Cảnh báo tình trạng lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Tính đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai đã tiếp tục nhận được đơn của 169 người, tố cáo 36 đối tượng ở Pleiku trốn nợ với số tiền hơn 115,643 tỷ đồng.  

Trong những năm gần đây, Gia Lai nổi lên như là "điểm nóng" về tình trạng vỡ nợ với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng do một số người dân hám lợi đã cho người khác vay vượn tiền và tài sản với lãi suất cao mà không có một loại giây tờ cần thiết hợp pháp nào. Qua nhiều vụ vỡ nợ, nhiều hộ dân đã phải phá sản, mất sạch tài sản nhà cửa và còn gánh những mối nợ mà cả đời không trả nổi. Đây là một trong những nguyên nhân làm mất trật tự an ninh xã hội và làm cho cuộc sống bao người điêu đứng.

Theo thống kê mà Công an tỉnh Gia Lai có được, trong hai năm 2008 và 2009, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố 6 vụ, bắt giữ 13 đối tượng phạm tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến các vụ vỡ nợ xảy ra trong năm 2008 tại thành phố Pleiku, với số tiền chiếm đoạt của 25 người là hơn 131,492 tỷ đồng.

Tính đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai đã tiếp tục nhận được đơn của 169 người, tố cáo 36 đối tượng ở Pleiku trốn nợ với số tiền hơn 115,643 tỷ đồng. Trong đó, có 22 vụ mới phát sinh, chủ yếu từ tháng 11/2009 đến nay, liên quan đến 76 người, số tiền trốn nợ hơn 89,801 tỷ đồng.

Ngoài ra, lực lượng công an còn phát hiện nhiều vụ vỡ nợ khác với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng các đương sự chưa viết đơn tố cáo. Với những con số trên cho thấy Gia Lai đang trở thành "điểm nóng" về các vụ vỡ nợ và lợi dụng tín nhiệm để trục lợi đang diễn ra tràn lan.

Xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chủ yếu là do vay tiền để đáo hạn ngân hàng, do hám lời, nhiều người đi vay để cho vay lại với lãi suất cao hơn từ 2 đến 9,3% tháng. Người vay để kinh doanh nhưng thua lỗ cộng với chi trả lãi suất quá cao trong một thời gian dài không còn khả năng thanh toán; nhiều người vay để đóng hụi, bị giật hụi...

Theo các cơ quan của Gia Lai, mặc dù cho vay với số tiền lớn nhưng đa số các trường hợp cho vay lại ít quan tâm đến tính pháp lý của vụ việc, thủ tục rất đơn giản, không có tài sản thế chấp, chỉ bằng giấy vay nợ viết tay không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, không xác định thời gian trả nợ… Do đó, khi tranh chấp xảy ra, cơ quan chức năng không có cơ sở để thụ lý, giải quyết, dẫn đến quyền lợi của người cho vay tiền không được pháp luật bảo vệ.

Để chấn chỉnh tình hình trên và lập lại trật tự xã hội do tình trạng vỡ nợ gây ra, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn gửi các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các đoàn thể tổ chức họp dân, phổ biến cho nhân dân biết tình hình nêu trên để cảnh giác, thận trọng, thực hiện đúng các thủ tục pháp lý khi cho người khác vay mượn tiền, tài sản; nhằm chủ động bảo vệ quyền lợi của mình và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc thụ lý, giải quyết khi có tranh chấp xảy ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên