MSD Việt Nam tiếp tục được vinh danh tại Giải thưởng Trách nhiệm xã hội
VOV.VN - Giải thưởng nhằm ghi nhận cam kết lâu dài của MSD trong những chương trình tạo ra tác động bền vững cho xã hội và cộng đồng, không ngừng phấn đấu tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của người dân Việt Nam trong 25 năm qua.
Mới đây, ngày 8/12, Đại biện lâm thời Marie C. Damour của Phái đoàn Mỹ tại Việt Nam đã trao tặng MSD Việt Nam Giải thưởng Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp (CSR) của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) nhằm ghi nhận cam kết lâu dài của công ty trong những chương trình tạo ra tác động bền vững cho xã hội và cộng đồng. MSD được biết đến là Merck & Co. ở Mỹ và Canada, đã không ngừng phấn đấu tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của người dân Việt Nam trong 25 năm qua. Công ty đã tiên phong hợp tác với các đối tác công và tư để cải thiện hệ sinh thái y tế. Giải thưởng này tiếp nối Kỷ niệm chương danh giá “Vì sức khỏe nhân dân” được Bộ Y tế trao tặng lãnh đạo MSD vào tháng 3 năm nay (theo Quyết định số 1615/QĐ-BYT ngày 17/3/2021).
Tiên phong trong hợp tác y tế công tư
MSD đã và đang làm việc liên ngành nhằm giải quyết những thách thức y tế quan trọng nhất ở Việt Nam. Các hợp tác này trải rộng từ việc giải quyết vấn đề kháng kháng sinh, thúc đẩy độ bao phủ tiêm chủng vaccine cho đến tăng cường tiếp cận chăm sóc y tế cơ bản và cải thiện sức khỏe bà mẹ ở những cộng đồng dễ bị tổn thương.
Kháng kháng sinh là mối đe dọa y tế cộng đồng trên toàn cầu, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống con người cũng như sự phát triển bền vững của quốc gia. Việt Nam là một trong những nước chứng kiến mối đe dọa ngày càng gia tăng của kháng kháng sinh trong những năm gần đây, gây nên bởi việc sử dụng kháng sinh bất hợp lý ở tất cả các cấp trong hệ thống y tế, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, và cả trong cộng đồng [1]. MSD đã triển khai Chương trình Quản lý sử dụng kháng sinh, hợp tác cùng Bộ Y tế, nhằm giải quyết tình trạng kháng kháng sinh. Bệnh viện Chợ Rẫy, một trong những đơn vị đầu tiên triển khai chương trình vào năm 2012, đã cho thấy việc sử dụng kháng sinh giảm đáng kể - hơn 30% về số lượng. Chương trình đã giới thiệu các giải pháp kỹ thuật số ở hình thức ứng dụng digitalAMS trên điện thoại và nền tảng trang thông tin điện tử (thí điểm) nhằm cải thiện việc tuân thủ thực hiện, và đánh giá kết quả. Tính đến cuối năm 2020, 36 bệnh viện đã chủ động tham gia vào chương trình.
Ung thư có thể gây tổn hại đến bệnh nhân và người chăm sóc họ. Việt Nam đang chứng kiến tỷ lệ tử vong do ung thư tăng lên trong những năm gần đây. Ung thư cổ tử cung (UTCTC) vẫn là nguyên nhân tử vong chính ở nữ giới. Mỗi ngày ở Việt Nam có 7 phụ nữ tử vong vì UTCTC [2]. UTCTC là một trong những ung thư có thể ngăn ngừa và chữa trị, khi được phát hiện sớm và quản lý hiệu quả. MSD tiếp tục sứ mệnh mang đến thuốc và vắc xin giải quyết những căn bệnh thách thức nhất trên thế giới. MSD hợp tác với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) hỗ trợ Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine phòng UTCTC do HPV (Human Papilloma virus) ở Việt Nam từ năm 2019-2021. Bên cạnh vaccine phòng ngừa UTCTC do một một số loại virus HPV nhất định gây ra, MSD cũng đã giới thiệu các loại vaccine phòng ngừa các bệnh Quai bị - Sởi – Rubella, Thủy đậu, Rota virus. Trong những năm tới sẽ có thêm nhiều loại vaccine mới được giới thiệu.
