Chủ tịch Quốc hội: Nguồn đại biểu Quốc hội đang được chuẩn bị bài bản

VOV.VN - Công tác đại biểu phải được quan tâm hàng đầu vì đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội. Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là hết sức quan tâm chăm lo quy hoạch, xây dựng đội ngũ đại biểu Quốc hội cho khoá sau, nhất là đại biểu hoạt động chuyên trách.

Quốc hội khóa XV tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong tưu duy và cách làm và để lại nhiều dấu ấn tích cực cả trong công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vân đề quan trọng của đất nước. Thành công đó được hội tụ bởi nhiều yếu tố, nhất là phát huy cao trí tuệ tập thể, “sẵn sàng tâm thế biến những điều bất thường trở thành bình thường để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống”, “không có bất cứ việc gì bị chậm trễ ở Quốc hội, cơ quan của Quốc hội”. 

Ngày lễ không ngơi việc, đêm khuya vẫn sáng đèn

Nhìn lại hơn một năm qua, có thể thấy Quốc hội khóa XV đã hoành thành một khối lượng công việc rất lớn và lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ. Ngoài 2 kỳ họp thường kỳ, Quốc hội còn tiến hành 3 kỳ họp bất thường trong năm 2023 và 1 kỳ họp bất thường đầu năm 2024 để quyết định nhiều vấn đề cấp bách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài 12 phiên họp thường kỳ mỗi tháng còn có những “phiên thêm”, 2 phiên chuyên đề về pháp luật. Bên cạnh đó là rất nhiều hội nghị toàn quốc để triển khai, quán triệt luật, nghị quyết, công tác giám sát… cũng như các hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Trao đổi với báo chí nhân dịp năm mới 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, chưa khi nào một năm có đến 5 kỳ họp mà kỳ nào cũng diễn ra suôn sẻ, thành công tốt đẹp. Có người hỏi rằng vì sao ngày lễ, thậm chí ngày Tết mà Quốc hội vẫn làm việc, đêm khuya vẫn sáng đèn? Song, với khối lượng công việc như vậy mà không như thế thì làm sao đáp ứng được yêu cầu. Bình thường mỗi năm 2 kỳ họp, để đảm bảo nâng cao được chất lượng, hiệu quả đã phải cố gắng gấp bội rồi, trong khi khối lượng công việc như năm 2023 nhiều đến gấp 3.

“Bản thân lãnh đạo Quốc hội không muốn vất vả như thế và cũng không muốn đại biểu Quốc hội, cán bộ, người lao động của Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban vất vả như thế, thức đêm thức hôm như vậy. Bấy nhiêu con người đó thôi mà làm được như thế là phải rất nỗ lực, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu”– ông Vương Đình Huệ nói.

Còn nhớ, phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vào tháng 1/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nói: “Với việc tổ chức thành công kỳ họp, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội, nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn”. Thực tế cho thấy dự báo đó hoàn toàn trở thành sự thật khi Quốc hội đã tiến hành tới 4 kỳ họp bất thường, trong đó có 3 kỳ họp trong năm 2023. Bởi, “yêu cầu cuộc sống thì phải làm thôi. Quốc hội không chỉ phải phấn đấu ngày càng chuyên nghiệp, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền mà còn phải rất linh hoạt, bám sát hơi thở cuộc sống và tình hình thực tiễn của đất nước”.

Chính vì vậy, trong cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội với Đoàn Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 (tháng 12/2023), nhiều Đại sứ cho biết, các nước đánh giá rất cao vị thế và uy tín của Việt Nam, trong đó có vai trò của Quốc hội Việt Nam, nhất là sự năng động, luôn tìm tòi đổi mới để đồng hành với Chính phủ, chia sẻ với người dân, doanh nghiệp.

“Chúng tôi cũng rất vui là công việc nặng nề, vất vả nhưng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, thành viên các ủy ban của Quốc hội không những không phàn nàn mà thậm chí còn rất hứng khởi vì có cơ hội cống hiến, đóng góp. Đó là điều quý nhất toát lên từ mỗi cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội cho đến đại biểu Quốc hội, dù chuyên trách hay không chuyên trách. Cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương. Tất cả đều phải quay như guồng chứ một mình Quốc hội cũng không làm được. Qua thời gian, công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ, đồng hành và suôn sẻ hơn” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ.

