
VOV.VN - Tới đây, thay thế bóng đèn thuộc cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng bóng đèn loại khác có công suất tiêu thụ điện tương đương mà không cần phải can thiệp, thay đổi kết cấu của cụm đèn; Thay đổi về kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như: Lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió xe ô tô vẫn được đăng kiểm.
Việc đăng kiểm ô tô tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới là một quy trình bắt buộc đối với chủ hữu xe để được lưu hành hợp pháp. Qua việc đăng kiểm, kiểm tra định kỳ sẽ đánh giá được chất lượng về an toàn kỹ thuật và mức độ bảo vệ môi trường. Những xe không đăng kiểm hoặc quá hạn đăng kiểm mà vẫn lưu thông trên đường có thể bị phạt tiền từ 2-6 triệu đồng, chủ xe có thể đối diện mức xử phạt hành chính cao nhất lên tới 16 triệu đồng.
Những tháng đầu năm 2023, một số bất cập hạn chế diễn ra trong công tác đăng kiểm xe khiến việc đăng kiểm được siết chặt hơn. Nhiều trường hợp bị từ chối đăng kiểm là do chủ xe độ mặt ca lăng, logo, lắp thêm cản trước, cản sau, giá nóc, độ đèn xe, lắp thêm ghế, thay đổi màu sơn, thay đổi kết cấu xe,…
Một số người thắc mắc việc độ mặt ca-lăng hay logo chỉ mang tính chất thẩm mỹ, không ảnh hưởng đến yếu tố an toàn kỹ thuật của xe, vậy tại sao lại bị trượt đăng kiểm?
Để gỡ bỏ nút thắt này, ngày 29/12/2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư 43 sửa đổi Thông tư 85 năm 2014 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Thông tư 42/ năm 2018 và Thông tư 16 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm.
Cụ thể, Thông tư 43 đã bổ sung sửa đổi một số điều tại Thông tư 85 năm 2014, một số trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không được coi là cải tạo, bao gồm:
- Thay đổi cửa lên xuống khoang hành khách (không bao gồm thay đổi vị trí và kích thước cửa);
- Thay đổi một số kết cấu thùng chở hàng như: Bịt kín hoặc thay đổi kết cấu cánh cửa thùng hàng; thay thế tôn bọc dạng phẳng thành dạng sóng hoặc ngược lại; bọc thêm tôn phần khung mui của xe mui phủ không làm tăng chiều cao thành thùng hàng; lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp chắn bụi cho thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ;
- Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của xe ô tô Pickup (bán tải) nhưng không làm thay đổi kích thước lòng thùng hàng và kích thước bao của xe;
- Lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời;
- Thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, QCVN 35:2017/BGTVT mà không cần phải gia công thay đổi kết cấu của xe để đảm bảo việc lắp đặt;
- Thay thế bóng đèn thuộc cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng bóng đèn loại khác có công suất tiêu thụ điện tương đương mà không cần phải can thiệp, thay đổi kết cấu của cụm đèn;
- Thay đổi các chi tiết, bộ phận thân vỏ là tùy chọn của nhà sản xuất xe nhưng không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư 85/2014 của BGTVT. Việc lắp đặt thực hiện theo khuyến cáo của nhà sản xuất xe hoặc đại diện được ủy quyền hợp pháp của nhà sản xuất xe;
- Thay đổi về kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như: lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió;
- Lắp đặt thêm mui gió trên nóc ca bin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe.
Thông tư 43/2023 cũng đã quy định rõ các trường hợp xe cơ giới thay đổi so với khi xuất xưởng nhưng những thay đổi đó chỉ liên quan đến nội thất và tính tiện nghi, không liên quan đến an toàn thì không bị coi là cải tạo xe cơ giới.
Theo đó, có thể hiểu: Việc thay đổi các hạng mục của các xe cơ giới, ví dụ như thay cả cụm đèn bằng loại đèn khác chủng loại, thay mặt ca-lăng, lắp thêm đèn sương mù,...mà không làm thay đổi kết cấu xe và đáp ứng yêu cầu theo các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia tương ứng thì sẽ được kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Thông tư 43 của Bộ GTVT cũng bổ sung thêm quy định nhằm gắn trách nhiệm đối với cơ sở cải tạo. Theo đó các sơ sở cải tạo xe phải đảm bảo:
- Thực hiện cải tạo xe cơ giới theo đúng thiết kế đã được thẩm định, bảo đảm xe cơ giới sau cải tạo phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại Thông tư này.
- Chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng của các linh kiện, tổng thành, vật tư thi công cải tạo.
- Chịu trách nhiệm về việc kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe cơ giới cải tạo và lập Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Thông tư này.
- Chịu trách nhiệm về tính chính xác của các hồ sơ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Thông tư này để cung cấp cho chủ phương tiện thực hiện việc nộp hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo cho cơ quan nghiệm thu.
- Sử dụng kết quả cân khối lượng phương tiện phân bố trên từng trục của đơn vị có chức năng cân khối lượng theo quy định về pháp luật đo lường hoặc do cơ sở cải tạo tự trang bị thiết bị cân đáp ứng quy định về pháp luật đo lường
Thông tư 43/2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2024.