"Bùng tiền" khi ăn nhà hàng có thể bị xử lý hình sự
VOV.VN - Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết, việc đi ăn nhà hàng nhưng không trả tiền rõ ràng là trái đạo đức, trái pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu của người cung cấp dịch vụ. Tuỳ vào tính chất vi phạm, người không trả tiền có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Ngày 29/5, Công an phường Cống Vị (quận Ba Đình, TP Hà Nội) xác nhận sự việc một cô gái đi ăn nhà hàng 5 sao trên địa bàn, bữa ăn hết hơn 11 triệu đồng nhưng không chịu trả tiền. Theo chỉ huy công an phường Cống Vị, cô gái có biểu hiện "tâm lý không bình thường" và thường xuyên đi ăn mà không trả tiền. Chỉ huy công an phường Cống Vị cho biết, phía nhà hàng không yêu cầu xử lý vụ việc và cô gái đã rời đi sau đó.
Trước sự việc trên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết, việc đi ăn nhưng không trả tiền rõ ràng là trái đạo đức, trái pháp luật xâm phạm đến quyền sở hữu của người cung cấp dịch vụ. Tuỳ vào tính chất mức độ hành vi vi phạm người không trả tiền có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
“Trường hợp nếu xử phạt hành chính, chủ quán có thể thoả thuận với người ăn thanh toán tiền trước khi rời đi hoặc thoả thuận giữ tài sản có giá trị tương đương số tiền nợ để đảm bảo người này quay lại trả nợ. Nếu cần thiết, chủ quán có thể báo với cơ quan công an đến lập biên bản xem xét xử lý về gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác theo quy định tại điểm c, khoản 1 điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Trong khoảng thời gian chờ cơ quan công an đến xử lý vụ việc thì hành động này không có dấu hiệu giữ người trái pháp luật” – luật sư Bình phân tích.
Ngoài ra, theo luật sư Bình, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự vì hành vi mua hàng nhưng cố tình không trả tiền. Cụ thể, căn cứ quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo đó người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm. Đồng thời người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tuy nhiên trong trường hợp khách hàng quỵt tiền mà có giấy xác nhận tâm thần hay nói cách khác là giấy tờ chứng minh là người bị mất năng lực hành vi dân sự thì vụ việc có thể được xử lý theo cách khác.
Luật sư Bình dẫn Điều 22, BLDS 2015: Người mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Và tại Điều 586 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại thuộc về người giám hộ (nếu có). Người giám hộ ở đây có thể là người thân hoặc một người khác tuỳ vào giấy tờ hồ sơ nhân thân của người được cho là mắc bệnh tâm thần.
Theo đó, người giám hộ có trách nhiệm dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu người giám hộ không muốn lấy tài sản của mình ra để bồi thường thì phải chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ.
Do vậy, tuỳ thuộc vào kết luận điều tra, nếu đúng khách hàng mắc bệnh tâm thần thì người giám hộ có thể phải tri trả bồi thường thiệt hại cho nhà hàng..