Ba luật sư gỡ tội "Tham ô" cho Dương Chí Dũng

VOV.VN- 3 luật sư Trần Đại Thắng, Ngô Ngọc Thủy và Trần Đình Triển cùng cho rằng, chưa có đủ chứng cứ để kết luận bị cáo Dũng tội tham ô...

17h43: HĐXX quyết định dừng phiên xét xử ngày hôm nay. Ngày mai (24/4), lúc 8h, Tòa sẽ tiếp tục ngày làm việc thứ 3 xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm.

17h35: Luật sư Thiệp cũng cho rằng, căn cứ tài liệu vụ án, trước khi nhận số tiền 1,67 triệu USD trước một tháng thì Công ty Phú Hà được thành lập. Vậy phải chăng việc thành lập công ty này là để thực hiện chuyển số tiền tham ô về…. Trong khi đó, ông Goh cũng khẳng định trong lời khai là hoàn toàn không biết Công ty Phú Hà. Điều này mâu thuẫn với lời khai của Trần Hải Sơn là ông Goh chỉ đạo chuyển tiền qua Công ty Phú Hà.

Từ những lập luận của mình, luật sư Thiệp đề nghị cần làm rõ, xem xét ai là người quyết định số tiền này. Luật sư Thiệp cũng đề nghị hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại.

17h25: Đối với tội Tham ô tài sản của bị cáo Phúc, luật sư Thiệp biện luận: "Nếu có số tiền 1,67 triệu USD, đầu tiên là chuyển tiền cho “sếp” – đó mới là lẽ thường chứ không phải cấp phát từng miếng, từng miếng cho sếp như vậy”. 

17h10: Nói về tội cố ý làm trái của bị cáo Phúc, luật sư Thiệp đề nghị cần phân tích mục đích, động cơ của bị cáo. Ở đây, mục đích của bị cáo là tích cực trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện Nghị quyết của HĐQT. Bản thân bị cáo thiếu thông tin, mới nhận chức được 2 tháng, công việc bề bộn. Bị cáo không đủ khả năng, thời gian để cập nhật thông tin…

 "Do vậy, không thể nói bị cáo cố ý trong việc làm trái. Cố ý tức là biết sai nhưng vẫn làm. Việc bị cáo thừa nhận sai sót thể hiện sự thành khẩn của bị cáo. Mong HĐXX thông cảm cho suy nghĩ, nhận thức của bị cáo"- Luật sư Thiệp nói.

17h00: Tiếp phần bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc, luật sư Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu phần tranh luận của mình.

Luật sư Thiệp đề nghị cần thận trọng xem xét chứng cứ, lời khai của vụ án để đảm bảo dân chủ, thực hiện tinh thần cải cách tư pháp và tránh để oan sai.




16h45: Bào chữa cho tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của bị cáo Mai Văn Phúc, luật sư Được biện luận, ông Phúc mới “chân ướt chân ráo” về nhận chức Tổng Giám đốc Vinalines, chưa nắm được nội tình nên ông Phúc buộc phải tin vào cơ quan tham mưu ở cấp dưới. Mặt khác, nếu ông Phúc không thực hiện Nghị quyết của HĐQT trong việc thực hiện dự án sửa chữa tàu biển phía Nam thì đồng nghĩa với việc ông không hoàn thành nhiệm vụ.

Kết thúc phần tranh luận của mình, luật sư Được cũng đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại vụ án.

16h37: Luật sư Được cho rằng, khi đánh giá chứng cứ phải khách quan đầy đủ, lời khai của Hải Sơn về ông Mai Văn Phúc đã chỉ đạo đoàn công tác “phải mua bằng được ụ nổi 83M” là chỉ có căn cứ một chiều, phiến diện và đầy mâu thuẫn.

16h30: Sau phần tranh luận của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Dương Chí Dũng, luật sư Hoàng Huy Được mở đầu phần tranh tụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Mai Văn Phúc.

16h20: Lập luận về việc Trần Hải Sơn đưa tiền tham ô cho ông Dương Chí Dũng, luật sư Triển cũng cho rằng, lời khai có nhiều mâu thuẫn, có nhiều tình tiết vô lý, khó tin.

