Pháp lệnh về trình tự, thủ tục Tòa án Nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua rất quan trọng và cần thiết để quản lý, giáo dục, chữa bệnh cho trẻ nghiện ma túy khi không thực hiện được việc cai nghiện tự nguyện. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy việc tổ chức sẽ không hề đơn giản, cần phương án cụ thể.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH)
về vấn đề cai nghiện cho trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi

PV: Thưa Cục trưởng, hiện nay số trẻ từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy được Công an quản lý là bao nhiêu? Việc quản lý các em thuộc trách nhiệm của cơ quan nào?

Ông Trần Ngọc Túy: Theo số liệu thống kê của ngành công an đến ngày 31/12/2021, số đối tượng trẻ từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy là 743 em.

Chúng tôi dự tính chỉ 15% trong số đó vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bởi, các em chủ yếu tham gia cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là chính, ngoài ra một số em ở các Trường giáo dưỡng, các cơ sở tạm giam, tạm giữ...

Việc quản lý đối tượng này hiện nay trách nhiệm chính thuộc ngành công an, phối hợp UBND xã.

PV: Việc bảo đảm quyền học tập cho các em ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được quy định trong Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tổ chức sẽ rất khó khăn. Ông có thể phân tích rõ hơn?

Ông Trần Ngọc Túy: Về nguyên tắc, đã quy định rồi các cơ sở cai nghiện, các cấp ngành, cơ quan liên quan phải tổ chức triển khai đảm bảo việc học tập cho các em. Tuy nhiên, với dự liệu chúng tôi thấy, việc tổ chức có những khó khăn cơ bản như sau.

Thứ nhất, số lượng đối tượng trẻ em phải đi cai nghiện tập trung là 743 em với 97 cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cho nên số lượng ở các cơ sở này sẽ rất ít. Chính vì ít nên việc làm thế nào để triển khai việc học tập cho các em có hiệu quả là cả câu chuyện phức tạp.

Thứ hai, các em học sinh này không phải cùng một trình độ, em học lớp 6-7, em lớp 8-9 và cao hơn. Cho nên việc tổ chức học cho các em rất là khó. Nếu số lượng tập trung và cùng trình độ thì việc tổ chức dễ dàng hơn.

Việc khó nữa là đưa các em từ cơ sở cai nghiện đến các trường học. Nếu các em học tại cơ sở cai nghiện thì việc xây dựng cơ sở cho các em học tại chỗ là rất khó vì chúng ta không thể tuyển giáo viên dậy đủ các môn vào cơ sở cai nghiện như các cơ sở đào tạo.

Chính vì vậy, việc đưa các em từ cơ sở cai nghiện ra các trường, ít nhất mỗi một em phải có một người tương ứng với trình độ của các em đi cùng trong thời gian các em học tập tại đó.

Bởi, dứt khoát các em phải là đối tượng được quản lý nên không thể bỏ các em tự đi, tự về. 

Một khó khăn nữa, thường các cơ sở cai nghiện ma túy ở rất xa trung tâm. Khoảng cách thường 20-30 km chưa kể đường xá đi lại khó khăn. Cho nên việc đó, cực kỳ khó khăn cho các cơ sở cai nghiện lúc này.

Vì mới bắt đầu triển khai, cho nên trong Luật cũng quy định, các cơ sở cai nghiện ma túy phải đảm bảo các điều kiện tổ chức hoạt động cai nghiện theo quy định mới. Và thời gian cho phép để chuẩn bị 2 năm từ khi Luật có hiệu lực.

Tức là đến 1/1/2024 các cơ sở cai nghiện ma túy phải đáp ứng yêu cầu của cơ sở cai nghiện theo Luật như, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, nhân lực, phân khu,…

Về việc này, khi bắt đầu Luật có hiệu lực, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã có văn bản chỉ đạo các địa phương phân công trách nhiệm cụ thể cho UBND cấp tỉnh, Phòng Lao động Thương binh xã hội cấp huyện và các cơ sở cai nghiện, UBND cấp xã, từng cấp một để mỗi đơn vị theo từng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất để triển khai thực hiện.

PV: Vì các cháu còn bé, nên ngoài việc chuẩn bị vấn đề học tập các cơ sở còn phải chuẩn bị gì về nơi ăn, chốn ở, hay sinh hoạt tập thể, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Túy: Việc tổ chức cai nghiện cho các em từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi, hay từ 18 tuổi trở lên theo quy định chung. Ví dụ như quy định chung về diện tích tự nhiên, đối với thành thị là 80m2/1 đối tượng, nông thôn là 100 m2/đối tượng, miền núi 120 m2/đối tượng.