Hoạt động nghị trường sôi động với số lượng phiên làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp “lập kỷ lục” so với những năm trước đây. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, bên cạnh tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của Quốc hội thì cơ quan dân cử ngày càng phải tăng cường tương tác cũng như để cử tri và nhân dân giám sát hoạt động Quốc hội và đại biểu do mình bầu ra.

“Nhà báo hỏi tôi có lo ngại sự cố gì không khi tăng cường phát trực tiếp các phiên làm việc, trong đó có những nội dung tương đối nhạy cảm. Cá nhân tôi không có ngại gì chuyên này cả, chỉ có việc cần thiết hay không cần thiết mà thôi. Chỉ lo lắng rằng có làm thất vọng cử tri, nhân dân hay không, ví dụ tổ chức một phiên trực tiếp mà số lượng đăng ký phát biểu ít quá. Nhưng thực tế không có chuyện đó, thậm chí thời gian bố trí không đủ cho số đại biểu đăng ký phát biểu” – ông Vương Đình Huệ nói.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người “đứng mũi chịu sào” thường phải va đập, cọ xát. “Tôi thường hay nói tính tôi ưu điểm là thẳng thắn, cầu toàn nhưng nhược điểm lại thẳng thắn quá và cầu toàn quá. Giữa được việc và không mất lòng, tôi xin chọn được việc, sau đó được cảm thông cho thì tốt, nếu không cũng đành chịu. Mình vì việc chung thôi!”.

Nhiều nhân sự “tinh hoa” được giới thiệu cho Quốc hội

Chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội được thể hiện và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là chất lượng của các kỳ họp - phương thức hoạt động chủ yếu của Quốc hội. Tiếp đó là các phiên họp và hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Ngoài ra còn hiệu quả phối hợp giữa Quốc hội nói chung với các chủ thể khác trong hệ thống chính trị.

Vai trò của đại biểu Quốc hội là rất lớn, rất quan trọng và có thể nói rằng thành quả của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cử tri, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao có đóng góp rất nổi bật của đại biểu Quốc hội. Điều rất mừng, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, là sự chủ động tham gia của đại biểu Quốc hội ngày càng tăng lên.

Có phiên thảo luận thời gian bố trí chỉ đáp ứng được 1/3, thậm chí 1/5 số đại biểu đăng ký phát biểu. Nhiều hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách có số đại biểu không chuyên trách đăng ký họp rất nhiều. Ngoài việc đại biểu muốn đóng góp về vấn đề mình quan tâm, thể hiện trách nhiệm với cử tri thì Quốc hội có phát huy tinh thần dân chủ mới có được không khí đó.

Trong công tác lập pháp, quan điểm “không có bất cứ ý kiến nào của đại biểu Quốc hội góp ý mà không được tiếp thu, giải trình” được quán triệt thực hiện cụ thể chứ không chỉ nói cho có, vì có khi những ý kiến thiểu số lại thành đa số. Như trước đây khi xem xét thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, có nội dung ban đầu rất ít đại biểu ủng hộ nhưng tỷ lệ tán thành lại cao sau quá trình xem xét, thảo luận.

“Các cơ quan báo cáo hướng tiếp thu trên cơ sở đa số ý kiến đại biểu. Tôi nói khi chưa giải quyết thấu đáo ý kiến đại biểu thì có nên hành xử như thế không? Chúng tôi tổ chức cuộc họp và mời những đại biểu ấy đến góp ý, kết quả là luật khi thông qua vừa đảm bảo được ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mở rộng dân chủ ra cả lĩnh vực doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và các chủ thể khác, nhưng vừa sát hợp tình hình, được doanh nghiệp đồng tình và đánh giá rất cao. Như thế từ ý kiến thiểu số của đại biểu Quốc hội cuối cùng thành quyết sách của Quốc hội” – ông Vương Đình Huệ dẫn chứng.