Luật sư Triển đề nghị có đầy đủ bằng chứng kết tội, tâm phục khẩu phục; đồng thời đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm đối với tội tham ô, đề nghị trả hồ sơ điều tra lại.




16h15: 
HĐXX nhắc nhở luật sư Triển trong việc trình bày bản chứng cứ lời khai của ông Goh. Theo HĐXX, luật sư không cần giải thích vì tài liệu này luật sư đã cung cấp cho HĐXX.

16h03: Biện luận tại phiên tòa, từ những tài liệu, văn bản, đánh giá chứng cứ, luật sư Trần Đình Triển cho rằng không khách quan, chứng cứ mới chọn lọc một số lời khai của nhân chứng. Ông Triển cũng trình bày bản chứng cứ lời khai của ông Goh tại phần tranh luận.

15h50: Bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, luật sư Trần Đình Triển cho rằng, đối với tội tham nhũng cần phải có đủ bằng chứng kết tội. Do vậy việc tuyên án tử hình đối với bị cáo Dương Chí Dũng cần phải có đầy đủ bằng chứng.

Việc tuyên án sơ thẩm và kết luận của Viện Kiểm sát tối cao tại phiên tòa phúc thẩm là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Lý do ông Triển đưa ra là vụ án chưa thực hiện tương trợ tư pháp vì vụ án đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.



15h40: Đối với tội Tham ô tài sản, đưa ra các luận chứng để bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Dương Chí Dũng, luật sư Trần Đại Thắng đề nghị, nên tuyên hủy án sơ thẩm, điều tra lại vụ án.

15h32: Luật sư Trần Đại Thắng-bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Dương Chí Dũng khẳng định, nếu quy kết tội đối với bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mà không xem xét trách nhiệm của thành viên HĐQT của Vinalines là có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm. Đề nghị xem xét không quy kết bị cáo Dũng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”  mà nên quy kết tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

3 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng gồm: luật sư Trần Đại Thắng, luật sư Ngô Ngọc Thủy và luật sư Trần Đình Triển.
15h17: Luật sư Thủy cũng cho rằng, cơ quan điều tra đã rất khéo trong việc sử dụng lời khai của bị cáo và các nhân chứng sao cho phù hợp. Lời khai của các nhân chứng đều là người nhà của bị cáo Sơn thì có tránh khỏi tâm lý khai báo có lợi cho người thân của mình?.

Từ những biện luận của mình tại phần tranh luận, luật sư Thủy đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại để có thể đi đến một phán quyết có lý, có tình.

15h10: Theo luận cứ của luật sư Thủy, dấu hiệu cấu thành tội tham ô là phải “tham ô tài sản” do mình trực tiếp quản lý. Nhưng Dũng không trực tiếp quản lý tài sản của Vinalines. 

Luật sư cho rằng không có chứng nào chứng minh số tiền 1,666 triệu USD đó là tài sản của Vinalines và không có tài liệu nào chứng minh họ đã thống nhất với nhau trong việc "chia chác" khoản tiền 1,666 triệu USD.

 14h55:
 Tiếp sau phần kết luận của đại diên Viện Kiểm sát, luật sư Ngô Ngọc Thủy bắt đầu tranh luận để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ là bị cáo Dương Chí Dũng.

Theo luật sư Ngô Ngọc Thủy, các chứng cứ đưa ra không đủ cơ sở để quy kết bị cáo Dũng tham ô tài sản.

14h50: Đối với kháng cáo của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, cả 2 tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái mà Dương Chí Dũng phạm phải đều có quy định kê biên tài sản đảm bảo thi hành án. Việc kê biên 3 căn nhà (căn hộ SkyCity, ở Pacific Place và căn nhà ở đường Nguyên Hồng vợ chồng Dũng đang ở) là đúng quy định. 

Kháng cáo về việc kê biên căn nhà của vợ chồng bị cáo Mai Văn Phúc là không có cơ sở.




14h37: Đại diện Viện Kiểm sát của kết luận: Xét thấy bản án sơ thẩm Dương Chí Dũng 18 năm tù tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là có cơ sở, đồng thời cần xem xét mức tăng bồi thường đối với bị cáo.

