Cả làng thức đêm đánh kẻng, ném đá đuổi “cát tặc”

Suốt nhiều tháng qua, cuộc sống của người dân trong xóm đã bị đảo lộn vì tiếng máy nổ rầm rập của những người khai thác cát  quần đảo suốt đêm.

Theo phản ánh của người dân xóm Bình (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), thời gian vừa qua, nạn "cát tặc” hoành hành tại đây khiến người dân hết sức lo lắng và bức xúc. Hằng đêm, thay vì được nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt mỏi, già trẻ, gái trai trong làng lại kéo nhau ra bờ sông Mã đánh kẻng, hò hét, ném đá xua đuổi các thuyền hút cát trái phép.

Ông Hoàng Đạt Thọ (53 tuổi, trú tại xóm Bình, xã Vĩnh Hùng) cho biết, suốt nhiều tháng qua, cuộc sống của người dân trong xóm đã bị đảo lộn. Người già thì mất ngủ, trẻ em không có lúc nào yên tĩnh để học bài vì tiếng máy nổ rầm rập của bọn cát tặc quần đảo suốt đêm.

“Nếu như trước đây, họ chủ yếu hoạt động vào ban đêm thì hiện nay, các tàu này ngang nhiên hút cát trái phép cả ban ngày. Trên khúc sông chảy qua làng, thường xuyên có 5 - 7 chiếc thuyền túc trực, cứ cái này hút đầy lại đến lượt cái khác. Có thời gian cao điểm, dân làng đếm được cả 40 – 50 chiếc thuyền với hàng trăm lao động cùng hút cát tại khúc sông này. Trên sông như một đại công trường. Cát bị lấy đi quá nhiều không kịp bồi đắp đã làm một số nhà dân gần bờ đê bị rạn nứt. Không những thế còn ảnh hưởng rất lớn đến bờ kè ven sông Mã, gây mất đất nông nghiệp ở bãi bồi ven sông. Nhân dân chúng tôi ở đây đã quá mệt mỏi với nạn cát tặc rồi...", ông Thọ bức xúc.

Giữa ban ngày, nhiều chiếc thuyền lạ vẫn ngang nhiên cắm “vòi rồng”, thúc sát bờ đê hút cát trái phép

Cụ Lê thị Xuyến (ở xóm Bình, xã Vĩnh Hùng) đã 72 tuổi nhưng đêm nào cũng cùng đám thanh niên làng ra bờ đê hò hét xua đuổi “cát tặc”: "Xóm chúng tôi hàng đêm cứ thấy thuyền vào là đánh kẻng báo động, người dân đổ xô ra hò hét, ném đá xua thuyền đi, ngày trước đuổi thì họ ra giữa sông, còn bây giờ ném đá xuống thuyền thì họ đánh trả lại. Chúng tôi cứ ra đuổi được một lúc, các thuyền lại kéo nhau quay trở lại”.
“Nếu tình trạng hút cát như thế này chẳng mấy chốc bãi ngô trước mặt sẽ biến mất, cùng với bờ đê và ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân. Bà con ở đây đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện, thậm chí xuống tận tỉnh kêu cứu rồi”, bà Xuyến thở dài ngao ngán.

Cũng theo người dân xóm Bình, trước kia các thuyền khai thác ở giữa sông, còn thời gian gần đây, những người này liều lĩnh hơn, cho thuyền thúc sát vào tận chân đê để hút cát. "Hiện tại trên mặt đê đã xuất hiện nhiều điểm sụt lún. Nếu tình trạng này không sớm được ngăn chặn thì toàn bộ tuyến đê nhà nước mới bao kè trị giá hàng chục tỷ đồng, cùng nhà cửa của người dân có ngày cũng bị cuốn trôi nếu gặp mưa lũ lớn”, một người dân xóm Bình cho biết.

Trao đổi về vấn đề trên, bà Khúc Thị Minh, Trưởng phòng Phòng Tài nguyên môi trường huyện Vĩnh Lộc cho biết: "Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Mã đoạn qua xã Vĩnh Hùng rộ lên từ cuối năm 2011, có thời điểm tại đây có tới 30 - 40 tàu khai thác cát trái phép. Sau đó, UBND huyện đã thành lập chốt bảo vệ mỏ cát ở xã Vĩnh Hùng, gồm công an huyện, công an, dân quân địa phương, trang bị cả xuồng máy để xua đuổi các đối tượng khai thác cát trái phép. Có lúc cao điểm, huyện đã huy động tới 40 người giải tỏa các điểm khai thác cát trái phép”.

Cũng theo bà Minh, để giải quyết vấn nạn cát tặc nêu trên, các cơ quan cấp tỉnh cần sớm làm thủ tục bàn giao mỏ cát số 15 cho đơn vị trúng đấu giá để họ quản lý, bảo vệ và khai thác theo đúng quy định của Nhà nước.

Ông Hoàng Đình Nghị - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hùng xác nhận, những đối tượng khai thác cát trên địa bàn những ngày gần đây là trái phép, bởi chính quyền địa phương chưa bàn giao mỏ cho đơn vị nào. Mỗi lần có cát tặc xuất hiện, địa phương lại cử cán bộ, công an xã xuống cùng người dân xua đuổi nhưng lực lượng mỏng nên chỉ như “đá ném ao bèo”. Thậm chí, đã có một vài cán bộ xã bị bọn cát tặc hất văng xuống sông, hay bị thương khi truy đuổi cát tặc.

"Chính quyền, nhân dân địa phương mong sớm được bàn giao mỏ cát số 15 cho doanh nghiệp trúng thầu để họ quản lý, bảo vệ, khai thác. Bởi cứ để tình trạng khai thác cát trái phép hoành hành thì nhân dân địa phương còn khổ, bức xúc; chính quyền xã phải tăng cường lực lượng bảo vệ mỏ cát, làm mất thời gian của cán bộ, công chức; gây tốn kém cho ngân sách xã và huyện..."

Được biết, sau khi người dân xóm Bình mang đơn xuống tỉnh khiếu nại nhiều ngày, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 1509/UBND -TD giao cho Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND huyện Vĩnh Lộc kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm việc khai thác cát trái phép tại xã Vĩnh Hùng. Tuy nhiên, trong khi chờ các biện pháp mạnh tay của chính quyền thì hơn 120 hộ với 450 nhân khẩu xóm Bình ngày đêm vẫn phải “chiến đấu” với nạn “cát tặc”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên