Cảnh sát phòng, chống ma tuý - Những “bông hoa thép”

Họ không sinh ra ở Tây Bắc, nhưng nói tiếng nói của đồng bào dân tộc và thuộc lòng những cung đường trên tuyến biên giới phức tạp này.

Người Tây Bắc vẫn nói: Không có đỉnh núi nào cao hơn bước chân người Mông. Còn với họ, không có địa bàn nào nóng bỏng về ma túy nơi vùng cao gian khó này mà họ chưa từng đến. Đó là những chiến sĩ cảnh sát phòng chống ma túy đang sống, cống hiến hết mình trong cuộc đấu tranh sống còn với bọn tội phạm ma túy, vì sự bình yên của núi rừng Tây Bắc.

Bản Na Ngum, xã Thanh Yên, tỉnh Điện Biên - Một địa bàn phức tạp về tội phạm ma tuý

“Khắc tinh” của tội phạm ma túy

Với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Xuân Kiên, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống ma túy, Công an tỉnh Lai Châu là một người bạn. Anh dễ đồng cảm, chia sẻ nên với cánh nhà báo, khoảng trời Tây Bắc xa mà gần, hình ảnh những chiến sĩ cảnh sát phòng chống ma túy trên vùng biên cương phía Bắc Tổ quốc qua những lời kể của anh bao giờ cũng hào hùng mà thi vị.

Gần 10 năm gắn bó với Lai Châu, người con của quê hương Thanh Hóa ấy đã trực tiếp xác lập và chỉ huy phá hàng trăm vụ án. Thượng tá Kiên thông thuộc địa hình, am hiểu tường tận các phong tục tập quán của người dân Tây Bắc cũng như những đường mòn qua biên giới mà bọn tội phạm thường qua lại.

Biết và giao tiếp được với đồng bào nhiều dân tộc, anh tâm sự: “Muốn đấu tranh với bọn tội phạm ma túy trong vùng đồng bào dân tộc, muốn để người dân tin mình và không tiếp tay cho bọn tội phạm ma túy thì phải hiểu cuộc sống của họ. Muốn làm tốt công tác tuyên truyền, trước hết người cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ phải hiểu và yêu tiếng nói của đồng bào”.

Từng đóng nhiều vai, từ bác sĩ, công nhân, kiểm lâm, phóng viên cho tới dân chơi thứ thiệt để phá án, diễn xuất như thật của Thượng tá Nguyễn Xuân Kiên đã giúp đồng đội tiếp cận đối tượng và khóa tay khi chúng còn chưa kịp tẩu tán tang vật. Cái tài của anh là luôn chớp đúng thời cơ, triển khai phương án nhanh và ứng biến linh hoạt nên rất nhiều chuyên án phức tạp đã được anh giải quyết chỉ trong một thời gian ngắn. Với người chỉ huy tận tâm ấy, một chuyên án chỉ thực sự thành công khi đối tượng phạm tội bị bắt giữ mà anh em trinh sát vẫn an toàn.

Chân thành và giản dị, anh kể cho tôi nghe nhiều chuyện vui, buồn trong khi đi làm án. Vui khi được nhân dân giúp đỡ, vui khi bắt được đối tượng mà anh em trong đội vẫn trở về lành lặn. Nhưng buồn nhiều khi chứng kiến những nếp nhà xiêu vẹo, những đứa trẻ mất cha mẹ vì ma túy.

“Không bắt được hổ nếu không chui vào hang!”

Chia tay Thượng tá Nguyễn Xuân Kiên, nhưng câu nói của anh về người phụ nữ “đánh án ma túy giỏi trên đất Tây Bắc” cứ đeo bám chúng tôi. Và nó thôi thúc chúng tôi đi tìm chị để được thấy tận mắt người nữ chiến sĩ mà bọn tội phạm trên cung đường ma túy này thường e ngại. Chị là Thượng tá Ngô Thị Thủy, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống ma túy Công an tỉnh Điện Biên. Người con gái của quê hương Hà Tĩnh ấy hơn 10 năm nay đã khẳng định vai trò và sức mạnh của phụ nữ trong cuộc đấu tranh triệt xóa các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ biên giới Việt Lào qua Điện Biên về Hà Nội.

