Những đại gia Việt chơi siêu xe “khét tiếng“
Hơn 10 năm qua, các đại gia Việt nhập về hàng trăm chiếc siêu xe đắt tiền đủ chủng loại. Bản đắt nhất có giá gần 4 triệu USD.
Siêu xe là thú chơi xa xỉ của giới nhà giàu. Những chiếc xe trang bị động cơ công suất lớn, chất liệu đắt tiền bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên sau chiến tranh thế giới thứ II, thuật ngữ “supercar” (siêu xe) mới bắt đầu được sử dụng. Khái niệm này được dùng để miêu tả những chiếc xe rất đắt tiền, chạy nhanh và động cơ đặt giữa.
Thời kỳ sơ khai
Siêu xe đặt chân tới Việt Nam khá muộn màng. Tháng 8/2006, siêu xe đầu tiên đặt chân tới Việt Nam là Aston Martin Vanquish. Sự có mặt của Vanquish vào thời điểm bấy giờ khiến không ít dân chơi bất ngờ bởi mức giá xe tại Anh quốc lên tới 230.000 USD. Chiếc xe này ra biển trắng và nộp thuế đầy đủ nên giá trị lên tới 700.000 USD. Vanquish đến Việt Nam khá kín tiếng, không ai biết chủ nhân thực sự của chiếc xe này là ai.
Aston Martin Vanquish, siêu xe đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Otofun. |
Sau Vanquish, phong trào chơi siêu xe tại Việt Nam bắt đầu sôi động vào năm 2007, khi Cường Đô La công khai sở hữu chiếc Lamborghini Gallardo đầu tiên tại Việt Nam.
Ngày 7/5/2007, chiếc Gallardo màu vàng được quá cảnh từ Hà Nội và TP HCM và gửi tại hầm khách sạn, bởi biệt thự của Quốc Cường trên đường Trần Quốc Thảo có tầng hầm quá sâu, không phù hợp với siêu xe.
Chiếc Gallardo của Cường là xe cũ, vì vậy chịu thuế suất khá thấp, chỉ khoảng 1,1 tỷ đồng. Sau Gallardo của Cường Đô La, hàng loạt đại gia khác cũng thi nhau nhập những siêu xe, xe siêu sang đắt tiền về Việt Nam.
Lamborghini Gallardo đầu tiên Việt Nam của Cường Đô La. |
2007 là năm đáng nhớ đối với những người mê xe tại Việt Nam. Đây là thời điểm thị trường chứng khoán phát triển sôi động, bất động sản gây “sốt”, vì vậy xuất hiện nhiều người giàu chỉ sau một đêm. Sự gia tăng kích cỡ túi tiền quá nhanh khiến nhiều người tìm cách tiêu xài, và siêu xe là một trong những mặt hàng xa xỉ đầu tiên những người này nghĩ tới.
Bên cạnh việc kinh tế phát triển quá nhanh, mức thuế thấp cũng là nguyên nhân khiến siêu xe đổ dồn về mảnh đất hình chữ S. Nếu nhập khẩu xe cũ, người mua xe chỉ phải nộp một khoản thuế tuyệt đối theo dung tích xi-lanh, thường khá thấp so với giá trị siêu xe. Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ 50%.
Ở thời điểm bấy giờ, ngoài Cường Đô La, một thiếu gia chơi xe bậc nhất đất Sài Gòn phải kể đến là Chí Vỹ (biệt danh Cu Way). Sinh ra trong gia đình giàu có, truyền thống kinh doanh nhựa, Chí Vỹ dễ dàng sắm cho mình những chiếc xe thời thượng như Ferrari F430 và Lamborghini Gallardo SE.
Ngoài những thiếu gia gắn liền với siêu xe tốc độ, các đại gia Việt thời đó chuộng Rolls-Royce, Maybach và Bentley. Tuy nhiên, gây ấn tượng nhất trong giới chơi xe thời đó phải kể đến nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp, người đầu tiên sở hữu Rolls-Royce bespoke tại Việt Nam.
Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp cùng chiếc Rolls-Royce chính hãng đầu tiên. |
Chiếc Rolls-Royce Phantom màu xanh của bà Diệp được nhập về Việt Nam vào 1/2008. Chỉ riêng tiền vận chuyển bằng máy bay đã tốn 10.000 USD. Tổng giá trị xe tại Việt Nam khoảng 1,3 triệu USD, (khoảng 26 tỷ đồng vào năm 2008), bao gồm 496.360 USD giá xuất xưởng chiếc xe, thuế nhập khẩu và trước bạ 882.092 USD.
Chiếc Rolls-Royce của đại gia Bạch Diệp nắm giữ kỷ lục xe đắt nhất Việt Nam trong một thời gian dài, trước khi thiếu gia Phạm Trần Nhật Minh (Minh Nhựa) vung tiền mua hai siêu xe Lamborghini Murcielago LP670 SV năm 2010 và Bugatti Veyron vào năm 2012.
Trước năm 2010, không nhiều người biết đến Minh Nhựa, tuy nhiên hiện nay, rất ít người không biết thiếu gia này. Từ những phi vụ vung tiền mua siêu xe triệu đô dễ như đi chợ khiến tên tuổi thiếu gia này dần vượt mặt Cường Đô La.
Dàn siêu xe của thiếu gia Minh Nhựa. Ảnh: TNTBros. |
Minh Nhựa là người thứ 2 sở hữu Lamborghini Aventador, ước tính trị giá trên 1 triệu USD, người duy nhất Việt Nam sở hữu Lamborghini Murcielago LP670 SV trị giá 1,3 triệu USD và đồng thời là chủ nhân của chiếc Bugatti Veyron trị giá 1,3 triệu USD trước thuế. Tổng giá trị dàn xe thiếu gia này sở hữu lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Giữa năm 2016, dân chơi xe rộ tin đồn Minh Nhựa sẽ tậu Pagani Huayra trị giá lên tới 78 tỷ đồng tại Việt Nam. Tuy nhiên đến thời điểm này vụ mua bán vẫn chưa được công khai và chưa có thêm thông tin gì về chiếc xe này
Phong cách chơi xe của đại gia Việt
Sau năm 2013, kinh tế bắt đầu hồi phục là lúc siêu xe bắt đầu lác đác quay trở lại Việt Nam. Thời kỳ này bắt đầu xuất hiện những kỷ lục mới trong thế giới xe tại Việt Nam. Các đại gia Việt dường như đã biết ăn chơi hơn, công phu hơn khi chọn xe. Điển hình là sự xuất hiện của một số đại lý siêu xe được ủy quyền chính hãng như Rolls-Royce Motor Cars Hà Nội, Bentley và Lamborghini chính hãng.
Rolls-Royce Phantom Lửa Thiêng trên đường Hà Nội. Ảnh: ICTNews. |
Chiếc Rolls-Royce Phantom được đặt hàng thứ 2 tại Việt Nam tên là Mặt trời phương Đông trị giá 43 tỷ về tay “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản, chủ hệ thống khách sạn và chung cư giá rẻ Mường Thanh.
Cuối năm 2015, chiếc Rolls-Royce Lửa Thiêng có giá bán lên tới 50 tỷ đồng về tay một đại gia Hà Nội, và mới đây nhất, Roll-Royce Phantom "Hòa bình và Vinh Quang" với trị giá lên tới 83 tỷ đồng cũng đã được một đại gia Việt đặt mua.
Trong số những người chơi siêu xe nổi tiếng tại Việt Nam, có một đại gia kinh doanh trong ngành hàng cà phê khiến những tay chơi hàng đầu khu vực cũng phải kiêng nể. Đại gia này có sở thích đặc biệt, mua siêu xe và sơn trắng tất cả. Hiện nay trong bộ sưu tập của vị đại gia này lên tới vài chục chiếc siêu xe đủ chủng loại, trong đó nhiều nhất là Ferrari (khoảng 6 chiếc).
Một buổi offline siêu xe của các đại gia Sài Gòn. Ảnh: Minh Anh. |
Siêu xe thời khủng hoảng
Phong trào chơi siêu xe Việt Nam được xem như phong vũ biểu của nền kinh tế đất nước. Những thời điểm kinh tế hưng thịnh, số lượng siêu xe cập bến nhiều không đếm xuể. Tuy nhiên cũng có giai đoạn, người ta không còn nghe nói tới siêu xe.
Năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu bắt đầu ảnh hưởng tới Việt Nam. Khoảng từ năm 2009 -2013, tình trạng bong bóng bất động sản vỡ khiến các công ty địa ốc lao đao. Thiếu gia Quốc Cường nổi danh một thời cũng phải tạm xa thú chơi siêu xe tốn kém bởi kết quả kinh doanh liên tục lao dốc.
Nhiều đại gia bán vội siêu xe, dồn tiền trả nợ. Điển hình là đại gia thủy sản Diệu Hiền phải bán chiếc Rolls-Royce Phantom biển tứ quý. Cuối năm 2015, chiếc Rolls-Royce từng là biểu tượng quyền uy của nữ đại gia được rao bán ở một chợ xe cũ ven quốc lộ 13 (TP HCM).
Xe sang Rolls-Royce Phantom của nữ đại gia Diệu Hiền nằm bên cửa hàng bán xe cũ. |
Giai đoạn cuối năm 2015 – đầu 2016 được xem là thời hoàng kim nhất trong phong trào chơi siêu xe tại Việt Nam. Khái niệm “mua xe chạy thuế” được sử dụng rộng rãi. Bắt đầu từ ngày 1/7, thuế TTĐB áp dụng trên các dòng xe dung tích lớn tăng mạnh, từ 65% lên 90% đối với xe từ 3.0 đến dưới 4.0. 110% đối với xe dung tích từ 4.0 đến dưới 5.0. Xe có dung tích từ 5.0 đến dưới 6.0 sẽ phải chịu thuế 130% và cuối cùng là những siêu xe dung tích trên 6.0 sẽ phải chịu thuế suất 150%.
Rào cản thuế quan không thể ngăn chặn thú chơi siêu xe của đại gia Việt, tuy nhiên cũng khiến phong trào này đi xuống.
Trước ngày 1/7, hàng nghìn siêu xe và xe sang đắt tiền được nhập về Việt Nam, trong đó có tới 7 chiếc Aventador được nhập về, đáng kể nhất là chiếc Lamborghini Aventardo LP750 SV trị giá trên 500.000 USD tại Mỹ và Aventador độ DMC.
Ngoài ra, những thương hiệu vốn chưa từng xuất hiện tại Việt Nam như McLaren cũng được nhập về gần 10 chiếc, Ferrari 488 GTB và Lamborghini Huracan cũng trên dưới 10 chiếc mỗi loại.
Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia trong khu vực như Singapore hay Thái Lan, Malaysia, thậm chí Lào, Campuchia, số lượng siêu xe tại Việt Nam vẫn còn khá ít.
Với cách tính thuế hiện nay, giá siêu xe tại Việt Nam đắt nhất thế giới, thậm chí vượt xa so với Singapore, vốn là đất nước dùng thuế để hạn chế xe hơi. Nhiều người dự đoán những chiếc siêu xe nhập về Việt Nam thời gian tới sẽ hiếm như "lá mùa thu"./.