Chống người thi hành công vụ khi tham gia giao thông ngày một phức tạp

VOV.VN - Tình trạng chống người thi hành công vụ khi tham gia giao thông diễn ra nhiều lần trong nhiều năm.

Sáng 12/6, Báo CAND tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Hình thành văn hóa giao thông của cá nhân và cộng đồng”.

Toàn cảnh tọa đàm

Chia sẻ tại buổi giao lưu, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGTQG khẳng định: "Văn hoá giao thông" là một thuật ngữ được sử dụng rất nhiều, nhưng nội hàm ý nghĩa của cụm từ này mỗi trường hợp lại khác nhau. Theo đó, văn hoá giao thông cũng bao gồm nhiều yếu tố như quy định pháp luật, cơ sở hạ tầng... Trong đó, ứng xử có văn hoá giao thông nghĩa là thực hiện đúng pháp luật trong quá trình tham gia giao thông. Nếu không có các quy định pháp luật hướng dẫn hành vi của người điều khiển giao thông thì mỗi người sẽ có hành vi theo cảm xúc cá nhân. Như vậy, muốn xây dựng văn hoá giao thông thì phải hoàn thiện được quy định pháp luật, quy tắc ứng xử trong các tình huống.

Đồng tình với ý kiến của ông Trần Hữu Minh, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT, Bộ Công an cho rằng, văn hóa giao thông được hình thành dựa trên ý thức, sự xây dựng của mỗi cá nhân lẫn cộng đồng trong quá trình tham gia giao thông.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật. (Ảnh: Công an nhân dân)

Đại tá Nhật nêu dẫn chứng, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSGT đã ban hành Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó tập trung các đối tượng: ô tô con, xe khách, xe container, xe mô tô...; tập trung những hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông: vi phạm về nồng độ cồn, về ma túy, về tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, tụ tập gây rối trật tự công cộng...

Cụ thể, sau 26 ngày, lực lượng CSGT đã kiểm tra xử lý gần 358.000 phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe gần 24.000 trường hợp; tạm giữ hơn 55.000 phương tiện các loại.... Cũng trong 26 ngày, lực lượng CSGT đã phát hiện xử lý hơn 18.000 người vi phạm nồng độ cồn; 234 trường hợp lái xe dương tính với ma túy; tính trung bình 1 ngày gần 600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện, xử lý.

Theo Đại tá Nhật, xử phạt như vậy là để người dân tự giác hơn trong việc mang theo đầy đủ các loại giấy tờ, điều kiện để tham gia giao thông một cách an toàn.

Tình hình chống người thi hành công vụ diễn ra ngày một phức tạp

Bên cạnh vi phạm hành chính, các đại biểu tham dự giao lưu cũng cho rằng, tình trạng chống người thi hành công vụ khi tham gia giao thông diễn ra nhiều lần trong nhiều năm.

Trả lời câu hỏi, những hành vi chống đối người thi hành công vụ khi tham gia giao thông có được coi là sự thiếu văn hóa khi tham gia giao thông không? Hay là sự bất tuân pháp luật? Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp khẳng định: Hành vi chống người thi hành công vụ đương nhiên vi phạm các quy định của pháp luật, và tùy theo mức độ nặng hay nhẹ thì sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự, thậm chí xử lý rất nặng.

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu. Ảnh: Công an nhân dân

“Dưới góc độ tội phạm học, phần đa hành vi vi phạm pháp luật chống người thi hành công vụ trong quá trình tham gia giao thông được coi là thiếu văn hóa giao thông. Tuy nhiên, nếu nói rằng tất cả hành vi chống người thi hành công vụ là thiếu văn hóa giao thông thì chưa thật chính xác, bởi khi chống người thi hành công vụ thì do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, rất đa dạng”- Thượng tá Thu khẳng định.

Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT (Bộ Công an), khẳng định, không một người nào, kể cả lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ muốn đánh cược mạng sống của mình trên nóc ca-pô. Việc không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng cảnh sát giao thông và hành động bất tuân pháp luật, cần phải bị trừng trị về cả về mặt hành chính và hình sự tuỳ theo tính chất và mức độ. Tình hình chống người thi hành công vụ diễn ra ngày một phức tạp. Các đối tượng rất đa dạng, trong đó đối tượng sử dụng rượu bia và chất kích thích thì mức độ manh động lớn hơn rất nhiều. Và những người thực hiện hành vi này không chỉ đối mặt với tội chống người thi hành công vụ, mà thậm chí còn đối mặt với tội danh Giết người.

Theo Đại tá Nhật, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, chú trọng vào công tác truyền thông, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông để họ hiểu rằng hành vi chống lại người thi hành công vụ bị cấm, là hành vi rất nguy hiểm, không được vi phạm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên