Côn đồ lộng hành: Có hay không sự làm ngơ của chính quyền?

VOV.VN - PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học cho rằng, để xảy ra các vụ côn đồ tụ tập thì trách nhiệm chính thuộc về địa phương.

Sự lộng hành của các nhóm côn đồ đã và đang khiến cuộc sống của người dân trở nên bất an hơn. Tại sao trong một Nhà nước pháp quyền, một xã hội văn minh, côn đồ lại có thể ngang nhiên hành xử kiểu “luật rừng”.

Làm cách nào để ngăn chặn sự phát triển của các nhóm côn đồ? Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học.

PV: Ông nhìn nhận như thế nào với sự việc mới xảy ra ở Đồng Nai. Khi hàng trăm côn đồ vây hãm một xe ô tô chở 3 cán bộ công an?

PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn: Trước hết, chúng ta thấy được rằng, những hành vi gây mất an ninh trật tự như vậy không phải phổ biến. Thực ra, trật tự xã hội của chúng ta trong những năm qua cơ bản là giữ được bình yên. 

PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia tội phạm học.

Trong trường hợp các đối tượng manh động, có thể gây ra nguy hiểm cho nạn nhân, cho bản thân chính đối tượng, trong trường hợp này việc xử lý phải hết sức bình tĩnh. Chẳng hạn như trong các trường hợp bắt cóc con tin hay định tự sát, lực lượng chức năng phải lựa chọn biện pháp hợp lý.

Vừa rồi, cảnh sát Đồng Nai phải “thương lượng” với nhóm côn đồ không phải là sự bất lực, cũng không phải là sự yếu đuối. Tôi cho rằng đó, là cách thức để giảm thiểu rủi ro cho tất cả những người liên quan. Ngay ngày hôm sau, chúng ta biết rằng những đối tượng này đã bị bắt giữ.

PV: Sự lộng hành của côn đồ đã lan rộng không chỉ từ thành phố, mà đến cả các vùng quê. Ông nhận xét gì về điều này?

PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn: Hiện tượng đó thực sự gây lo lắng cho dư luận xã hội. Không chỉ ở đô thị, mà các vùng nông thôn, vốn ngày xưa là thuần khiết, nhưng các nhóm giang hồ đã lan rộng đến tận đó. Thậm chí là bảo kê cho các hoạt động thu mua nông sản, sản vật của nông dân.

Hiện nay nông thôn cũng không còn được thuần khiết như ngày xưa bởi kinh tế xã hội đang biến động, cả về đời sống, biến đổi về lao động và thông tin. Các đối tượng hiện nay lợi dụng sự hiểu biết hạn chế của người dân nông thôn, lợi dụng các mâu thuẫn xảy ra trong xã hội, sự cạnh tranh trong làm ăn và sự buông lỏng quản lý yếu kém ở địa phương. Các đối tượng lợi dụng những điều đó để đạt được mục đích là lợi nhuận. Nhiều người do sự thiếu hiểu biết đã sử dụng chính lực lượng côn đồ này để đạt được mục đích của mình.

Giang hồ vây xe chở 3 cán bộ công an ở Đồng Nai.

PV: Vai trò của chính quyền địa phương đối với việc này như thế nào, thưa ông?

PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn: Tất cả các hiện tượng tiêu cực đều xảy ra trong 1 địa bàn cụ thể, nhất là địa bàn cơ sở. Cho nên vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng. Anh có trách nhiệm quản lý tất cả các vấn đề về kinh tế xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn.

Để côn đồ lộng hành trên địa bàn thì vai trò và hiệu lực của chính quyền địa phương nơi đó rất hạn chế. Chúng ta không loại trừ yếu tố tiêu cực của một bộ phận cán bộ ở địa phương, thậm chí là tiếp tay. Bên cạnh đó, có thể do năng lực của cán bộ còn hạn chế.

Chúng ta cũng thấy rằng, hiểu biết pháp luật của người dân, ý thức chấp hành pháp luật, tích cực đấu tranh tội phạm của người dân là hạn chế. Thậm chí nhiều người dân bỏ mặc, thờ ơ, không quan tâm. Đây là mảnh đất tốt tươi để các đối tượng có tiền án tiền sự hoạt động.

PV: Theo ông, có một tổ chức côn đồ nào mạnh đến mức chính quyền không thể dẹp bỏ?

PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn: Lo lắng của người dân là có thật, nhưng không thể nói là chính quyền bó tay. Khi các đối tượng gây ra án thì tất cả các đối tượng đều bị đấu tranh xử lý một cách nghiêm minh.

Tôi nghĩ ở đất nước chúng ta, không thể có một tổ chức côn đồ nào đứng trên pháp luật. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật đều được xử lý. Vấn đề là xử lý như thế nào, xử lý nhanh hay chậm, ở mức độ nào thì còn phụ thuộc vào năng lực và sự hợp tác của người dân với cơ quan bảo vệ pháp luật.

PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn trả lời VOV.

PV: Chúng ta phải tập trung vào những giải pháp nào để trấn áp nạn côn đồ lộng hành như thời gian vừa qua?

PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn: Nếu nói về giải pháp ngăn chặn nạn côn đồ thì rất rộng vì nó còn liên quan đến ý thức pháp luật, nền tảng đạo đức, nền tảng xã hội... Tuy nhiên, chúng ta thấy trong thời gian qua, một số nhóm côn đồ không có công ăn việc làm, lêu lổng nghiện hút, sa vào tệ nạn, tụ tập nhau để làm việc phi pháp. Chúng thường gây thanh thế, tạo số má để kiếm lợi nhuận.

Những hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội như: tín dụng đen, vay nợ cờ bạc, đòi nợ thuê... Vì những hành vi không đứng đắn, trái pháp luật đó lại tìm đến các nhóm côn đồ. Do đó, chúng lại có đất để hoạt động.

Trước hết, chúng ta phải làm cho người dân hiểu rõ về pháp luật. Phải hiểu rằng, tất cả các hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý, không trước thì sau. Bản thân mỗi người phải ý thức chấp hành luật pháp. Ngay trong việc làm ăn, chúng ta cũng phải tuân thủ pháp luật. Không thể vì cạnh tranh hay những việc mâu thuẫn mà thuê côn đồ.

PV: Liệu có cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính quyền địa phương?

PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn: Địa phương chính là nơi chịu trách nhiệm toàn diện về an ninh trật tự trên địa bàn. Anh phải nắm được tình hình địa bàn, các đối tượng trong khu vực đó để kịp thời đấu tranh ngăn chặn.

Đối với việc xử các đối tượng hiện nay có một điều khó, đó là các đối tượng càn quấy nhưng chưa đến mức trở thành tội phạm truy cứu trách nhiệm hình sự. Các biện pháp nhắc nhở, phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe.

Chúng ta cần các biện pháp ngăn chặn, răn đe, xử lý nghiêm ngay từ đầu. Phải có biện pháp quản lý, giáo dục để các đối tượng không tụ tập gây mất trật tự công cộng.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vụ giang hồ vây xe công an: Khám xét công ty của ông Nguyễn Tấn Lương
Vụ giang hồ vây xe công an: Khám xét công ty của ông Nguyễn Tấn Lương

VOV.VN -Nhiều công an có mặt và tiến hành khám xét trụ sở công ty do ông Nguyễn Tấn Lương (36 tuổi) làm chủ.

Vụ giang hồ vây xe công an: Khám xét công ty của ông Nguyễn Tấn Lương

Vụ giang hồ vây xe công an: Khám xét công ty của ông Nguyễn Tấn Lương

VOV.VN -Nhiều công an có mặt và tiến hành khám xét trụ sở công ty do ông Nguyễn Tấn Lương (36 tuổi) làm chủ.

Nóng 24h: Khám xét nhà chủ doanh nghiệp gọi giang hồ “vây” công an
Nóng 24h: Khám xét nhà chủ doanh nghiệp gọi giang hồ “vây” công an

VOV.VN - Lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét nhà, trụ sở công ty của ông Nguyễn Tấn Lương, người đã có hành vi gọi giang hồ đến "vây" xe công an.

Nóng 24h: Khám xét nhà chủ doanh nghiệp gọi giang hồ “vây” công an

Nóng 24h: Khám xét nhà chủ doanh nghiệp gọi giang hồ “vây” công an

VOV.VN - Lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét nhà, trụ sở công ty của ông Nguyễn Tấn Lương, người đã có hành vi gọi giang hồ đến "vây" xe công an.

Bắt khẩn cấp đối tượng gọi giang hồ vây xe chở công an ở Đồng Nai
Bắt khẩn cấp đối tượng gọi giang hồ vây xe chở công an ở Đồng Nai

VOV.VN - Công an TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vừa bắt khẩn cấp ông Nguyễn Tấn Lương, người đã gọi giang hồ Giang “36” tới vây xe công an.

Bắt khẩn cấp đối tượng gọi giang hồ vây xe chở công an ở Đồng Nai

Bắt khẩn cấp đối tượng gọi giang hồ vây xe chở công an ở Đồng Nai

VOV.VN - Công an TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vừa bắt khẩn cấp ông Nguyễn Tấn Lương, người đã gọi giang hồ Giang “36” tới vây xe công an.