Chuyển tiền đặt làm bằng giả, bị sập bẫy lừa đảo
Lập nhiều tài khoản mạng xã hội, quảng cáo nhận làm giấy tờ, bằng cấp giả nhưng khi khách chuyển tiền, Trần Tấn Đạt rút xài rồi cắt liên lạc.
Ngày 22-6, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội cho biết đã bắt giữ Trần Tấn Đạt (23 tuổi, trú xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Theo Cơ quan công an, Đạt đã chiếm đoạt tiền tỉ thông qua việc làm giả các loại bằng cấp.
Quá trình điều tra xác định được vào năm 2014, Đạt đến các tiệm internet tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội Facebook, lập Fanpages “Làm bằng đại học”, tham gia các nhóm khác nhau trên Facebook để quảng cáo nhận làm bằng giả các loại.
Theo quảng cáo, các loại giấy tờ giả Đạt nhận làm có giá từ 1 đến 30 triệu đồng. Đạt cung cấp kèm theo tên (giả) và số điện thoại, địa chỉ email để người có nhu cầu làm giấy tờ giả liên hệ với mình.
Để che giấu thông tin, Đạt đã mua một số chứng minh nhân dân tại các khách sạn ở TP.HCM do khách bỏ quên với giá 100.000 đồng/chiếc. Sau đó, Đạt thay ảnh mình vào để mở tài khoản tại các ngân hàng để khách hàng chuyển tiền rồi chiếm đoạt.
Khi có khách liên hệ, Đạt yêu cầu gửi thông tin làm giấy tờ giả qua email và yêu cầu chuyển trước tiền cọc 30% phí làm giấy tờ giả. Sau khoảng 3 ngày, Đạt liên lạc thông báo đã làm xong, yêu cầu khách chuyển nốt tiền vào tài khoản thì sẽ gửi lại giấy tờ.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền khách chuyển, Đạt tắt máy điện thoại và chiếm đoạt số tiền này. Để rút tiền từ ngân hàng, Đạt đến các cây ATM ở huyện Châu Đức và một số nơi tại TP.HCM rút, khi đi thường bịt mặt, đội mũ để tránh bị camera giám sát của ngân hàng phát hiện.
Cơ quan công an xác định Đạt đã thực hiện thành công nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn nêu trên. Cụ thể, ngày 28-1-2015, chị V.T.M.H. (trú Khu đô thị Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) đã liên lạc để Đạt làm giả bằng tốt nghiệp Đại học Luật cho em trai.
Đạt giao dịch với tên là Minh và yêu cầu chị H. trả 19 triệu đồng, chuyển trước 6 triệu đồng vào tài khoản mang tên Bùi Công Minh tại ngân hàng Sacombank chi nhánh Long Bình Tân (Đồng Nai).
Đến ngày 2-2-2015, Đạt liên lạc cho biết đã làm xong bằng, yêu cầu chị H. chuyển nốt 13 triệu đồng. Sau khi nhận đủ tiền, Đạt cắt đứt liên lạc với chị H. và chiếm đoạt số tiền này.
Tương tự, Đạt cũng lừa anh N.M.C. (trú tại Đồng Nai) khi thoả thuận làm giả một bằng tốt nghiệp đại học Ngân hàng TP.HCM với giá 15 triệu đồng.
Sau đó Đạt viện cớ làm cả hồ sơ gốc nên yêu cầu anh C. chuyển tổng cộng 35 triệu đồng. Số tiền trên đã bị Đạt chiếm đoạt hoàn toàn./.