Dịch Covid-19: Các hãng ô tô làm gì khi không lắp ráp xe?

VOV.VN - Thay vì lắp ráp ô tô, nhiều công ty ô tô trên thế giới đã tận dụng cơ sở hạ tầng và nhân lực sẵn có để làm mặt nạ, máy thở phòng chống dịch Covid-19.

Trước sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều công ty ô tô đã phải cho tạm ngừng hoạt động để ứng phó với dịch bệnh.

Tuy nhiên, không vì thế mà các hãng xe ngừng hoạt động hoàn toàn. Và thay vì lắp xe, nhiều công ty đã tận dụng nhà xưởng, thiết bị máy móc và nhân lực sẵn có để sản xuất mặt nạ, may thở, trang thiết bị y tế... đễ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.

Đơn cử như Tập đoàn Ford Motor công bố hợp tác với GE Healthcare sản xuất hàng loạt máy thở theo tiêu chuẩn và chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tại bang Michigan. Ford đặt mục tiêu sản xuất 50.000 máy trong vòng 100 ngày để đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay, và có khả năng tăng công suất lên 30.000 máy mỗi tháng sau đó nếu cần thiết.

Các công nhân của Ford đang nỗ lực để tạo ra các trang bị y tế phòng chống dịch Covid-19.

Ford sẽ cung cấp các cơ sở sản xuất để nhanh chóng mở rộng quy mô. Cùng với đó, GE Healthcare sẽ hỗ trợ các vấn đề chuyên môn về y tế và giấy phép cho máy thở từ Airon Corp - tập đoàn tư nhân chuyên cung cấp các sản phẩm hỗ trợ y tế bằng khí nén công nghệ cao. Các bản thiết kế sản phẩm của GE Healthcare được chia sẻ với Ford trong nỗ lực tăng sản lượng máy thở trong thời gian gấp rút.

Máy thở mẫu A được Airon cấp phép, đảm bảo các yêu cầu thiết yếu cùng giá thành hợp lý. Phù hợp trong việc điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, máy thở này hoạt động dựa trên áp suất không khí thay vì điện năng. Trong tương lai, quy mô sản xuất sẽ nhanh chóng mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao tại Mỹ.

Việc sản xuất bắt đầu tiến hành từ ngày 20/4 và sẽ nhanh chóng đẩy mạnh sau đó để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao. Ford dự kiến sẽ đạt sản lượng 1.500 máy thở vào cuối tháng 4/2020, 12.000 máy vào cuối tháng 5/2020 và 50.000 máy trước ngày 4/7. Đây là một trong những nỗ lực của hãng nhằm hỗ trợ chính phủ Mỹ đạt mục tiêu sản xuất 100.000 máy thở trong 100 ngày.

Ông Jim Hackett, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của tập đoàn Ford chia sẻ:“Bằng sự sáng tạo và những nỗ lực không mệt mỏi, đội ngũ Ford và GE Healthcare đã tìm ra cách thức sản xuất máy thở trong thời gian ngắn với số lượng đáng kể, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Với kế hoạch sản xuất máy thở tại Michigan và hợp tác cùng Nghiệp đoàn Công nhân ngành sản xuất ôtô Mỹ (UAW), chúng tôi có thể hỗ trợ nhân viên y tế điều trị kịp thời cho nhiều bệnh nhân. Đây chính là ưu tiên số một của chúng tôi".

Ford hy vọng có thể chế tạo hơn 100.000 chiếc mặt nạ mỗi tuần tại công ty con của Công ty Thiết kế và Sản xuất Troy ở Plymouth, Michigan.

Cùng với đó, General Motors và Ford đang nghiên cứu xem họ có thể sử dụng các nhà máy tự động của mình để hỗ trợ sản xuất máy thở và các thiết bị y tế khác giúp chống đại dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn quốc hay không.

"Chúng tôi đang nghiên cứu các biện pháp có thể hỗ trợ sản xuất các thiết bị y tế như máy thở"- đại diện GM chia sẻ.

Một hãng xe Nhật Bản đang có nhà máy tại Mỹ - Toyota Motor North America (TMNA), đang sử dụng một số cơ sở của mình để chế tạo tấm chắn mặt trong khi hợp tác với các công ty thiết bị y tế để tăng tốc độ sản xuất máy thở, mặt nạ phòng độc và các thiết bị quan trọng khác cho bệnh viện.