Họ không sinh ra nơi vùng cao gian khó này nhưng họ là những chiến sĩ quả cảm, những bông hoa thép trên vùng đất lửa. Trong chuyện kể với chúng tôi, họ nói nhiều về Tây Bắc. Dường như trong lòng những người con miền xuôi ấy, đất rừng nơi đây đã là thương, là nhớ để rồi các anh, chị nguyện gắn bó, chiến đấu và hy sinh vì sự bình yên của mảnh đất còn nhiều khó khăn, gian khổ này.

Vẫn còn nguyên chất giọng đặc trưng của người miền Trung, thượng tá Ngô Thị Thủy luôn được anh em đồng nghiệp xếp là “át chủ bài” trong mỗi vụ phá án. Có chuyên án, các trinh sát nắm được nguồn tin nhưng không thể nào tiếp cận được đối tượng ở khoảng cách gần do chúng luôn có người cảnh giới xung quanh. “Không thể bắt được hổ nếu không chui vào hang”, Thượng tá Thủy tìm cách thâm nhập vào đường dây mua bán, vận chuyển ma túy dưới vỏ bọc là một khách đi tìm mối hàng đưa về Hà Nội. Tóc nhuộm vàng hoe, kính đen, mũ phớt, ăn nói bặm trợn, chị Thủy vào vai khá “ngọt” nên đã qua mắt được nhiều tên trùm ma túy khét tiếng ranh ma. Nhưng không ít lần, chị bị chúng đưa vào tình thế khó để thử thách và lần tìm sơ hở của đối phương.

Có những khi kế hoạch thay đổi không kịp báo cho anh em trinh sát, một mình giữa vòng vây của tội phạm, Thượng tá Ngô Thị Thủy vẫn bình tĩnh, không hề run sợ và tìm ra phương án tối ưu để thoát thân. Đối mặt với những tên tội phạm ma túy là nam giới đã khó nhưng với các trùm ma túy nữ, bao giờ chúng cũng cảnh giác và lắm chiêu hơn. Từ trinh sát, mật phục đến bắt khám xét. Thượng tá Ngô Thị Thủy đã phá nhiều vụ án mà kẻ chủ mưu là nữ.

Khắp cánh cung Tây Bắc rộng lớn, ít có nơi nào chị chưa từng đặt chân đến. Và trên dải đất Điện Biên còn nhiều khó khăn, hơn 10 năm nay, Thượng tá Thủy đã góp mặt trong hầu khắp các chuyên án ma túy của tỉnh. Chị thuộc cung đường này như lòng bàn tay và có thể “đọc vị” những đối tượng buôn “hàng trắng” ở tuyến này.

Bọn buôn ma túy luôn mang theo vũ khí nóng trong người, sẵn sàng xả súng khi bị bao vây. Vì vậy, với người chiến sĩ làm nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến Tây Bắc, luôn đối mặt với nguy hiểm, thậm chí là cái chết. Nói là vậy nhưng chị bảo sẽ làm đến cùng công việc này bởi đơn giản đó là niềm tin, trách nhiệm với anh em đồng đội; bởi cuộc chiến chống tội phạm ma túy ở Điện Biên đang cần chị.

Thượng tá Ngô Thị Thuỷ, nữ công an đánh án ma tuý giỏi ở Tây Bắc

Hoạt động của tội phạm ma túy càng mưu mô, xảo quyệt thì công tác điều tra khám phá án lại càng trở nên phức tạp. Có những chuyên án, cán bộ, chiến sỹ phải trinh sát, thu thập tài liệu hàng năm trời. Vượt núi, băng đèo, dầm mưa, dãi nắng không kể ngày đêm bám địa bàn, bám đối tượng. Ăn lương khô, ngủ trong rừng, chịu muỗi vắt, đói rét... đã trở thành “chuyện thường ngày” của lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy trên tuyến Tây Bắc.

Thượng tá Nguyễn Xuân Kiên, Thượng tá Ngô Thị Thủy và rất nhiều gương mặt khác nữa, họ không sinh ra nơi vùng cao gian khó này nhưng họ là những chiến sĩ quả cảm, những “bông hoa thép” trên vùng đất lửa. Trong chuyện kể với chúng tôi, họ nói nhiều về Tây Bắc. Dường như trong lòng những người con miền xuôi ấy, đất rừng nơi đây đã là thương, là nhớ để rồi các anh, chị nguyện gắn bó, chiến đấu và hy sinh vì sự bình yên của mảnh đất còn nhiều khó khăn, gian khổ này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên