Bỏ án tử hình tội phạm tham nhũng, dân sẽ không đồng thuận
VOV.VN - Ông Nguyễn Mai Bộ nói: "Quan điểm của tôi là đối với tội phạm về tham nhũng thì không nương nhẹ".
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7 trong số 22 tội danh có quy định hình phạt tử hình trong luật hiện hành. Cụ thể gồm các tội cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Một số tội danh khác cũng có quy định tình tiết giảm nhẹ để người phạm tội có thể không phải chịu án tử hình. Dự thảo này đang nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia về pháp luật và người dân.
Phóng viên VOV trao đổi với ông Nguyễn Mai Bộ, Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương về vấn đề này.
Nghe nội dung cuộc trao đổi:
Tướng Chung: Cớ gì không tử hình tội phạm tham nhũng?
PV: Thưa ông, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi bỏ hình phạt tử hình đối với 7/22 tội danh. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bỏ tử hình với 7 tội danh như vậy sẽ khiến cho tội phạm ở nhóm tội này “nhờn luật”, không đủ sức răn đe. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Mai Bộ: Việc bỏ hình phạt tử hình phải dựa vào các căn cứ, thứ nhất là truyền thống lập pháp của mỗi quốc gia, thứ 2 là hình phạt phải trừng trị tương xứng với hành vi của người phạm tội. Thứ 3, chúng ta không đứng ngoài quan hệ quốc tế, trong đó có một số công ước mà chúng ta đã ký về quyền chính trị, dân sự.
PV: Trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi vẫn duy trì hình phạt tử hình cho hai tội tham ô và nhận hối lộ (thuộc nhóm tội tham nhũng). Tuy nhiên, lại cho phép người bị kết án tử hình đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất một nửa số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì có thể được chuyển hình phạt tử hình xuống chung thân. Việc quy định như vậy khiến cho dư luận cho rằng người có tiền sẽ không phải chết, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này ?
Ông Nguyễn Mai Bộ: Tôi cho rằng thiết kế trong dự thảo Bộ Luật hình sự sửa đổi với 2 tội nhận hối lộ và tham ô dẫn tới trùng tình tiết giảm nhẹ. Với tình tiết vừa nêu đã là tình tiết giảm nhẹ được quy định trong Điều 46 Bộ Luật Hình sự. Cụ thể nộp thêm tiền vào thì áp dụng điểm B Khoản 1 Điều 46 là tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả.
Bị cáo Dương Chí Dũng bị tử hình vì tội "Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” |
Thứ 2 là thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật để khai báo thì đã được thêm tình tiết giảm nhẹ nữa là điểm P khoản 1 Điều 46. Đó là thật thà, khai báo, ăn năn hối cải. Có 2 tình tiết này, lúc lượng hình đã áp dụng rồi nay lại áp dụng một lần nữa thì trùng áp dụng.
Xác định nham nhũng là giặc nội xâm nếu dùng cơ chế này trong khi tại Điều 41 Bộ Luật Hình sự đã quy định tài sản tham nhũng phải bồi thường. Khi xét xử, tòa án xác định, nhận hối lộ bao nhiêu thì tịch thu tài sản đó rồi. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã áp dụng quy kê biên tài sản đảm bảo thi hành án. Nay lại quy định như thế này thì xã hội không chấp nhận. Quan điểm của tôi là đối với tội phạm về tham nhũng thì không nương nhẹ.
PV: Mặc dù thu hồi tải sản tham nhũng là vấn đề quan trọng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng nhưng nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay vấn đề phát hiện tội phạm tham nhũng, trừng trị kẻ phạm tội tham nhũng quan trọng hơn việc thu hồi tài sản. Quan điểm của ông?
Ông Nguyễn Mai Bộ: Trong quá trình điều tra chúng ta chưa làm hết việc, chúng ta mới tìm ra người tham nhũng đó là ai, người ta tham nhũng bao nhiêu tiền của nhà nước nhưng chúng ta chưa tìm ra được tài sản đó đang nằm ở đâu. Lâu nay, chúng ta chưa làm hết trách nhiệm để tìm ra.
Nếu chúng ta tìm ra thì toàn án, viện kiểm sát, cơ quan đều tra có quyền áp dụng Điều 121 Bộ luật Tố tụng Hình sự, kê biên để bảo đảm thi hành án. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm ra tiền đó đã chuyển đi đâu thì lúc đó mới có cơ chế kê biên hóa giá, bây giờ với cách làm như thế này tôi e nhân dân không đồng thuận.
PV: Xin cảm ơn ông./.