Cần cấm triệt để hành vi sử dụng ma túy để đảm bảo an toàn xã hội
VOV.VN - Số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng với hình thức đa dạng. Vì vậy, việc có cách tiếp cận mới về biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là cần thiết.
Tại kỳ họp 11, Quốc hội khóa 14 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống ma túy sửa đổi với nhiều điểm mới nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống ma túy. Đáng chú ý, Luật quy định cụ thể việc tăng cường quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Hiện nay, đối tượng nghiện ma túy rất đa dạng và có xu hướng trẻ hóa. Đáng lưu ý người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra tình trạng mất an ninh trật tự ở nhiều nơi với nhiều vụ án mạng gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình. Nhiều người sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho họ và gây mất an ninh trật tự xã hội. Đặc biệt, người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần ngáo đá không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án gây hoang mang trong dư luận, có những vụ giết chính người thân.
Ông Lê Trung Tuấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy) cho rằng, đã có không ít vụ học sinh trung học phổ thông sử dụng ma túy đã bị cơ quan công an phát điện. Đáng nói trào lưu sử dụng các loại ma túy tổng hợp cực mạnh đang là cơn lốc ngầm khủng khiếp tàn phá một bộ phận giới trẻ.
"Chúng tôi thấy rằng tình hình ma túy đá, ma túy tổng hợp đang thật sự là nghiêm trọng và chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa, càng nhanh càng tốt, ngăn ngừa những người nghiện ma túy mới, chống tái nghiện"- ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai vẫn còn nhiều tồn tại, hiệu quả chưa cao. Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho rằng, số người nghiện có hồ sơ quản lý hiện còn thấp so với số người nghiện thực tế. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, nếu không làm tốt công tác cai nghiện và để cho các đối tượng nghiện mới phát sinh thì hậu quả sẽ không thể kiểm soát nổi.
"Nếu chúng ta không làm tốt công tác cai nghiện ma túy và chúng ta không nghiêm khắc ngay từ ban đầu thì sau này những người nghiện ma túy chỉ bị những hình thức xử lý hành chính, nhưng ranh giới bước sang tội phạm ma túy rất đơn giản. Người sử dụng ma túy, nó là tiền đề tội phạm. Tội phạm ma túy là tội phạm các loại tội phạm." - Thượng tá Ngô Thanh Bình cho biết.
Để đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy có hiệu quả, ông Trần Duy Ngoãn, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An cho rằng, giải quyết vấn đề ma túy là của cả hệ thống chính trị, phải quyết liệt bởi vì công an là lực lượng xung kích, lực lượng nòng cốt ngăn chặn. Nhưng cái quan trọng nhất vẫn là tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị thì mới thành công.
Phòng chống ma túy là cuộc chiến gian nan và còn nhiều thách thức. Để phòng chống ma túy có hiệu quả không chỉ các cơ quan chức năng vào cuộc mà mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy để mỗi gia đình là nơi an toàn và các tệ nạn xã hội khác không thể tác động thâm nhập. Cùng với đó, việc hoàn thiện pháp luật, tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống ma túy cũng là cần thiết.
Luật Phòng, chống ma túy, sửa đổi, gồm 8 Chương 55 điều, các quy định của Luật đã thể hiện rõ quan điểm về kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy và quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy. Điểm mới của luật so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008, đó là quy định cụ thể: Trường hợp bị xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể để các cơ quan chức năng có căn cứ khách quan xác định người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và giám sát người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo đó, sử dụng trái phép chất ma túy là người có xét nghiệm dương tính với chất ma túy. Việc sử dụng chất ma túy của người đó trái luật và chưa xác định được tình trạng nghiện. Trường hợp này sẽ bị áp dụng hình thức quản lý 1 năm đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên, 6 tháng đối với người dưới 18 tuổi. Trong thời gian quản lý, nếu người đó thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì được thực hiện theo quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nếu được xác định tình trạng nghiện thì thực hiện theo các quy định về cai nghiện.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, nhà hàng đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh trật tự. "Thực tế ở nhiều địa phương không kiểm soát được tình hình sử dụng ma túy, dẫn đến nhiều hành vi gây ra các vụ việc xuất phát từ ma túy rất nghiêm trọng. Do đó cần phải bổ sung thêm một chương là quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy."
Để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, phòng, chống ma túy, hiệu quả đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Chúng ta phải cấm không cho phép sử dụng ma túy. Vì khi sử dụng rồi, nếu chỉ trông chờ vào bản thân con người đó và gia đình thì không có cách nào để ngăn chặn, tỷ lệ tái nghiện là rất cao. Tôi rất mong chúng ta phải quyết liệt hơn ngay từ đầu."
Luật phòng, chống ma túy sửa đổi cũng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy; Bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan này cụ thể Luật Quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao công an cấp xã chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức đoàn thể cùng cấp và gia đình quản lý giáo dục động viên người sử dụng trái phép chất ma túy.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: "Giải pháp bây giờ rõ ràng là câu chuyện quy trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã. Trách nhiệm tiếp theo trong luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Công an địa phương, cụ thể ở đây là công an xã trong việc giúp Chủ tịch UBND xã xử lý câu chuyện cai nghiện."
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng khẳng định: "Vấn đề quản lý sau cai nghiện này bao gồm hai nội dung. Nội dung thứ nhất là quản lý với người sử dụng trái phép chất ma túy. Định kỳ trong thời gian nhất định, phải kiểm tra xem người đó sử dụng ma túy không? Thứ hai là nội dung hỗ trợ xã hội, đây là biện pháp mà người nghiện ma túy có trách nhiệm thực hiện việc này."
Hoàn thiện hệ thống pháp lý về phòng, chống ma túy là một vấn đề quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Luật Phòng, chống ma túy, sửa đổi, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022./.