Tại châu Âu, chính phủ Đức đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô trong nước cân nhắc sản xuất các thiết bị y tế như máy thở và khẩu trang để giúp ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 trong khu vực, với mục đích khắc phục các tắc nghẽn trong việc cung cấp trang thiết bị y tế quan trọng.

Trong đó, Volkswagen đang khám phá khả năng của máy in 3D để sản xuất máy thở bệnh viện và các thiết bị cứu sinh khác, trong khi BMW hiện cũng đang khám phá các lựa chọn.

Các công nhân của Fiat Chrysler Automobiles cố gắng tạo ra càng nhiều khẩu trang càng tốt.

Tại Italy, Fiat Chrysler Automobiles (FCA) sẽ sản xuất và quyên góp 1 triệu khẩu trang mỗi tháng bắt đầu từ tuần tới và phân phối trên khắp nước Mỹ, Canada và Mexico.

Số lượng một triệu khẩu trang mỗi tháng do Fiat sản xuất sẽ được tặng cho "đội phản ứng" đầu tiên như cảnh sát, nhân viên cứu hộ, lính cứu hỏa cũng như nhân viên tại các bệnh viện và phòng khám, FCA cho biết.

Đồng thời, Fiat Chrysler và Ferrari đang đàm phán với Siare Engineering, nhà sản xuất máy thở lớn nhất nước nhằm tăng cường sản xuất thiết bị máy thở.

Giám đốc điều hành của FCA, ông Mike Manley cho biết: “Bảo vệ những phản ứng viên đầu tiên và các nhân viên chăm sóc sức khỏe chưa bao giờ quan trọng hơn. Bên cạnh những hỗ trợ mà chúng tôi đang cung cấp để sản xuất máy thở, chúng tôi đã thu thập các liên hệ của mình trong toàn ngành chăm sóc sức khỏe và rõ ràng đang có một nhu cầu cấp thiết đối với khẩu trang”.

Một hãng siêu xe khác là - Lamborghini cũng đã tuyên bố sẽ chuyển 1 phần cơ sở sản xuất của mình tại Bologna sang sản xuất khẩu trang và tấm che mặt y tế.

Theo thông tin đăng trên Website của hãng sản xuất xe thể thao Lamborghini, các phương tiện bảo hộ y tế sẽ được cấp cho bệnh viện Sant'Orsola-Malpigi tại Bologna, nơi các bác sỹ đang phải chiến đấu chống lại dịch Covid-19.

Theo hãng sản xuất xe hơi này, trong tình hình Italia đang phải vật lộn chống lại với dịch Covid-19 thì hãng cần phải có những đóng góp cụ thể. Vì vậy, Lamborghini quyết định hỗ trợ bệnh viện để chống lại đại dịch. Nhà máy dự kiến sẽ sản xuất 1.000 khẩu trang và 200 tấm che mặt mỗi ngày.
VinFast cũng đã tạm ngừng sản xuất xe để làm máy thở.

Tại Việt Nam, VinFast (VinGroup) cũng đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid 19, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng, ngày 3/4/2020 Tập đoàn VinGroup công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại (Xâm nhập và Không Xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam.

Các đơn vị được giao trọng trách  chủ lực là Viện nghiên cứu - thiết kế Ô tô 1, Viện nghiên cứu - thiết kế ô tô 2, Viện nghiên cứu Thiết bị Di động, Viện nghiên cứu - thiết kế Thiết bị Gia đình Thông minh, Viện nghiên cứu thiết kế Thiết bị Viễn thông, Viện nghiên cứu thiết kế Pin Thông minh, Nhà máy sản xuất Ô tô VinFast và Nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử VinSmart...

Cụ thể, VinGroup đã ký kết hợp đồng license với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho Máy thở Xâm nhập nhãn hiệu P560, đồng thời bắt tay vào nghiên cứu Máy thở Không Xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.

Dự kiến các lô linh kiện của Máy thở Không Xâm nhập đầu tiên sẽ về đến nhà máy sau 2 tuần nữa và sau 4 tuần sẽ có các lô linh kiện của Máy thở Xâm nhập./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên