Ngành công nghiệp ô tô đối mặt làn sóng thách thức lớn chưa từng có
VOV.VN -Ngành công nghiệp ô tô đang đứng trước nhiều nỗi lo do tác động từ Brexit, căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương, xe điện...
Ngành công nghiệp ô tô đang đứng trước nhiều nỗi lo do tác động từ Brexit, căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương, xe điện... Giám đốc Harald Kruger của BMW chia sẻ: “Ngày càng khó để đưa ra dự đoán. Việc đem lại lợi nhuận đang gặp phải nhiều áp lực”.
Những nỗi lo này cũng chính là nguyên nhân một loại tên tuổi lớn vắng mặt tại Paris Motor Show năm nay, như: Ford, Fiat-Chrysler, Nissan, VW và Mazda.
Những mẫu xe ấn tượng xuất hiện tại Triển lãm Ô tô Paris năm nay. |
Thời gian diễn ra sự kiện Paris Motor Show cũng được rút ngắn từ 16 còn 11 ngày do phản ứng với sự miễn cưỡng của một số gã khổng lồ trong ngành công nghiệp để chi tiêu hàng triệu euro vào tiếp thị.
Và để thu hút người tham gia sự kiện trực tiếp trong thời đại công nghệ, nơi mọi thông tin đều được tiếp cận dễ dàng qua internet, ban tổ chức Triển lãm Ô tô Paris đã thiết lập các đường chạy thử nghiệm xe đạp điện và xe máy điện cho khách quan.
Chương trình còn hợp tác với CES Las Vegas - hội chợ điện tử tiêu dùng nổi tiếng, để tổ chức hàng loạt công nghệ khởi nghiệp với tham vọng biến ô tô thành “giải pháp di động” kết nối internet của tương lai.
Nhưng một số nhà phân tích cho rằng những thay đổi đó vẫn chưa đủ, viện dẫn sự vắng mặt của các ông lớn trong ngành tại các chương trình hàng đầu tương tự tại Detroit, Geneva và Frankfrut trong những năm gần đây.
“Phải thay đổi lại hoàn toàn khái niệm. Những chương trình ô tô kiểu này từ trước đến nay chỉ đơn giản là đặt ô tô bên cạnh phụ nữ đẹp mà thôi” - ông Ferdinand Dudenhoffer thuộc Trung tâm Nghiên cứu ô tô của Đức phát biểu.
Chi phí tiếp thị như vậy cũng đã trở nên khó biện minh hơn khi các nhà sản xuất ô tô đầu tư hàng tỷ vào xe tự trị và xe điện, ngay cả khi triển vọng bán hàng tối dần đi.
Ông Dudenhoffer dự kiến doanh thu toàn cầu sẽ giảm 1,4% trong năm tới, với mức giảm 4% tại Mỹ và Trung Quốc.
Brexit như một vật cản đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô. |
Nhưng điều lo lắng trước mắt của các hãng xe châu Âu chính là Brexit, với những thỏa thuận sắp tới của Anh và các nước trong khu vực.
Người đứng đầu liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi, ông Carlos Ghosn phát biểu: “Giờ đây chúng ta đang ở trong tình trạng tất cả mọi người đều đóng băng, tất cả chúng ta đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra sắp tới”.
Ông cũng nói thêm các nhà sản xuất ô tô cũng đã có sự chuẩn bị trước cho trường hợp xấu nhất, dù cho họ không muốn điều đó xảy ra.
Giám đốc Kruger của BMW cho biết đã có thể cảm nhận được tác động của Brexit: “Thị trường đang thu hẹp lại, doanh thu giảm thấp hơn” và bản thân ông thì đang giằng co vì “tình huống khó khăn”.
Tuy nhiên, các giám đốc điều hành vẫn hy vọng một bước đột phá vào phút cuối như thỏa thuận đạt được dựa trên Nafta sửa đổi trước đe dọa loại bỏ hiệp ước thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Và dù những nỗi lo tuy lớn nhưng cũng không thể ngăn các nhà sản xuất ô tô tiếp tục đầu tư. BMW sẽ chi nhiều tiền hơn bao giờ hết, con số lên tới 8,1 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển trong năm nay, chủ yếu với các công nghệ điện và kỹ thuật số.
Cả BMW và đối thủ cùng quê là Daimler đều cắt giảm dự báo lợi nhuận năm nay, ít nhất là do chi phí liên quan đến vụ bê bối gian lận “dieselgate”.
Renault đã công bố mẫu SUV giá rẻ tên K-ZE dành riêng cho thị trường Trung Quốc. |
Giới hạn phát thải CO2 nghiêm ngặt của EU từ năm 2020 cũng khiến doanh số bán xe diesel giảm sút vì khả năng nhiều thành phố có thể bắt đầu cấm sử dụng để giảm khói xe.
Điều này cũng thúc đẩy sự chuyển dịch sang năng lượng điện, cùng với thị trường khổng lồ đầy triển vọng của Trung Quốc, nơi các quan chức đang mạnh mẽ khuyến khích sử dụng các phương tiện không phát thải. Mới đây, Renault đã công bố mẫu SUV giá rẻ tên K-ZE dành riêng cho thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, tại các thị trường phát triển, xe điện vẫn là một đề xuất gây thiệt hại. “Số lượng công nghệ ngày một nhiều hơn và chi phí cũng ngày càng đắt đỏ”, ông Carlos Tavares, Chủ tịch PSA phát biểu. Ông cũng đề xuất phát triển hệ thống chia sẻ xe hơi có thể là một cách dễ tiếp cận hơn.
Đối với Maxime Lemerle, một chuyên gia ô tô tại nhóm bảo hiểm rủi ro Euler Hếm thì làn sóng thách thức đã khiến các hãng xe phải đối mặt với “bài kiểm tra áp lực” giống như ngành ngân hàng từng gặp phải sau khủng hoảng tài chính 2008.
Câu hỏi đặt ra chính là liệu các hãng xe sẽ có thể thích nghi với những thay đổi sâu sắc trong ngành công nghiệp ô tô hay không./.