Lý do Trung Quốc ban hành luật bảo vệ sông Dương Tử

VOV.VN - Luật bảo vệ sông Dương Tử vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3 vừa qua. Có một số lý do khiến Trung Quốc phải ban hành riêng một đạo luật để bảo vệ một lưu vực sông cụ thể như vậy.

Sông Dương Tử hay còn được gọi là sông Trường Giang thường được ví là dòng sông Mẹ của dân tộc Trung Hoa và có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của Trung Quốc. Với chiều dài hơn 6300km, lưu vực Trường Giang chiếm 35% tổng lượng tài nguyên nước, 40% chủng loại cá nước ngọt, hơn 200 trong tổng số khoảng 460 khu bảo tồn tài nguyên giống thủy sản cấp quốc gia của Trung Quốc, được ví như “Lá chắn an ninh sinh thái quan trọng” của nước này.

Bên cạnh đó, khu vực vành đai kinh tế sông Trường Giang, nối liền 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh, cũng chiếm 21,4% diện tích, 40% dân số và đóng góp hơn 40% GDP của Trung Quốc, do vậy có vị trí kinh tế xã hội hết sức quan trọng và giá trị nổi bật về môi trường sinh thái.

Sau nhiều năm Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế, Trường Giang đã bị tàn phá và khai thác tận diệt. Do vậy, “Luật bảo vệ sông Dương Tử” (còn gọi là Trường Giang) đã chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 3/2021. Đây là bộ luật về bảo tồn một lưu vực sông cụ thể đầu tiên của Trung Quốc, cũng là nỗ lực của nước này trong việc bảo vệ và phục hồi con sông dài nhất cả nước và cả châu Á này.

Trước đó gần 1 năm, tức ngày 1/1/2020, một lệnh cấm đánh bắt cá nhằm bảo vệ đa dạng sinh học kéo dài tới 10 năm cũng đã được thực thi tại con sông này. Hai văn bản này có quan hệ mật thiết và bổ sung cho nhau. Việc ra đời của luật khiến lệnh cấm được thực thi triệt để, nghiêm ngặt và có cơ sở pháp lý hơn.

Động thái cho ra đời “Luật bảo vệ Trường Giang” trước tiên là nhằm giải quyết các vấn đề nổi cộm về môi trường và đã tích tụ nhiều năm qua tại đây, như đánh bắt cá, khai thác cát, xả rác, xả thải bừa bãi; xây dựng các nhà máy, đặc biệt là nhà máy hóa chất tùy tiện gây ô nhiễm... Thứ hai là khắc phục tình trạng cát cứ giữa các bộ ngành, vùng miền trong thực thi các cơ chế, thể chế liên quan đến con sông này. Cuối cùng là nhằm thực hiện chủ trương, quan điểm phát triển Xanh mà Trung Quốc đề ra.

Chuyên gia Thường Kỷ Văn thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc từng nói, hơn chục năm qua Trường Giang đã “bị bệnh”, rất cần có “Luật bảo vệ Trường Giang”. Nếu không bệnh đến mức không thể không chữa, không chữa không được, thì đã không có bộ luật này. Mặc dù đã có nhiều đạo luật  liên quan đến bảo vệ nguồn nước ở Trung Quốc, nhưng hiệu quả chưa cao, do vậy cần phải có một bộ luật với những cơ chế đặc thù và các quy định nghiêm ngặt dành riêng cho lưu vực sông Trường Giang để giải quyết các vấn đề tồn tại.

Tác động đến cuộc sống của người dân

Chỉ riêng khu vực vành đai kinh tế Trường Giang đã chiếm hơn 40% dân số của Trung Quốc, do vậy tác động của bộ luật này đến cuộc sống của người dân trong lưu vực là điều không tránh khỏi.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, chỉ riêng việc cấm đánh bắt cá đã tác động tới hơn 110.000 tàu thuyền và hơn 230.000 ngư dân dọc dòng sông này.

Việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân không hề đơn giản, bởi theo một báo cáo điều tra năm 2019 của Bộ này, có tới hơn 1/2 số ngư dân thuộc lưu vực Trường Giang trên 50 tuổi, tuyệt đại đa số chỉ có trình độ học vấn tiểu học hoặc trung học cơ sở. Phần lớn trong số họ chỉ nộp bảo hiểm hưu trí ở mức thấp nhất, nên khi nghỉ chỉ được lĩnh khoảng 80-120 Nhân dân tệ/tháng (khoảng 300.000-450.000 đồng Việt Nam).

Để giải quyết vấn đề sinh kế cho ngư dân, bên cạnh hỗ trợ của trung ương, Trung Quốc đã phải thực thi một nhóm các giải pháp dựa trên điều kiện cụ thể từng địa phương, như đưa ngư dân chuyển ngành vào nhóm được hưởng an sinh xã hội, thành lập các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch nông thôn, tạo các vị trí việc làm mang tính công ích, dạy nghề và tư vấn nghề miễn phí cho ngư dân...

Chuyên gia Trung Quốc gọi việc chuyển đổi ngành nghề này tại một số địa phương mà người dân chủ yếu sống dựa vào đánh bắt thủy sản trên sông Trường Giang là một “quá trình đau đớn”, nhưng họ cũng cho rằng những tác động này chỉ là ngắn hạn, trong khi về lâu dài sẽ giúp nền kinh tế phát triển khoa học và bền vững.

Đảm bảo thực hiện nghiêm túc luật lệ

Số liệu công bố hồi cuối năm 2020, tức gần 1 năm sau khi thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Trường Giang, chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm, Trung Quốc đã xử lý gần 7.200 vụ việc liên quan đến đánh bắt cá trái phép, xóa sổ khoảng 32.000 tàu cá không số hiệu, không giấy phép, không xuất xứ và bắt giữ gần 8.000 người.

Sự ra đời của “Luật bảo vệ Trường Giang” là nhằm luật hóa các quy định về giám sát, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm ở lưu vực Trường Giang, đảm bảo sự phát triển bền vững tại đây, cũng như đảm bảo sự phối hợp đồng bộ trong bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái.

Để luật được thực thi nghiêm túc và mang tính răn đe chắc chắn cần sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc đồng bộ của nhiều ban ngành, địa phương và các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, chuyên gia Trung Quốc tin rằng, bộ luật này sẽ được thực thi hiệu quả và vấn đề môi trường trên sông Trường Giang sẽ được xử lý, bởi theo họ các biện pháp quản lý và phạt hành chính trong luật đã nặng hơn, quy định về truy cứu trách nhiệm pháp luật đối với các quan chức địa phương cũng nghiêm hơn. Cụ thể, nếu không đảm bảo việc thi hành luật, các quan chức địa phương có thể bị truy cứu trách nhiệm với mức phạt cao nhất là buộc phải từ chức hoặc cách chức, khai trừ.  

Ngoài ra, luật cũng liệt kê hàng loạt các hoạt động và hành vi bị cấm, như cấm đánh bắt cá vì mục đích thu lợi tại các khu bảo tồn sinh vật thủy sinh của lưu vực sông Trường Giang, cấm các hành động khai thác trên sông và áp dụng các hình phạt cứng rắn hơn với các hành vi gây nguy hại cho môi trường lưu vực sông.

Việc khai thác cát và đánh cá cũng bị cấm trên tất cả các tuyến đường thủy tự nhiên của Trường Giang. Trong thời hạn do nhà nước quy định, việc đánh bắt cá vì mục đích khai thác tài nguyên thiên nhiên bị cấm ở các khu vực chính, gồm sông chính, các nhánh sông chính, các hồ và các khu vực cửa sông cụ thể.

Đối với hành vi khai thác cát trái phép, ngoài việc thu giữ tàu bè vi phạm, mức phạt cao nhất được đưa ra đã tăng từ 300.000 Nhân dân tệ (khoảng 46.000 USD) lên dưới 20 lần giá trị hàng hóa bị xử lý hoặc tối đa là 2 triệu Nhân dân tệ (khoảng 310.000 USD). Việc vi phạm quy định cấm xây mới, mở rộng các khu công nghiệp hoặc dự án hóa chất cũng bị phạt lên đến 5 triệu Nhân dân tệ (khoảng 775.000 USD).

Thực tế cho thấy, việc xây dựng và thực thi “Luật bảo vệ Trường Giang” cũng như việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây tuyên bố hướng tới mục tiêu đạt đỉnh về lượng khí thải carbon trước năm 2030 và trung hoà carbon trước năm 2060 đều nằm trong nỗ lực giành chiến thắng 1 trong 3 “cuộc chiến công kiên”, nội hàm chính của mục tiêu 100 năm lần thứ nhất của Trung Quốc - xây dựng toàn diện xã hội khá giả.

Ba cuộc chiến đó gồm ngăn ngừa hóa giải các rủi ro lớn, thoát nghèo chuẩn xác và phòng chống ô nhiễm. Trước đó không lâu, ông Tập Cận Bình vừa tuyên bố giành “chiến thắng toàn diện” trong cuộc chiến thoát nghèo và thời điểm để tuyên bố hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả đang đến rất gần, tức ngày 1/7/2021 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khai mạc Hội nghị Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc 2021
Khai mạc Hội nghị Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc 2021

VOV.VN - Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Chính hiệp Uông Dương cùng hơn 2.000 ủy viên Chính hiệp Trung Quốc đã tham dự lễ khai mạc Hội nghị Chính hiệp toàn quốc của nước này.

Khai mạc Hội nghị Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc 2021

Khai mạc Hội nghị Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc 2021

VOV.VN - Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Chính hiệp Uông Dương cùng hơn 2.000 ủy viên Chính hiệp Trung Quốc đã tham dự lễ khai mạc Hội nghị Chính hiệp toàn quốc của nước này.

Giá Bitcoin gây biến động thị trường card đồ họa Trung Quốc
Giá Bitcoin gây biến động thị trường card đồ họa Trung Quốc

Giá bộ xử lý đồ họa (GPU) tại Huaqiangbei, khu chợ buôn bán điện tử lớn nhất thế giới ở Thâm Quyến (Trung Quốc), đang thay đổi chóng mặt từng ngày theo giá của Bitcoin.

Giá Bitcoin gây biến động thị trường card đồ họa Trung Quốc

Giá Bitcoin gây biến động thị trường card đồ họa Trung Quốc

Giá bộ xử lý đồ họa (GPU) tại Huaqiangbei, khu chợ buôn bán điện tử lớn nhất thế giới ở Thâm Quyến (Trung Quốc), đang thay đổi chóng mặt từng ngày theo giá của Bitcoin.

"Trung Quốc là phép thử địa chính trị lớn nhất mà Mỹ đang phải đối mặt”
"Trung Quốc là phép thử địa chính trị lớn nhất mà Mỹ đang phải đối mặt”

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ nhanh chóng khôi phục và hàn gắn quan hệ giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, nỗ lực cải thiện quan hệ của chính quyền Biden chưa hề đề cập tới Trung Quốc.

"Trung Quốc là phép thử địa chính trị lớn nhất mà Mỹ đang phải đối mặt”

"Trung Quốc là phép thử địa chính trị lớn nhất mà Mỹ đang phải đối mặt”

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ nhanh chóng khôi phục và hàn gắn quan hệ giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, nỗ lực cải thiện quan hệ của chính quyền Biden chưa hề đề cập tới Trung Quốc.