Lan tỏa cảm hứng khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên

VOV.VN - Tại thành phố Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đang phối hợp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023”

 

 

Từ ý tưởng khai thác bèo lục bình trên các sông ở tỉnh Thừa Thiên Huế làm nguyên liệu chế tác quà lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cải thiện sinh kế cho phụ nữ nông thôn, Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) đã nghiên cứu và hợp tác các đơn vị, cá nhân có kinh nghiệm tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Những nỗ lực này được ghi nhận khi dự án của các bạn lọt vào vòng chung kết Ngày hội khởi nghiệp học sinh sinh viên lần thứ V năm 2023 được tổ chức tại thành phố Huế.

Sinh viên Trần Lê Phước Hà, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế cho biết: “Đến với dự án khởi nghiệp lần này, bên cạnh mong muốn khắc phục và giải quyết những vấn đề môi trường đang hiện hữu tại thành phố Huế thì chúng em có khát khao nhiều hơn trong việc đưa những hình ảnh của sinh viên Đại học Kinh tế Huế nói riêng và của cả Đại học Huế nói chung, đầy năng động, nhiệt huyết, dám thử thách và đón nhận những cơ hội mới. Nhóm chúng em xác định hướng đến chính là lan tỏa được cảm hứng khởi nghiệp cũng như là bảo vệ môi trường của mình đến các bạn trẻ ở đây.”

 

Nhiều học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học trong cả nước ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp của mình bằng cách tham gia vào những talkshow trò chuyện về sáng tạo khởi nghiệp. Những câu chuyện truyền cảm hứng được chia sẻ từ trải nghiệm của những người đi trước, góp phần giúp các bạn học sinh, sinh viên có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm.

Đến với ngày hội, nhóm học sinh Lớp 11 chuyên Tin trường THPT Amsterdam (Hà Nội) với đề tài “Xây dựng nền tảng kết nối người nhà bệnh nhân bị đột quỵ và người có chuyên môn chăm sóc” đã để lại nhiều ấn tượng. Dự án xây dựng nền tảng công nghệ thông tin qua hệ thống Website, App và cơ sở dữ liệu kết nối bệnh nhân đột quỵ và người có chuyên môn chăm sóc. Hiện trên cả nước mỗi năm có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ và dự án này khi được triển khai sẽ tạo ra giá trị lớn về mặt tác động xã hội.

Em Nguyễn Chu Việt Tiến, lớp 11 chuyên Tin, Trường THPT Amsterdam, Hà Nội cho biết: “Dịch vụ này hiện tại chưa có trên thị trường Việt Nam, mới chỉ có một số dịch vụ, nền tảng quảng cáo, chăm sóc tại nhà một số cơ sở y tế tư nhân. Thứ hai, sản phẩm của chúng em cho ra cơ sở dữ liệu của người dùng là hoàn toàn chính xác. Người dùng có thể kết nối với người phù hợp một cách nhanh chóng và hiệu quả với phạm vi rộng lớn”.

 Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp, Đại học Huế đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ sinh viên trong quá trình khởi nghiệp; đổi mới, sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực; ươm mầm cho các ý tưởng kinh doanh với những giải pháp tiềm năng. Tiến sĩ Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế cho biết: Điều quan trọng là các bạn có được sự hướng dẫn cần thiết và quyết tâm theo đuổi đến cùng đam mê của mình.

“Đại học Huế cụ thể hóa trong các chính sách hỗ trợ và trong những chương trình để tạo cho sinh viên, học sinh có cơ hội khởi nghiệp. Không chỉ đưa vào trong chương trình đào tạo chính quy và những học phần khởi nghiệp, chúng tôi còn tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp. Tạo điều kiện tối đa cho sinh viên có được điều kiện được tiếp xúc với các nhà đầu tư, các quỹ đổi mới sáng tạo”- Tiến sĩ Đỗ Thị Xuân Dung cho hay.

 Sau 4 lần tổ chức, SV_STARTUP đã thu hút hơn 20.000 người tham dự với hơn 2500 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của các học sinh sinh viên, 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử.

Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban chỉ đạo “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V” cho rằng, đây là cơ hội để học sinh, sinh viên được giao lưu, trao đổi và học hỏi với các diễn giả, chuyên gia từ nhiều ngành nghề khác nhau, từ đó thấu hiểu hơn về tinh thần khởi nghiệp, được hỗ trợ và tạo động lực hiện thực hoá giấc mơ khởi nghiệp.

 “Ngày hội khởi nghiệp lần thứ 5 của học sinh, sinh viên năm nay, chọn ra 80 dự án của các em, trong đó, có 50 dự án của sinh viên, 30 dự án của học sinh. Đặc biệt, các em được kết nối với các doanh nghiệp, các đơn vị có thể hỗ trợ các em, để những dự án của các em được đưa vào sản xuất chính thức”- bà Ngô Thị Minh nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: SV-STARTUP sẽ khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: SV-STARTUP sẽ khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

VOV.VN - Ngày hội SV-STARTUP không phải là tạo ra nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp mà là trang bị kiến thức cho HSSV để sẵn sàng khởi nghiệp trong tương lai.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: SV-STARTUP sẽ khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: SV-STARTUP sẽ khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

VOV.VN - Ngày hội SV-STARTUP không phải là tạo ra nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp mà là trang bị kiến thức cho HSSV để sẵn sàng khởi nghiệp trong tương lai.

Dự án của học sinh Quảng Ninh xuất sắc lọt chung kết SV-STARTUP 2019
Dự án của học sinh Quảng Ninh xuất sắc lọt chung kết SV-STARTUP 2019

VOV.VN - SV-STARTUP 2019 thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp của 20 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước.

Dự án của học sinh Quảng Ninh xuất sắc lọt chung kết SV-STARTUP 2019

Dự án của học sinh Quảng Ninh xuất sắc lọt chung kết SV-STARTUP 2019

VOV.VN - SV-STARTUP 2019 thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp của 20 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước.