Có quốc gia, “ma men” lái xe sẽ phải ngồi tù và lao động khổ sai
VOV.VN - Những tài xế uống rượu bia khi lái xe tại một số quốc gia sẽ phải chịu mức phạt hết sức nghiêm khắc và thậm chí phải đối mặt với mức án 10 năm tù.
Những án phạt đặc biệt nghiêm khắc
Phạt tiền và ngồi tù là hai hình phạt tương đối phổ biến trên thế giới đối với những tài xế bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (chủ yếu rơi vào khoảng 50-80 miligam/100 mililit máu). Điểm khác biệt chính là ở số tiền mà tài xế phải nộp phạt và án phạt ngồi tù là bao lâu.
Tại rất nhiều quốc gia, việc tài xế có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép khi đang lái xe có thể khiến họ bị phạt tù. Ảnh minh họa: AP |
Nam Phi là quốc gia đặc biệt nghiêm khắc trong vấn đề xử lý các tài xế say rượu. Những tài xế này sẽ bị phạt số tiền lên đến 10.000 USD (hơn 230 triệu đồng) và đối mặt với án tù lên đến 10 năm ngay trong lần vi phạm đầu tiên.
Lý do để Nam Phi đưa ra mức phạt rất nặng này là bởi, trước đây, khi luật pháp Nam Phi chưa cứng rắn, tỷ lệ người vi phạm uống rượu bia khi lái xe gây tai nạn tại quốc gia này rất cao, chiếm tới hơn 58% trong số các vụ tai nạn. Điều này khiến Nam Phi buộc phải tăng dần mức phạt cho đến khi đạt được mục tiêu giảm bớt số vụ tai nạn do uống rượu bia khi lái xe gây ra xuống dưới mức 50% hiện nay trước khi tính đến những mục tiêu lâu dài hơn.
Canada và Đức là hai quốc gia cũng rất nổi tiếng về những án phạt nghiêm khắc dành cho những lái xe sử dụng rượu bia. Theo đó, những tài xế vi phạm có thể phải ngồi tù tới 5 năm và tại Canada, tài xế sẽ phải nộp phạt số tiền lên đến 1.000USD (trên 23 triệu đồng).
Tại Phần Lan và Thụy Điển, các tài xế uống rượu khi lái xe sẽ phải ngồi tù và lao động khổ sai trong vòng một năm. Nếu tiếp tục tái phạm tại Thụy Điển, danh tính của tài xế và dữ liệu về chiếc xe mà họ sở hữu sẽ bị lưu trong dữ liệu của cảnh sát và cảnh sát có quyền chặn xe của họ để kiểm tra bất kỳ lúc nào. Nếu tiếp tục vi phạm, những tài xế này sẽ bị tịch thu xe.
Tại Pháp, các tài xế vi phạm cũng sẽ phải ngồi tù một năm nhưng không phải lao động khổ sai. Tuy nhiên, họ phải nộp phạt số tiền 1.000USD (hơn 23 triệu đồng) và bị tước bằng lái trong vòng 3 năm.
Tài xế Thụy Điển tái phạm việc uống rượu bia khi lái xe có thể bị kiểm tra xe bất kỳ lúc nào. Ảnh minh họa: Reuters |
Trái với Nam Phi, mức phạt nặng tại những nước châu Âu nói trên được áp dụng ngay từ đầu với mục đích răn đe những tài xế có ý định uống rượu bia khi đang lái xe. Hiệu quả từ việc này được ghi nhận khi số vụ tai nạn giao thông do rượu bia tại châu Âu chỉ chiếm khoảng 20-25% trong số những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông trong khu vực và số tài xế có nồng độ cồn vượt mức cho phép khi đang lái xe chỉ dao động từ 1-5% trong suốt hàng chục năm qua.
Costa Rica và El Salvador cũng áp dụng hình phạt tù, phạt tiền và tước bằng lái đối với những tài xế có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép khi đang lái xe. Ngoài ra, xe của những tài xế nói trên có thể bị đem đi bán ngay trong lần họ vi phạm đầu tiên. Dù thông tin về việc El Salvador đưa các tài xế say rượu khi lái xe ra hành quyết là không chính xác nhưng với những mức phạt đã nêu, cũng không nhiều tài xế dám quá chén nếu muốn ngồi sau vô lăng ở quốc gia Trung Mỹ này.
Trong khi đó, tại Ba Lan, tài xế sẽ bị tước bằng trong vòng 3 năm nếu bị phát hiện uống rượu say khi lái xe và phải nộp phạt số tiền 1.635USD (hơn 38 triệu đồng). Ngoài ra, các tài xế còn phải bắt buộc tham dự các lớp chỉnh huấn về tư cách trong một thời gian dài.
Nhiều tài xế thừa nhận, việc phải tham dự những lớp chỉnh huấn như thế này chính là lý do họ không bao giờ dám tái phạm lần thứ 2 bởi việc này gây ra rất nhiều bất tiện về thời gian cũng như tiền bạc cho họ cũng như khiến họ cảm thấy xấu hổ trước người thân, gia đình và bạn bè.
Những hình phạt khó tin nhưng “rất thấm”
Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ có hình thức xử phạt hết sức đặc biệt khiến các tài xế say xỉn “tởn tới già”. Theo đó, những tài xế bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép sẽ bị đưa vào sâu trong sa mạc khoảng hơn 30km và bị yêu cầu đi bộ trở lại nơi họ sinh sống. Để đảm bảo họ không vẫy xe đi nhờ dọc đường, sẽ có một nhân viên cảnh sát lái xe giám sát họ trong suốt quá trình thực hiện án phạt.
Một số quốc gia đã đề ra những án phạt rất đặc biệt để hạn chế tối đa việc uống rượu bia khi lái xe. Ảnh minh họa: AP |
Trong khi đó, Malaysia lại đề cao yếu tố gia đình để ngăn chặn việc các tài xế uống rượu bia khi lái xe. Luật pháp Malaysia quy định, nếu chồng/vợ uống có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép quá nhiều, người bạn đời của họ cũng có thể bị ngồi tù theo. Chính vì thế, tại Malaysia, có một câu nói đùa rằng, vợ/chồng say xỉn khi lái xe sẽ khiến gia đình “tốn” tới 2 luật sư. Một cho người vi phạm và một cho đơn xin ly hôn của người còn lại.
Australia lại sử dụng cách “xưa như Trái đất” nhưng cũng cực kỳ hiệu quả trong việc răn đe tài xế uống rượu bia khi lái xe. Tại “xứ sở chuột túi”, danh tính của các tài xế vi phạm sẽ được đăng tải công khai trên báo và không có gì đáng ngạc nhiên khi rất nhiều người trong số này bị công ty nơi họ làm việc sa thải vì hành vi sai trái đó.
Có thể nói, việc đưa ra những hình phạt cực kỳ nghiêm khắc hoặc có phần quái lạ nhằm vào những tài xế say xỉn khi đang lái xe chỉ là một phần trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn những tai nạn không đáng có đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những án phạt nặng như trên, các nước cũng có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục giúp cho các tài xế nhận thức đúng đắn và kiên quyết không sử dụng rượu bia khi lái xe, đảm bảo an toàn cho bản thân, người thân, gia đình và xã hội./.