Bộ Công an: Nhiều dữ liệu cá nhân, nội bộ bị thu thập, mua bán trái phép
VOV.VN - Trung tướng Nguyễn Minh Chính khẳng định, thời gian qua, số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép lớn nhất từng phát hiện lên tới gần 1.300GB, với hàng tỷ dữ liệu cá nhân, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.
Sáng 7/6, Bộ Công an tổ chức hội nghị phổ biến, hướng dẫn Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện Đại sứ quán, Lãnh sự quán một số quốc gia tại Việt Nam; đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng; các tổ chức doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước; chuyên gia, học giả về công nghệ thông tin, an ninh mạng, luật pháp.
Hội nghị tập trung 2 nội dung chính: "Phổ biến, hướng dẫn triển khai thi hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các tổ chức, doanh nghiệp" và "Trao đổi, giải đáp những câu hỏi có liên quan đến nội dung của Nghị định này".
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, theo thống kê của Liên Hợp Quốc, tính đến tháng 4/2023, thế giới có 5,18 tỷ người sử dụng internet (chiếm khoảng 65% dân số thế giới), với gần 29 tỷ thiết bị kết nối internet.
Việt Nam cũng đang hòa mình vào xu hướng chuyển đổi, phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số, công dân số với 77,93 triệu người sử dụng internet (chiếm hơn 79% dân số), sếp thứ 12 trên thế giới. Cơ sở hạ tầng không gian mạng phát triển nhanh và ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề, dịch vụ kinh doanh có liên quan đến dữ liệu cá nhân phát triển theo.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, Trung tướng Nguyễn Minh Chính khẳng định, sự phát triển nhanh, mạnh của khoa học công nghệ đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tình trạng lộ, mất dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Người sử dụng chưa có ý thức bảo bệ dữ liệu cá nhân dẫn đến đăng tải công khai hoặc lộ, mất, bị chiếm đoạt trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi.
Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân hiện diễn ra rất phổ biến, công khai với các dữ liệu thô và dữ liệu đã qua xử lý; nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật.
"Việc buôn bán dữ liệu cá nhân được tiến hành có hệ thống, có tổ chức, cam kết "bảo hành" và có khả năng cập nhật dữ liệu, trích xuất dữ liệu theo yêu cầu người mua. Nhiều dữ liệu bị rao bán công khai, trong thời gian dài, với số lượng lớn trên không gian mạng", Trung tướng Nguyễn Minh Chính nói.
Ông cũng thông tin, thời gian qua, Bộ Công an đã phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan đến hành vi bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu cá nhân quy mô lớn tại Việt Nam đã bị đấu tranh, xử lý.
"Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép lớn nhất từng phát hiện lên tới gần 1.300GB, với hàng tỷ dữ liệu cá nhân, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm", ông Chính cho hay.
Theo vị Trung tướng, thực trạng trên diễn ra tràn lan nhưng thực tế lại thiếu quy định của pháp luật để xử lý. Hiến pháp và Pháp luật ghi nhận về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thực hiện theo Chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ, từ năm 2019, Bộ Công an tham mưu Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân một cách bài bản, khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đồng thời đánh giá thực trạng trong nước để nghiên cứu, chỉnh sửa.
Sau khi Nghị định được ban hành, Bộ Công an đã tiếp nhận gần 1.000 ý kiến và câu hỏi của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước liên quan đến triển khai thực hiện Nghị định.
Tại Hội nghị hôm nay, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã phổ biến, hướng dẫn những nội dung, quy định cơ bản quan trọng, những nội dung mà tổ chức, doanh nghiệp còn chưa rõ, nhấn mạnh những vấn đề cần lưu ý khi triển khai. Qua đó, giúp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hiểu rõ hơn nội dung Nghị định, có nhận thức đúng về chính sách, pháp luật trên lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân của Việt Nam và tổ chức, triển khai một các có hiệu quả trong thực tiễn./.