Đối với hành vi tham ô tài sản của 4 bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng: với bị cáo Dương Chí Dũng, tại cấp phúc thẩm bị cáo không thành khẩn nhận tội, dù gia đình đã khắc phục 4,7 tỉ đồng nhưng với tính chất phạm tội nguy hiểm, cấp sơ thẩm tuyên án tử hình là phù hợp.

Đối với bị cáo Mai Văn Phúc có vị trí vai trò thấp hơn bị cáo Dũng, nên chịu mức hình phạt và bồi thường thấp hơn bị cáo Dũng. Án phạt sơ thẩm 18 năm tù giam cho tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bằng bị cáo Dũng là cao. Mức bồi thường dân sự là 110 tỷ đồng giống như bị cáo Dũng là phù hợp.

Bị cáo Mai Văn Phúc cũng không thành khẩn nhận tội, gia đình đã nộp 3,5 tỉ đồng khắc phục hậu quả nhưng tính chất phạm tội nguy hiểm, nên cấp sơ thẩm tuyên án tử hình bị cáo Phúc là phù hợp.

Theo Viện Kiểm sát, bị cáo Trần Hữu Chiều: 9 năm tù về tội Cố ý làm trái là có cơ sở. Việc kháng cáo về bồi thường dân sự là không thể chấp nhận.

Trần Hữu Chiều, tuy không tham gia bàn bạc ăn chia nhưng được Sơn cho 340 triệu. Án sơ thẩm xử phạt Chiều 10 năm tù về tội tham ô là phù hợp, kháng cáo của Chiều là không có cơ sở.b


Trong phiên xét xử sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Chí Dũng, tử hình về “Tội Tham ô”; 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái…”

Bị cáo Mai Văn Phúc bị tuyên án tử hình với tội tham ô; 18 năm tù về tội làm trái. Bị cáo Trần Hữu Chiều chịu mức án 19 năm tù. Trần Hải Sơn 22 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo phải nộp lại toàn bộ số tiền gây thiệt hại cho Nhà nước dựa trên vài trò của từng bị cáo với tổng số tiền 367 tỷ đồng. Các bị cáo Dũng, Phúc, Chiều, Sơn liên đới phải bồi thường số tiền tham ô 1,67 triệu USD.


Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

HĐXX cũng phán quyết rằng, lời khai của vợ Dương Chí Dũng tại tòa về quyền sở hữu hai căn hộ Dương Chí Dũng mua cho “bồ nhí” là không đúng. Do vậy, ngoài việc kê biên hai căn hộ ở tòa nhà Pacific và tòa nhà Skycity và căn nhà ở phố Nguyên Hồng cũng bị kê biên để bảo đảm công tác thi hành án.

Căn nhà của bị cáo Mai Văn Phúc ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cũng bị kê biên để bảo đảm thi hành án. (xem thêm)



 Bị cáo Trần Hải Sơn 8 năm tù về tội cố ý làm trái và bồi thường hơn 38 tỷ đồng là có có sở, kháng cáo giảm án và giảm bồi thường là không có cơ sở.

Viện KS cũng cho rằng, bị cáo Trần Hải Sơn: sơ thẩm xử phạt 14 năm tù về tội tham ô là nhẹ. 

Đối với bị cáo Mai Văn Khang: án sơ thẩm đối với bị cáo Khang là có cơ sở, kháng cáo của bị cáo là thể chấp nhận.

Đối với bị cáo Lê Văn Dương bị tuyên phạt 7 năm tù là có cơ sở, song nộp 15 tỷ đồng là cao so với hành vi của bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị giảm một phần án phạt so với bản án sơ thẩm đối với bị cáo.

Cũng theo Viện Kiểm sát, nhóm bị cáo nguyên là cán bộ hải quan Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện: Vai trò đồng phạm thấp hơn các bị cáo khác trong vụ án này. Việc tuyên phạt mỗi bị cáo 8 năm tù và buộc bồi thường 9 tỷ đồng là quá nghiêm khắc. Có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt và giảm một phần mức bồi thường.

14h20: Theo đại diện Viện Kiểm sát, trên cơ sở xét hỏi tại phiên tòa, đủ cơ sở để xác định:  Các bị cáo đã Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đại diện Viện Kiểm sát dựa trên cơ sở 4 nhóm vi phạm của các bị cáo để cáo buộc hành vi của các bị cáo.



