"Bẫy tín dụng đen" ở Quảng Nam: Sẵn sàng dùng súng để uy hiếp người vay

VOV.VN - Tại tỉnh Quảng Nam, những “bẫy tín dụng đen” được giăng ra ngày càng tinh vi, biến tướng dưới nhiều hình thức. Để đòi nợ, các đối tượng sẵn sàng dùng súng để uy hiếp, buộc người vay phải bán nhà với giá rẻ cho chúng.

Thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 kéo dài, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, các hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi gia tăng, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Tại tỉnh Quảng Nam, những “bẫy tín dụng đen” được giăng ra ngày càng tinh vi, biến tướng dưới nhiều hình thức. Nạn nhân bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần, liên tục bị các đối tượng khủng bố tinh thần, thậm chí bị hành hung, đe dọa tính mạng.

Hơn 2 năm qua, các hoạt động du lịch tại thành phố Hội An gần như đóng băng do ảnh hưởng của dịch bệnh, kéo theo tình hình kinh doanh, buôn bán ngưng trệ. Một tiểu thương ở chợ Hội An cho biết, cuối năm ngoái, buôn bán ế ẩm, thu nhập không đủ trang trải sinh hoạt gia đình, chị tìm đến dịch vụ cho vay tiền nhanh. Tiểu thương này không hề hay biết đã sập bẫy “tín dụng đen”, để rồi “lãi mẹ đẻ lãi con”, đến khi không đủ khả năng trả nợ, chị liên tục bị các đối tượng đe dọa, hành hung. 

“Mỗi lần đến buổi trưa là tôi hồi hộp, lo sợ vì đến thời hạn thu tiền mà tôi chưa có là họ hù dọa, ví tôi chạy, lấy đồ đánh tôi. Tôi sợ quá không còn tâm trí nào buôn bán”.

Một tiểu thương khác tại chợ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết, cuối năm ngoái chị cần gấp 10 triệu đồng để trả tiền mua hàng, qua giới thiệu chị đã tìm đến dịch vụ vay tiền nhanh. Theo tiểu thương này, các thủ tục cho vay rất đơn giản, chỉ cần phô tô giấy chứng minh nhân dân là có thể vay 10 triệu đồng nhưng chị chỉ nhận được một nửa số tiền như đã đăng ký.

“Vay 5 triệu phải trả góp ngày 250 ngàn đồng, ngày nào mà tôi có việc không đi bán ở chợ thì họ dọa đòi chặt chém tôi đủ thứ. Họ đưa tôi 5 triệu nhưng trừ phí hết 500 ngàn đồng rồi trừ tiễn lãi 2 triệu đồng nữa, chỉ đưa tôi 2,5 triệu thôi.”

Để đối phó cơ quan chức năng, các đối tượng sử dụng mạng xã hội zalo, facebook cùng nhiều ứng dụng (app) cho vay nặng lãi để tiếp cận người vay với lãi suất từ 240% đến 360%/năm. Các ứng dụng được quảng cáo với nội dung như: thủ tục nhanh gọn, không phải thế chấp tài sản, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng nhưng lại thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái quy định.

Một nữ cán bộ làm việc tại tỉnh Quảng Nam chia sẻ, năm 2017, để có tiền giúp đỡ người thân, chị đã tìm đến một ứng dụng cho vay trên mạng. Chỉ cần chụp chứng minh nhân dân, đăng ký các thủ tục đơn giản và cung cấp 10 số điện thoại liên lạc gần nhất là có thể vay ngay 20 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng. Số tiền vay này đã được nữ cán bộ trả đúng thời hạn, tuy nhiên từ cuối năm 2020 đến nay, chị liên tục nhận được các cuộc gọi đòi nợ. Chị này cho biết, các đối tượng dùng nhiều số điện thoại không đăng ký để gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần người thân và đồng nghiệp.

“Tôi mới nói với họ là cứ mang hồ sơ vay tiền tới nhà tôi, tôi sẽ mời tổ dân phố tới làm chứng để nếu tôi còn thiếu nợ thật thì tôi sẽ trả và họ phải hủy hồ sơ đó cho tôi. Nhưng họ vẫn không chịu, bắt tôi chuyển khoản trả họ chứ họ không tới nhà. Quậy phá tôi 2 năm nay rồi, đưa hình tôi lên mạng nói rằng tôi lừa đảo.”

Hàng trăm trường hợp dính vào “tín dụng đen”, cuộc sống bị đảo lộn. Nhiều người phải xin nghỉ việc, rời khỏi nơi cư trú. Đại diện lãnh đạo một bệnh viện tại tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua các đối tượng liên tục gọi điện quấy rối lãnh đạo bệnh viện khi cho rằng cán bộ, nhân viên trong bệnh viện nợ tiền.

