Ai là người thi hành công vụ được quyền ra lệnh nổ súng?
VOV.VN - Dự thảo Luật trao quyền cho người có công vụ được nổ súng. Nhiều ý kiến cho rằng luật chưa rõ ràng giữa ranh giới cảnh báo và không cảnh báo.
Bàn về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, tại cuộc họp tổ chiều 31/10, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng – Phó Chính ủy Quân khu 7, Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, luật cần quy định rõ về hành động nổ súng được cảnh báo và không được cảnh báo để người thực thi công vụ yên tâm.
“Khi thi hành công vụ người ta bảo vệ tính mạng nhân dân, tài sản của Nhà nước, đồng thời người ta nhận thức được việc nổ súng ở đây thuộc phạm vi quyền hạn”, Thiếu tướng Ngô Minh Hoàng trình bày.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng cho rằng cần quy định rõ người được quyền ra lệnh nổ súng. |
Theo Phó Chính ủy Quân khu 7, luật cũng cần phải quy định về người ra lệnh nổ súng.
“Phải bổ sung, là người có thẩm quyền ra lệnh nổ súng để tránh trường hợp cấp trên ai cũng có quyền ra lệnh nổ súng. Nó sẽ xảy ra tình huống này khi tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ có nhiều người chỉ huy và có yêu cầu nổ súng. Ví dụ, trong một nhóm 6 người đi công tác có 2-3 ông cấp trên, ông nào cũng có quyền ra lệnh nổ súng là không được”, đại biểu đoàn TP.HCM phân tích.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng, luật của chúng ta tương đối chặt chẽ là nổ súng có cảnh báo và không cảnh báo.
Cảnh báo để đối tượng đó biết rằng phải dừng thực hiện hành động của mình, nếu đi quá giới hạn không tuân thủ thì người thực thi công vụ có quyền nổ súng.
Bởi vậy ông Võ Trọng Việt cho hay, luật trao cho người cầm súng có quyền chủ động, nhưng không được lạm quyền. Ranh giới này rất quan trọng. Ngoài ra, vì tính nhân đạo nếu phát hiện là phụ nữ, trẻ em, người tàn tật thì nhất định không được nổ súng.
Phân tích thực tế, ông Võ Trọng Việt cho rằng, trước nay người cầm súng có khi lúng túng, có khi lạm quyền. “Không đáng nổ súng thì lại nổ súng nên có trường hợp phải ra tòa”, ông Việt cho biết.
Vấn đề huấn luyện cán bộ chiến sỹ sử dụng vũ khí cũng được đại biểu Quốc hội quan tâm |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nguyên nhân của sự việc do công tác huấn luyện người sử dụng vũ khí.
“Huấn luyện thế nhưng khi sử dụng thì rất lúng túng. Như ông lái xe thôi, do không thạo nên đáng ra nhấn ga lại nhấn phanh và ngược lại”, ông Võ Trọng Việt phân tích.
Đại biểu Dương Ngọc Hải – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thì cho rằng: Nổ súng là để thi hành nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự.
Việc nổ súng là căn cứ vào mức độ hành vi nguy hiểm. Nhưng như thế nào là mức độ nguy hiểm thì cần phải xem xét.
“Việc nổ súng hay không nổ súng quy định không rõ ràng thì sẽ xảy ra hậu quả. Nổ súng sớm quá thì anh phải chịu trách nhiệm, nếu nổ muộn quá thì nguy hiểm đến tính mạng. Điểm này cần quy định lại rõ ràng”, đại biểu đoàn TP.HCM phân tích./.
Những trường hợp nào được nổ súng không cần cảnh báo?