Như vậy, trong việc xây dựng dự án sửa chữa tàu biển ở phía Nam, tuy không trực tiếp bàn bạc với nhau, nhưng các bị cáo đã tiếp nhận ý chí của nhau, thực hiện hành vi trái pháp luật.

Các bị cáo của cơ quan hải quan và cục đăng kiểm tuy không phải là cấp dưới nhưng đã giúp sức cho các bị cáo khác thực hiện hành vi làm trái, đưa ụ nổi vào Việt Nam.

Việc Dũng và Phúc không thừa nhận chia nhau số tiền tham ô, nhưng với chứng cứ vụ án đã khẳng định việc nhận tiền của các bị cáo.

14h00: HĐXX bắt đầu phiên làm việc buổi chiều, các bị cáo được đưa vào phòng xét xử. Chủ tọa phiên tòa công bố kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát kết luận vụ án.


  • 13h50: Phiên tòa chưa bắt đầu, trong phòng xét xử chỉ có duy nhất bị cáo Dương Chí Dũng và vợ là bà Phạm Thị Mai Phương.


    Quan sát từ phòng báo chí, vợ chồng Dương Chí Dũng đang có những giây phút thảnh thơi bên nhau. Giây phút thảnh thơi hiếm có của vợ chồng bị cáo Dương Chí Dũng trong phiên tòa phúc thẩm. Bị cáo Dương Chí Dũng quay lại phía sau trò chuyện với vợ.

    12h10:
    Hội đồng xét xử tuyên bố tạm dừng phiên xét xử sáng nay.  Chiều nay, vào lúc 14h Tòa tiếp tục làm việc.

    11h50: HĐXX tiếp tục truy xét về báo cáo ụ nổi 83M của đoàn khảo sát. Bị cáo Trần Hữu Chiều khẳng định: Trong báo cáo có những đoạn không thực tế.

    11h25: Luật sư Triển tiếp tục phần xét hỏi với bị cáo Trần Hữu Chiều. Luật sư đặt lại câu hỏi với bị cáo Chiều về việc ai chỉ đạo mua bằng được ụ nổi 83M? Bị cáo Chiều khẳng định không có bất cứ chỉ đạo nào về việc này.

    11h10: HĐXX công bố những văn bản của Bộ GTVT gửi lên Tòa tối cao và các đơn vị liên quan. Theo các văn bản của Bộ GTVT xác định, ụ nổi không phải là tàu biển.

    10h30: Các luật sư tiếp tục đặt câu hỏi đối với các bị cáo nguyên là đăng kiểm viên và cán bộ hải quan về vấn đề kiểm định ụ nổi và việc thông quan ụ nổi 83M.

    Bị cáo Lê Văn Dương-đăng kiểm viên tham gia chuyến khảo sát ụ nổi 83M được các luật sư  hỏi về việc lập báo cáo kết luận khảo sát.  Khi luật sư hỏi về việc có thực hiện theo 
    mẫu hướng dẫn khảo sát B10, bị cáo Dương thừa nhận, có nội dung chưa thực hiện đúng vì lý do thời gian có hạn. 

    10h00: Luật sư Thiệp quay lại vấn đề về việc tại sao ông Goh biết Công ty Phú Hà - công ty của em gái bị cáo Sơn và thực hiện chuyển tiền qua công ty này. Bị cáo Sơn trả lời: “Việc này đã có trong hồ sơ của cơ quan điều tra. Tôi xin phép không trả lời”.


    Tại phiên tòa xét xử cấp phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm, luật sư Trần Đình Triển – một trong ba luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Dương Chí Dũng đã công bố “bản khai tuyên thệ trước pháp luật” của ông Goh Hoon Seow. Bản khai tuyên thệ trước pháp luật của ông Goh được luật sư Trần Đình Triển nộp lên HĐXX cấp phúc thẩm ngày 22/4. (xem thêm)


    Theo lời khai của ông Goh: "Việc thương thảo được tiến hành giữa ông Goh và các cán bộ đại diện Vinalines mà ông Sơn là người đứng đầu?".