“Họ gọi điện vào số máy cá nhân của lãnh đạo bệnh viện rồi cả thân nhân của lãnh đạo, gọi điện cả vào đường dây nóng của bệnh viện. Rất là phiền vì họ toàn gọi vào những giờ nghỉ, có người nhận được cả chục cuộc gọi trong một đêm và số điện thoại liên tục thay đổi nên không thể chặn được".

Thời gian gần đây, các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh dán tờ rơi, quảng cáo, kêu gọi vay vốn không cần thế chấp...

Theo Đại úy Phạm Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Nam, trên thực tế các đối tượng áp dụng lãi suất rất cao, lãi chồng lãi và các loại phí khác, khiến người vay mất khả năng chi trả: “Hiện nay công ty đòi nợ thuê thì từ thời điểm ngày 1/1/2022 đã không cho phép hoạt động nữa, tuy nhiên thực tế thì có hiện tượng biến tướng đòi nợ bằng cách thành lập các công ty luật hoặc công ty tài chính. Các công ty này tuyển nhân viên thực hiện việc sử dụng các sim rác để gọi điện đòi nợ và hợp đồng với nhau để bán nợ".

Năm ngoái, Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố 20 vụ án và 30 bị can liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Từ đầu năm đến nay, tại địa phương này đã xử lý 4 vụ án và 9 đối tượng bị khởi tố. Cuối năm ngoái, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã tạm giữ hình sự 5 đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi. Nhóm này khai nhận đã cho vay tiền với lãi suất từ 108% - 240%/năm, tổng số tiền cho vay lên đến 40 tỉ đồng, thu lợi bất chính 20 tỉ đồng. Để đòi nợ, các đối tượng này sẵn sàng dùng súng để uy hiếp, buộc người vay phải bán nhà với giá rẻ cho chúng.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi đã bị lực lượng công an triệt phá. Tuy nhiên, hoạt động này càng tinh vi, núp bóng dưới nhiều hình thức, lực lượng công an sẽ tiếp tục đấu tranh quyết liệt để chấn chỉnh kịp thời, không để xảy ra mất an ninh trật tự trên địa bàn.

 “Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an và UBND tỉnh Quảng Nam, lực lượng công an đã tổ chức triệt phá thành công nhiều nhóm cho vay nặng lãi trong giao dịch nhân sự. Điều này thể hiện tính quyết liệt, đảm bảo tình hình an ninh, an toàn, bình yên cho cuộc sống của người dân, tuyệt đối không để tội phạm lộng hành"-Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng nói.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hải Dương triệt phá nhóm “tín dụng đen”
Hải Dương triệt phá nhóm “tín dụng đen”

VOV.VN - Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng để điều tra về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Hải Dương triệt phá nhóm “tín dụng đen”

Hải Dương triệt phá nhóm “tín dụng đen”

VOV.VN - Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng để điều tra về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Trùm tín dụng đen "Quân trọc": Ép khách vay nợ bán nhà phố cổ với giá rẻ 
Trùm tín dụng đen "Quân trọc": Ép khách vay nợ bán nhà phố cổ với giá rẻ 

VOV.VN - Khi khách vay nợ chưa trả được tiền, "Quân trọc" và đàn em đe dọa, ép khách phải bán lại căn nhà phố cổ với giá rẻ để nhóm này làm "đại bản doanh" cho vay nặng lãi.

Trùm tín dụng đen "Quân trọc": Ép khách vay nợ bán nhà phố cổ với giá rẻ 

Trùm tín dụng đen "Quân trọc": Ép khách vay nợ bán nhà phố cổ với giá rẻ 

VOV.VN - Khi khách vay nợ chưa trả được tiền, "Quân trọc" và đàn em đe dọa, ép khách phải bán lại căn nhà phố cổ với giá rẻ để nhóm này làm "đại bản doanh" cho vay nặng lãi.

Xử lý tội phạm "tín dụng đen": Chế tài nào mới đủ sức răn đe?
Xử lý tội phạm "tín dụng đen": Chế tài nào mới đủ sức răn đe?

VOV.VN - Dù Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" nhưng các luật sư cho rằng, chế tài như hiện nay là không đủ sức răn đe.

Xử lý tội phạm "tín dụng đen": Chế tài nào mới đủ sức răn đe?

Xử lý tội phạm "tín dụng đen": Chế tài nào mới đủ sức răn đe?

VOV.VN - Dù Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" nhưng các luật sư cho rằng, chế tài như hiện nay là không đủ sức răn đe.