MSD cũng tự hào là công ty đầu tiên giới thiệu liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư tại Việt Nam vào tháng 12/2017. Công ty có bề dày thành tích trong việc làm cho thuốc và vaccine có thể tiếp cận được và chi trả được trên toàn cầu. Tại Việt Nam, bệnh nhân có thể tiếp cận liệu pháp này theo sự tư vấn của bác sỹ thông qua Chương trình hỗ trợ bệnh nhân đang được triển khai ở 23 bệnh viện trên toàn quốc. Cuối năm 2020, MSD được Quỹ Ngày mai Tươi sáng vinh danh là doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho Quỹ thông qua chương trình hỗ trợ bệnh nhân ung thư, với tổng mức hỗ trợ lên đến gần 1 triệu USD.
Nhằm hỗ trợ chăm sóc y tế một cách bền vững, MSD tập trung vào các chương trình giáo dục y khoa nhằm nâng cao nặng lực cho nhân viên y tế ở tất cả các hạng bệnh viện trên toàn quốc. MSD hợp tác với nhiều hiệp hội y khoa, các tổ chức xã hội, các trường đại học y khoa để tài trợ và hỗ trợ rất nhiều chương trình giáo dục và đào tạo y khoa liên tục nhằm nâng cao năng lực cán bộ y tế. Từ năm 2014-2020, MSD đã đầu tư hơn 12 triệu USD để triển khai các hoạt động này.
Tiếp cận bền vững vì một cộng đồng khỏe mạnh hơn
Đại dịch thu hút sự quan tâm của các tổ chức y tế, chính phủ và cả cộng đồng, nhưng vẫn còn những thách thức y tế khác chưa được giải quyết và trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của Covid-19. Tại MSD, các chương trình trách nhiệm xã hội tập trung vào giải quyết những thách thức y tế nguy cấp ở những cộng đồng dễ bị tổn thương ở Việt Nam, những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau hoặc tình trạng sức khỏe bị xấu đi do tác động của đại dịch.
Trên toàn cầu, cứ mỗi 2 phút lại có 1 phụ nữ tử vong do biến chứng liên quan đến thai sản và sinh nở. Hầu hết các trường hợp tử vong này đều có thể ngăn ngừa được nếu người phụ nữ được tiếp cận với phương pháp tránh thai hiện đại và chăm sóc sức khỏe bà mẹ chất lượng trước, trong và sau khi sinh. Điều này thúc đẩy MSD tiếp tục sáng kiến toàn cầu mang tên “MSD vì Bà mẹ” với sứ mệnh giúp tạo ra một thế giới không có phụ nữ phải tử vong trong khi sinh nở.
Tháng 9 vừa qua, MSD đã tài trợ 1,2 triệu USD cho UNFPA để tiếp tục triển khai chương trình “MSD vì Bà mẹ” trong giai đoạn tiếp theo (2021–2023). Dự án mang tên “Không để ai bị bỏ lại phía sau” đầu tư vào các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tại các vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam (Bắc Cạn, Lai Châu, Sơn La, Đắc Nông, Kon Tum và Gia Lai) đã được khởi động. Dự án sẽ lồng ghép biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, phát triển và vận hành các can thiệp chăm sóc sức khỏe từ xa trên nền tảng chương trình sức khỏe sinh sản hiện có, nhằm thúc đẩy việc sinh nở an toàn.
Nhằm rút ngắn khoảng cách trong việc tiếp cận chăm sóc y tế cơ bản cho người dân sống ở vùng sâu vùng xa, MSD Foundation đã tài trợ 7 triệu USD cho chương trình ECHO (Mở rộng kết quả chăm sóc sức khỏe cộng đồng) của Trung tâm khoa học sức khỏe đại học New Mexico để tiếp tục dự án ECHO giúp cải thiện khả năng tiếp cận đến các phương pháp điều trị đặc biệt đối với những ca bệnh phức tạp, mạn tính cho người dân tại vùng nông thôn thiếu điều kiện chăm sóc y tế ở Ấn Độ và Việt Nam. Dự án là mô hình giáo dục từ xa kết nối chuyên gia với nhân viên y tế ở cơ sở thông qua phòng khám trực tuyến nhằm nâng cao khả năng điều trị các bệnh có thể phòng ngừa và bệnh chuyên khoa ngay tại chính cộng đồng của họ.
Đại dịch Covid-19 đã thách thức hệ thống y tế trên toàn thế giới, nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ thống y tế vững vàng và đem đến cơ hội để hành động. Trong hành trình này, cam kết lâu dài từ các công ty như MSD, các hợp tác công tư là vô cùng cần thiết để ứng phó với thách thức y tế ngày hôm nay và cả mai sau hiệu quả hơn./.
[1] https://www.who.int/vietnam/health-topics/antimicrobial-resistance
[2] Viet Nam: Human Papillomavirus and Related Cancers, Fact Sheet 2021 (hpvcentre.net)