     Tiếp đó, luật sư Thiệp lại đặt câu hỏi về việc chỉ đạo chia tiền tham ô, bị cáo Sơn vẫn tiếp tục câu trả lời: “Điều này tôi đã khai rồi” hay “Tôi đã trả lời rồi”.

    9h58: Luật sư Thiệp đề nghị bị cáo Sơn mô tả lại nhà bị cáo Phúc ở Hải Phòng – nơi mà Sơn khai một lần giao dịch để chuyển tiền. Bị cáo Sơn trả lời rằng: “Ở cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm tôi cũng trả lời rồi. Giờ tôi không thể nhớ hết. Nếu Tòa bố trí xe thì tôi có thể dẫn đến tận nơi”.

    Trước câu trả lời của bị cáo Sơn, luật sư Thiệp phải thốt lên rằng: “Cái gì cũng không nhớ, cái gì cũng không biết thì nói cái gì bây giờ?”.

    9h53: Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt câu hỏi với Trần Hải Sơn về số tiền 1,67 triệu USD. Luật sư Thiệp truy vấn, khi Sơn đưa tiền cho Dũng và Phúc, anh có nói đây là tiền gì không?

    Câu hỏi này được Trần Hải Sơn trả lời rằng: “Sự thật là các anh ấy biết đó là tiền gì”.

    Luật sư Thiệp tiếp tục đặt vấn đề về lời khai của Sơn tại cơ quan điều tra khi Sơn liên tục nhấn mạnh đây là tiền lại quả từ việc mua ụ nổi. Bị cáo Sơn lấp lửng: “Tôi xin không trả lời việc này”.


     
    9h40:
    Trả lời câu hỏi về mối quan hệ giữa ông Goh – Giám đốc Công ty AP với Dương Chí Dũng của luật sư Ngô Ngọc Thủy, bị cáo Dương Chí Dũng cho biết, bị cáo chỉ gặp ông Goh duy nhất một lần trong hội thảo ở TP HCM. Trong khi thực hiện vụ giao dịch mua ụ nổi 83M, bị cáo Dũng khẳng định không gặp, không giao dịch với ông Goh cũng như ông chủ Công ty của Nga – chủ sở hữu ụ nổi 83M.

    9h30: Luật sư Thắng đặt câu hỏi với bà Trần Thị Hải Hà – Giám đốc Công ty Phú Hà – em gái của Trần Hải Sơn về số tiền 1,67 triệu USD.

    Bà Hà cho biết: “Tôi hoàn toàn không biết gì cả, vì anh Sơn là anh trai tôi nhờ tôi làm thì tôi làm”.

    Khi luật sư Thắng tiếp tục xoáy sâu về vấn đề kê khai thuế số tiền 1,67 triệu USD, bà Hà nói rằng: “Việc kê khai thuế là việc của công ty chúng tôi, chúng tôi không phải trả lời vấn đề đó”.

     9h15:
    Đến lượt Luật sư Trần Đại Thắng đặt vấn đề với Trần Hải Sơn về việc chuyển nguồn tiền 1,67 triệu USD về Việt Nam.

    9h00: Luật sư Trần Đình Triển đặt câu hỏi với Trần Hải Sơn về lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra.

    Tài liệu của luật sư Triển cũng nói rằng, tên công ty Phú Hà mà ông Goh phải chuyển tiền là do phía Nga thông báo, còn tên tài khoản của công ty Phú Hà do ông Sơn thông báo?.

    Bị cáo Sơn phân trần: “Tôi là người cung cấp tên, tài khoản cho ông Goh, tôi có biết công ty của Nga đó đâu mà chia tách vấn đề ra”.


    Luật sư Trần Đình Triển 


    8h42: Luật sư Được đặt câu hỏi với Trần Hải Sơn về việc lời khai của Sơn tại cơ quan điều tra. Tháng 1/2007, khi Mai Văn Phúc chưa làm Tổng Giám đốc thì Phúc làm sao chỉ đạo cho Sơn trong việc khảo sát ụ nổi 220M?.

    Bị cáo Sơn cho biết: “Lời khai tại cơ quan điều tra tôi xác nhận nhưng không nhớ thời điểm, mốc thời gian”.

    Bị cáo Trần Hải Sơn 


    Đặt vấn đề bằng chứng về việc nhận số tiền lại quả 1,67 triệu USD, bị cáo Trần Hải Sơn cho biết, tất cả lời khai đã khai ở cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm.

    Luật sư Được đặt vấn đề về việc Sơn biết quan hệ không tốt giữa Dũng và Phúc. Hai người này mâu thuẫn, kết bè phái trong Tổng Công ty. Luật sư Được đặt vấn đề với bị cáo Sơn, nếu giữa họ có mâu thuẫn như vậy thì có bàn bạc chuyện chia tiền không?

    Bị cáo Sơn nói rằng: “Những vấn đề đánh giá chủ quan, tôi xin không đưa ra nhận xét”.

    8h30: Luật sư Phạm Huy Được tiếp tục đặt vấn đề về thẩm quyền trong việc mua bán ụ nổi 83M và việc chỉ đạo trong việc mua bán ụ nổi, Mai Văn Phúc cho biết: “Bị cáo không chỉ đạo gì cụ thể, tất cả anh Chiều tổng hợp cơ quan tham mưu báo cáo lên thế nào thì bị cáo thực hiện. Bị cáo rất tin anh Chiều, nên bị cáo để anh Chiều thực hiện dự án từ đầu đến cuối”.




    Đối với lời khai của Trần Hải Sơn về việc giao tiền, bị cáo Phúc nói rằng: "Không có chuyện đó, tại cơ quan điều tra, Sơn thay đổi lời khai liên tục".

    8h10: Mở đầu phiên xét xử, các luật sư bắt đầu xét hỏi bị cáo. Luật sư Phạm Huy Được đề nghị hỏi bị cáo Mai Văn Phúc-thân chủ của ông Được.

    Luật sư đặt vấn đề về vai trò, vị trí, phương thức bàn giao trách nhiệm Tổng Giám đốc. Theo bị cáo Phúc thì việc bàn giao công việc khi nhận chức Tổng Giám đốc là "trọn gói", nhưng không có sự bàn giao về tiến độ nhà máy sửa chữa đóng tàu biển phía Nam.




    8h00:
    HĐXX bắt đầu làm việc. Chủ tọa phiên tòa cho biết, buổi sáng hôm nay (23/4), HĐXX tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

    7h55: Các bị cáo lần lượt được đưa vào phòng xét xử.

    7h30: Trong phiên tòa sáng nay, các bị cáo đến tòa từ sớm. Bị cáo Dương Chí Dũng vẫn trong bộ trang phục áo trắng, quần đen đóng thùng. Trong phòng xét xử chỉ có duy nhất bị cáo Dương Chí Dũng. Các bị cáo khác được đưa sang phòng riêng.

    Bị cáo Dương Chí Dũng

     Trong phiên tòa hôm qua (22/4), HĐXX đang xét hỏi các bị cáo về nội dung kháng cáo, làm rõ việc mua bán ụ nổi 83M, hành vi "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và hành vi Tham ô tài sản. Tại phiên tòa ngày hôm qua, đối với hành vi tham ô: Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc một mực không nhận tội.

    Diễn biến vụ việc:

    Ngày 1/2/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

    Ngày 17/5/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố thêm tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Lúc này, ông Dương Chí Dũng đã rời ghế Chủ tịch HĐQT Vinalines để giữ chức Cục trưởng Hàng hải Việt Nam.

    Cùng ngày, 17/5/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can với ông Dương Chí Dũng và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, do có người mật báo nên ông Dương Chí Dũng đã bỏ trốn trước khi bắt 1 ngày sau đó. Cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Dương Chí Dũng. Đầu tháng 9/2012, ông Dũng bị bắt tại Campuchia.

    Ngày 12-16/12/2013, ông Dương Chí Dũng và đồng phạm hầu tòa với cáo buộc tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Với hai tội danh trên, ông Dương Chí Dũng nhận mức án tử hình. Nhận chung mức án còn có ông Mai Văn Phúc – cựu Tổng Giám đốc Vinalines – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT).

    Ngay sau bản án của tòa cấp sơ thẩm, các bị cáo đã làm đơn kháng cáo, trong đó ông Dương Chí Dũng làm đơn kêu oan và cho rằng mình không tham ô tài sản.

