“Quả đắng” khi mua xe trả góp
VOV.VN -Việc xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện khi tham gia giao thông không mang bản gốc đăng ký đang gây ra nhiều hoang mang cho người dân.
Điều 323 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 hiện hành khẳng định quyền của Bên nhận thế chấp là “Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Việc cảnh sát giao thông xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện khi tham gia giao thông không mang bản gốc đăng ký phương tiện đang gây ra sự hoang mang, lo lắng cho doanh nghiệp và cá nhân “chót” mua xe trả góp
Cảnh sát giao thông xử lý đúng...
Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông (C67) có văn bản số 2916/C67-P9, ngày 31/5/2017 về việc xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp trong ngân hàng, khẳng định việc xử phạt phương tiện tham gia giao thông không mang đăng ký gốc là đúng quy định đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải, cá nhân sở hữu phương tiện giao thông lo lắng.
Thật dễ hiểu, vì các giấy tờ gốc đăng ký phương tiện giao thông của doanh nghiệp, cá nhân đã được “ký gửi” tại các tổ chức tín dụng. Chủ phương tiện giao thông chỉ có bản photo đăng ký phương tiện có dấu đỏ xác nhận của ngân hàng, tổ chức tín dụng cấp để lưu hành có thời hạn.
CSGT kiểm tra, xử phạt phương tiện tham gia giao thông (Ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, cho đến khi C67 ban hành văn bản số 2916/C67-P9, ngày 31/5/2017 về việc xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp trong ngân hàng và xử lý hành chính lỗi không có giấy gốc đăng ký phương tiện nhiều người mới “té ngửa” vì đang ăn “quả đắng” từ ngân hàng.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng C67 cho biết, Cục đã nhận được khá nhiều ý kiến của CSGT các địa phương về việc xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển ô tô sử dụng bản sao giấy đăng ký xe, do bản chính đã cầm cố (thế chấp) tại ngân hàng khiến người điều khiển phương tiện lo lắng, bức xúc.
Trên cơ sở trao đổi và thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, C67 đã có văn bản hướng dẫn CSGT các địa phương với nội dung: “Đối với những phương tiện thế chấp ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực theo đúng quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và Công văn số 3851/NHNH-PC ngày 24/5/2017 của NHNNVN”.
“Việc lực lượng CSGT các địa phương xử lý những trường hợp vi phạm mà sử dụng giấy đăng ký xe bản sao trong thời gian qua là hoàn toàn chính xác” - thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh khẳng định.
Cần có sự thống nhất trong quản lý
Nghị định số 11/2012/NĐ-CP, ngày 22/2/2012, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP, ngày 29/2/2006, của Chính phủ về giao dịch đảm bảo, cụ thể tại Điều 1.9 bổ sung Điều 20a như sau: “Điều 20a. Giữ giấy tờ về tài sản thế chấp như sau: Trong trường hợp tài sản thế chấp là tàu bay, tàu biển hoặc phương tiện giao thông quy định tại Điều 7a Nghị định này thì bên thế chấp giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu bay, giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực”.
Gần đây, NHNN có công văn 3851, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc quy định về việc thế chấp giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực.
Quy định là vậy, nhưng thực tế các ngân hàng, tổ chức tín dụng lại làm cách khác và xem ra cũng có cái lý của mình. Trong vai khách hàng có nhu cầu mua xe ô tô trả góp, phóng viên được nhân viên bán hàng của đại lý ô tô Honda Giải Phóng nhiệt tình “đấu nối”, gặp Giám đốc khách hàng cá nhân TP Bank, Chi nhánh phía Nam. Lo lắng về giấy tờ gốc đăng ký phương tiện bị ngân hàng giữ, việc sử dụng đăng ký phương tiện photo có dấu đỏ sẽ bị CSGT xử phạt hành chính, vị giám đốc này khẳng định, hiện nay các ngân hàng và phía công an chưa có quyết định cuối cùng, đang trong giai đoạn đàm phán.
“Công văn của bên ngân hàng dẫn chứng từ Luật Dân sự 2015 cho phép được giữ giấy tờ. Nghị định mà công an dẫn ra thì vẫn dưới luật. Như vậy, dưới góc độ ngân hàng thì chúng em rất kín kẽ. Cái đó anh yên tâm, không có vấn đề gì đâu…” - vị giám đốc này trấn an.
Để chứng minh, vị giám đốc này cung cấp cho phóng viên những nội dung, căn cứ theo quy định của Luật Dân sự thì phía ngân hàng được quyền giữ giấy đăng ký phương tiện bản gốc, trong đó có đoạn: Khoản 2, Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Trong khi quan điểm giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức tín dụng còn khác nhau về việc giữ bản gốc đăng ký phương tiện thì người chủ sở hữu phương tiện lo lắng không biết sẽ bị CSGT xử phạt lúc nào. Để giải quyết vấn đề này, cần thiết sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức tín dụng, một mặt bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng, mặt khác cũng bảo đảm quyền lợi của khách hàng./.