Diện tích nơi ở là 6 m2/đối tượng, với đối tượng quản lý 24/24 là 8 m2. Quy định chung là như thế và không tách riêng với đối tượng là trẻ em. Tuy nhiên, trong luật có quy định cụ thể là phải phân khu riêng dành cho trẻ em từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi.

Việc này, theo dự liệu của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách cho rằng, hai đối tượng này cần quản lý riêng. Bởi, đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên phải xử phạt vi phạm hành chính. Còn các em từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi không bị xử phạt hành chính.

Các em trong độ tuổi này, còn đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, nên phải được quản lý riêng, bằng chế độ chăm sóc riêng. Tinh thần của các nhà làm luật, trong quá trình quản lý các em phải tạo một môi trường, điều kiện quản lý tốt nhất.

Chăm sóc sức khỏe cho các học viên tại các cơ sở cai nghiện (Ảnh Tiếng Chuông)

PV: Các em từ 12 đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện tập trung sẽ mất thời gian bao lâu? Nếu thời gian ngắn thì việc đảm bảo cho các em học tập sẽ thế nào, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Túy: Thời gian cai nghiện của các em từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi là từ 6-12 tháng.

Cho nên trong này, chúng tôi cũng đã nghiên cứu và cho rằng, việc học tập của các em còn một yếu tố khó khăn. Tức là thời gian cai nghiện của các em chỉ có bằng đó, mà riêng thời gian cắt cơn, giải độc, trị liệu tâm lý, chắc chắn phải mất từ 2-3 tháng. Như vậy, chỉ còn 2-3 tháng nữa để đăng ký cho các em học hiệu quả cũng không cao.

Quy định việc học tập đối với đối tượng phổ cập phổ thông bắt buộc, câu chuyện này phải trên cơ sở thực tiễn. Ví dụ đối với các em có điều kiện môi trường có thể tham gia học tập tốt như gần cơ sở đào tạo, thời gian cai nghiện dài thì có thể đăng ký tham gia học tập.

Còn với các em thời gian ngắn chỉ có thể xin bảo lưu sau đó đi học. Còn thời gian cai nghiện nên tập trung chính cai nghiện tốt, qua đó hạn chế tối đa việc các em tái nghiện. Một số em sau khi cai nghiện tại trung tâm đã nhận ra dính vào nghiện có rất nhiều hệ lụy.

Việc học nghề là mong muốn của các học viên cai nghiện, chứ không phải ép buộc

PV: Đối với các em nhỏ vướng vào nghiện thì việc bảo mật thông tin các em thế nào và sau khi cai nghiện xong về địa phương, tiếp tục đi học thì việc quản lý các em thế nào, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Túy: Đó là quyền nhân thân cần được bảo vệ, đối với các em khi vào các cơ sở cai nghiện thì trong hồ sơ của các em tuyệt đối không được ghi thông tin liên quan đến nghiện, chỉ có trong hồ sơ của cơ quan quản lý để có giải pháp.

Sau khi các em cai nghiện tập trung xong, theo quy định, thời gian quản lý đối với đối tượng 18 tuổi trở lên là 2 năm. Còn đối với các em trẻ đủ 12- dưới 18 tuổi là 1 năm. Trong một năm đó, sẽ có cơ chế quản lý cụ thể trong Luật, và nghị định.

PV: Việc học nghề của trẻ tại Trung tâm cai nghiện được tiến hành thế nào thưa ông?

Ông Trần Ngọc Túy: Việc đào tạo nghề cho các em, sẽ theo quy định chung. Trong quá trình triển khai, các cơ sở cai nghiện ma túy họ phải căn cứ theo thực tế, số lượng đối tượng và mong muốn của các em. Bởi, việc học nghề là mong muốn của các em, chứ không phải mình bắt ép các em phải học.

PV: Luật Phòng chống ma túy có hiệu lực 1/1/2022, trong quá trình làm luật, theo ông còn có điều gì đang vướng mắc cần được xử lý ngay không?

Ông Trần Ngọc Túy? Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng, cần phải tổ chức triển khai 1,2 năm mới có đánh giá từng nội dung ra sao. Nhưng có một khó khăn ngay ban đầu, mà ai cũng nhìn thấy ngay đó là việc các cơ sở cai nghiện tuyển dụng đội ngũ có trình độ về mặt Y tế còn nhiều khó khăn.

Chúng ta cũng thấy rằng, việc đào tạo một cán bộ y tế cần cả một quá trình bài bản, mà tuyển dụng họ về cơ sở cai nghiện thì họ không muốn vì chế độ chính sách còn nhiều bất cập. Cho dù, ngành Y tế, lao động đã đề xuất với chính phủ rất nhiều cơ chế, chính sách nhưng so với nhu cầu thực tiễn, so với đóng góp, công sức học tập của họ bỏ ra thì luật còn hạn chế.

Cho nên đội ngũ nhân viên y tế ở các cơ sở cai nghiện bây giờ, số lượng là rất ít và việc tuyển dụng cực kỳ khó khăn từ trước đến nay.

Thường các cơ sở cai nghiện ở rất xa Trung tâm, cho nên tuyển dụng những người có tâm huyết, trách nhiệm đã là rất quý. Bây giờ, Luật mới ra cần nhiều tiêu chí thì sẽ khó khăn hơn nữa.

Về cơ sở vật chất, qua rất nhiều năm, các cơ sở, trung tâm được tiếp quản từ nhà tù, hay cơ sở khác mà không phải chuyên cho cơ sở cai nghiện cũng được xây dựng từ rất lâu rồi, nên chúng cũng đã xuống cấp.

Ngay ở miền Bắc, nhiều cơ sở còn không có giường, người ta còn phải xây các bệ xi măng để đối tượng rải chiếu nằm. Cho nên, đó là một trong những điều mà trong thời gian tới chúng tôi có những nghiên cứu, đề xuất và chỉ đạo các địa phương cùng các cơ sở cai nghiện đánh giá lại, so sánh đối chiếu với quy định của luật về diện tích đất đai, quy định của Luật,.. để xây dựng đề án trình các cấp, ngành tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở.

PV: Như ông vừa nói, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng sẽ là nỗi lo của phụ huynh khi có con em phải vào đây cai nghiện. Ông có ý kiến gì về việc này?

Ông Trần Ngọc Túy: Về nguyên tắc, theo Luật, các cơ sở phải đáp ứng đủ yêu cầu. Thời gian qua, chúng tôi cũng đi thăm quan một số cơ sở, tại một số địa phương đã chủ động chuẩn bị khu mới để chuẩn bị đủ cơ sở vật chất đón các em.

Luật quy định thế, nên các cơ sở cai nghiện và UBND các tỉnh phải có trách nhiệm chuẩn bị điều kiện theo quy định của luật và Chính phủ.

Các em vào đó được ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt theo đúng quy định. Việc đó được dựa trên cơ sở cân đối giữa các đối tượng, các lĩnh vực và các ngành… Về phía các Bộ, cơ quan trong quá trình xây dựng đã đề xuất đầy đủ.

PV: Số trẻ em nghiện đã đáng báo động, theo ông lúc này các ngành, cấp nên có biện pháp gì bảo vệ các em?

Ông Trần Ngọc Túy: Ngành giáo dục có vai trò rất quan trọng vì họ quản lý nhiều thời gian của các em ở trường, trong ròng rã 1 năm học. Vì vậy, tôi cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông nên có cảnh báo những hệ lụy, những yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến quá trình học tập, sinh hoạt, phát triển của trẻ liên quan đến vấn đề ma túy

Cái này, nếu được, ngành Thương binh Xã hội và Giáo dục sẽ có chương trình phối hợp, xây dựng hẳn chuyên đề, sinh hoạt tập thể, có thể tuyên truyền qua buổi sinh hoạt tập thể của các em.

Còn nếu đưa vào các môn Giáo dục công dân hay môn gì đó, trong đó có cả giáo dục đạo đức, tư cách phẩm chất và gắn vào đó những hệ lụy, những vấn đề về tệ nạn xã hội hỗ trợ rất nhiều các em không dính vào ma túy.

PV: Xin cảm ơn Cục trưởng!./.

Chương trình giáo dục phổ thông nên có cảnh báo những hệ lụy, những yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến quá trình học tập, sinh hoạt, phát triển của trẻ liên quan đến vấn đề ma túy (Ảnh Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy)

Thứ Bảy, 06:00, 14/05/2022