    Ngày 22-24/4/2014, TAND Tối cao tổ chức phiên tòa cấp phúc thẩm đối với Dương Chí Dũng và đồng phạm.





    Các mức án cụ thể trong phiên tòa sơ thẩm

    1./. Dương Chí Dũng (SN 1957) – nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tử hình.

    2./. Mai Văn Phúc (SN 1957) – nguyên TGĐ Vinalines tử hình.

    3./. Trần Hải Sơn (SN1960) – nguyên TGĐ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines 22 năm tù.

    4./. Trần Hữu Chiều (SN 1952) – nguyên Phó TGĐ Vinalines 19 năm tù.

    5./. Bùi Thị Bích Loan (SN 1963) – nguyên Kế toán trưởng Vinalines 4 năm tù. 

    6./. Mai Văn Khang (SN 1958) – nguyên Phó TGĐ Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) 7 năm tù. 

    7./. Lê Văn Dương (SN 1970) – Đăng kiểm viên, Chi cục Đăng kiểm số 6 – Cục Đăng kiểm Việt Nam 7 năm tù.

    8./. Huỳnh Hữu Đức (SN 1965) – nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa 8 năm tù.

    9./. Lê Ngọc Triện (SN 1964) – Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa 8 năm tù.

    10./.  Lê Văn Lừng (SN 1959) – cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa 8 năm tù.

    Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

    Tin liên quan

    Dương Chí Dũng làm thơ trước phiên xử phúc thẩm
    Dương Chí Dũng làm thơ trước phiên xử phúc thẩm

    Trước phiên phúc thẩm sẽ diễn ra vào ngày 22/4, vợ chồng Dương Chí Dũng vẫn làm những bài thơ tình cảm tặng nhau.

    Dương Chí Dũng làm thơ trước phiên xử phúc thẩm

    Dương Chí Dũng làm thơ trước phiên xử phúc thẩm

    Trước phiên phúc thẩm sẽ diễn ra vào ngày 22/4, vợ chồng Dương Chí Dũng vẫn làm những bài thơ tình cảm tặng nhau.

    Gia đình Dương Chí Dũng đã nộp 4,7 tỷ để khắc phục hậu quả
    Gia đình Dương Chí Dũng đã nộp 4,7 tỷ để khắc phục hậu quả

    Khoản tiền trên vẫn chưa thể xác định rõ là khắc phục hậu quả cho hành vi nào, “tham ô” hay “cố ý làm trái…”

    Gia đình Dương Chí Dũng đã nộp 4,7 tỷ để khắc phục hậu quả

    Gia đình Dương Chí Dũng đã nộp 4,7 tỷ để khắc phục hậu quả

    Khoản tiền trên vẫn chưa thể xác định rõ là khắc phục hậu quả cho hành vi nào, “tham ô” hay “cố ý làm trái…”

    Hôm nay xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm
    Hôm nay xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm

    VOV.VN - Tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên Dương Chí Dũng mức án tử hình.

    Hôm nay xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm

    Hôm nay xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm

    VOV.VN - Tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên Dương Chí Dũng mức án tử hình.

    Xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng vào ngày 22/4 tới
    Xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng vào ngày 22/4 tới

    VOV.VN -Bị cáo bị cáo buộc cầm đầu trong vụ án Dương Chí Dũng bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tử hình cho 2 tội danh.

    Xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng vào ngày 22/4 tới

    Xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng vào ngày 22/4 tới

    VOV.VN -Bị cáo bị cáo buộc cầm đầu trong vụ án Dương Chí Dũng bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tử hình cho 2 tội danh.

    Hình ảnh Dương Chí Dũng và đồng phạm tại tòa
    Hình ảnh Dương Chí Dũng và đồng phạm tại tòa

    VOV.VN - Ngày đầu xử phúc thẩm vụ án tham nhũng tại Vinalines, HĐXX xét hỏi các bị cáo để làm rõ về hành vi mua ụ nổi 83M.

    Hình ảnh Dương Chí Dũng và đồng phạm tại tòa

    Hình ảnh Dương Chí Dũng và đồng phạm tại tòa

    VOV.VN - Ngày đầu xử phúc thẩm vụ án tham nhũng tại Vinalines, HĐXX xét hỏi các bị cáo để làm rõ về hành vi mua ụ nổi 83M.