Tiếp tục đổi mới là nhu cầu của cuộc sống và trách nhiệm phải làm. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, việc kế thừa, giữ được phong độ như các khóa trước đã khó, lại còn tiếp tục đổi mới và tiến lên phía trước dù nửa bước càng khó, nhưng không được phép dừng lại. Trong đó công tác đại biểu phải được quan tâm hàng đầu vì đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng khoá này đang thực hiện là hết sức quan tâm chăm lo quy hoạch, xây dựng đội ngũ đại biểu Quốc hội cho khoá sau, nhất là đại biểu hoạt động chuyên trách.

Ông Vương Đình Huệ thông tin, cơ quan có thẩm quyền cho khóa XV 133 đại biểu chuyên trách nhưng chuẩn bị không đủ số lượng, chưa kể một số không trúng cử. Do đó, năm 2023, lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội đề nghị tất cả các đảng đoàn, ban cán sự Đảng, cơ quan Trung ương và tỉnh uỷ, thành uỷ giới thiệu nhân sự cho Quốc hội vào các chức danh đại biểu chuyên trách, uỷ viên chuyên trách, ủy viên thường trực, chức danh lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội. Kết quả ngoài mong đợi khi có 1.000 nhân sự được giới thiệu, qua sàng lọc đã lựa chọn 300 người để bổ sung vào nguồn quy hoạch đại biểu Quốc hội khoá XVI.

“1.000 nhân sự được giới thiệu đều là “tinh hoa”, có số đang là đại biểu đương chức, nhất là các phó đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, rồi nhiều lãnh đạo, kể cả cấp thứ trưởng. Nguồn đại biểu Quốc hội đang được chuẩn bị bài bản, theo hướng tăng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Khoá này đã tốt rồi thì khoá sau phải chu đáo, đầy đủ hơn. Chất lượng đại biểu quyết định chất lượng hoạt động Quốc hội, làm sao phát huy, mở rộng dân chủ đi đôi với tăng tính pháp quyền” – ông Vương Đình Huệ nói.

Đánh giá chung chất lượng đại biểu ngày càng được nâng lên, phát huy tốt vai trò, trí tuệ, trách nhiệm, xây dựng. Song, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, đánh giá chính xác nhất phải từ chính cử tri và người dân. Và Quốc hội nói chung, đại biểu Quốc hội nói riêng sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng để nhận được sự ghi nhận đó, đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

“Lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một hình thức trong công tác cán bộ, không phải là kênh duy nhất và không phải là chìa khóa vạn năng; chủ yếu qua đó tự soi, tự sửa là chính. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh tại Kỳ họp thứ 6 và lấy phiếu tín nhiệm 61 chức danh tại Đảng đoàn Quốc hội đều rất tốt. Điều đó cho thấy sự ghi nhận đối với những cố gắng, nỗ lực của tất cả các cơ quan, bởi nếu không có nỗ lực, cố gắng thì làm sao đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức để có kết quả như bây giờ. Ngồi đây chúng ta thấy bình thường nhưng đi các nước, qua thái độ của họ đối với Việt Nam mới thấy thành tựu đất nước mình vừa qua là rất lớn”

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2023
10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2023

VOV.VN - Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2024) và nhân dịp năm mới 2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2023.

10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2023

10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2023

VOV.VN - Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2024) và nhân dịp năm mới 2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2023.

Quốc hội tiếp tục ghi dấu ấn với những quyết sách “lần đầu tiên”
Quốc hội tiếp tục ghi dấu ấn với những quyết sách “lần đầu tiên”

VOV.VN - Quốc hội khóa XV trong năm 2023 tiếp tục thể hiện tinh thần “đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cách làm” như lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và để lại nhiều dấu ấn tích cực cả trong công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Quốc hội tiếp tục ghi dấu ấn với những quyết sách “lần đầu tiên”

Quốc hội tiếp tục ghi dấu ấn với những quyết sách “lần đầu tiên”

VOV.VN - Quốc hội khóa XV trong năm 2023 tiếp tục thể hiện tinh thần “đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cách làm” như lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và để lại nhiều dấu ấn tích cực cả trong công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.